Chuyển đổi ở vùng cát Gio Linh
Để chuyển đổi cơ cấu cây trồng vùng cát và ven biển bãi ngang, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, định hướng cho người dân chuyển sang trồng các loại cây gia vị và rau quả như cây ném, kiệu, mướp đắng... phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, lại có giá trị kinh tế cao, đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Ném bán đắt hàng
Bà Dương Thị Xuân, Phó Chủ tịch phụ trách nông nghiệp của xã Trung Giang cho biết, xã bãi ngang này có tổng diện tích đất tự nhiên gần 1.100 ha. Người dân nơi đây chủ yếu mưu sinh bằng nghề biển đánh bắt gần bờ nên thu nhập khá bấp bênh.
Để cuộc sống người dân được cải thiện, nâng cao thu nhập, chúng tôi đề xuất với cấp trên phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Cụ thể từ cây khoai, sắn, lúa, ngô có giá trị kinh tế thấp sang trồng cây ném, kiệu, dưa và mướp đắng, lạc có giá trị kinh tế cao. Trong quá trình chuyển đổi, Phòng NN-PTNT huyện Gio Linh hỗ trợ người dân về kỹ thuật trồng và cách chọn giống. Các loại cây mới được đưa vào trồng thử nghiệm và nhân rộng trên đất cát đã thích nghi và sinh trưởng tốt, cho năng suất cao.
Mới sau một mùa vụ, cây ném đã cho hiệu quả vượt trội hơn hẳn những loại cây trồng truyền thống, đem lại lợi ích kinh tế đáng kể cho người dân. Xã Trung Giang hiện có 3 ha đất trồng ném cho năng suất đạt 2 tấn/ha. Trong đó, diện tích đất trồng ném thuộc dự án xã hỗ trợ cho nông dân là 2 ha, còn lại diện tích người dân tự trồng hàng năm là 1 ha.
Dự án hỗ trợ mô hình trồng ném của xã Trung Giang được áp dụng cho 3 thôn Hà Lợi Trung, Cang Gián và Thủy Bạn với 30 hộ gia đình, mỗi thôn 10 hộ, mỗi hộ được hỗ trợ 13 kg ném giống (trị giá khoảng 1 triệu đồng). Cây ném được người dân trồng từ tháng 10 đến tháng 5 âm lịch. Ném vừa cho bán lá non làm gia vị thực phẩm và bán củ khi về già.
Chị Trần Thị Thương ở thôn Hà Lợi Trung cho hay: Trước đây nhà tôi trồng khoai lang, mỗi vụ thu hoạch chỉ bán được hơn 1 triệu đồng.
Sau khi trồng thử cây ném trên đất ấy, tôi thu hoạch được 1 tạ ném hạt. Giá ném hạt hiện tại trên thị trường từ 60 đến 65 ngàn/kg nếu bán ném giống, từ 50 đến 55 ngàn/kg hạt nếu bán ném thành phẩm.
Vụ trồng ném đầu tiên, tôi thu lãi được 5,5 triệu đồng. Nhiều gia đình tham gia trồng ném ở Trung Giang cũng có mức lãi cao như gia đình chị Thương. Đặc biệt, sản phẩm ném được tiêu thụ rất mạnh ở thị trường miền Trung.
Mướp đắng lời gấp 5 lần ngô
Với trồng cây mướp đắng thì xã Gio Mỹ được gọi là “vua” của vùng cát. Xã này có trên 200 hộ dân tham gia trồng mướp đắng với diện tích khoảng 17 ha. So với các loại cây màu khác, mướp đắng cho thu nhập cao hơn gấp nhiều lần. Bình quân mỗi sào đất trồng 2 vụ ngô cho thu nhập khoảng 3 triệu đồng, nhưng trồng mướp đắng thu nhập khoảng 16 triệu đồng. Sản phẩm mướp đắng Gio Mỹ là nguồn cung cấp chủ yếu cho các chợ đầu mối lớn như Đông Hà, Vĩnh Linh, thị xã Quảng Trị, thậm chí ngược ra Quảng Bình.
Trồng cây mướp đắng đang trở thành thế mạnh trong việc tổ chức tái cơ cấu cây trồng tại xã Gio Mỹ. Để cây mướp đắng tiếp tục phát triển bền vững, tìm được đầu ra ổn định trên thị trường, chính quyền địa phương đã tổ chức tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức trong quy trình sản xuất, tránh việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, dùng hóa chất hay chất kích thích, từ đó tạo ra sản phẩm mướp đắng sạch, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.
Đặc biệt cây mướp đắng ở đây được chăm bón hoàn toàn bằng phân chuồng, không dùng đến hóa chất. Quy trình trồng, chăm sóc thành công với mướp đắng được gói gọn từ cây giống tốt, phân chuồng, tưới tiêu đầy đủ, phòng trừ sâu bệnh... Từ phong trào trồng rau sạch, “nói không với các loại hóa chất”, mà Hội phụ nữ xã phát động từ năm 1998 đến nay, người dân trong xã luôn tuân thủ nguyên tắc này để sản xuất ra những loại rau quả sạch như mướp đắng, bí đao, rau cải...
Chị Nguyễn Thị Giỏ ở thôn Lại An trồng hơn 5 sào mướp đắng, cho biết, nếu thời tiết thuận lợi, không mưa rét dầm dề thì mướp bán được giá hơn. Nhờ trồng mướp mà hàng năm gia đình chị thu nhập từ 20 đến 30 triệu đồng. Nhiều gia đình khác trong xã trồng mướp sạch cũng thu được hiệu quả cao.
Mỗi vụ mướp đắng trồng trong thời gian 45 đến 60 ngày thì cho thu hoạch, thời gian cho quả kéo dài thêm 4 đến 5 tháng. Ngay cả khi đã vào cuối vụ, cây mướp đắng vẫn rất sai quả. Mỗi kg mướp đắng bán ra trên thị trường từ 20 đến 40 ngàn đồng, tùy theo phân loại mẫu mã, chất lượng quả. Vì đã có thương hiệu và chất lượng sạch nên mấy năm trở lại đây, tư thương đã về tận vườn để thu mua sản phẩm mướp đắng cho bà con.
Ông Phan Văn Nghi, Phó Chủ tịch UBND huyện Gio Linh cho biết, tiềm năng đất vùng cát của huyện có hàng chục ngàn ha. Để chuyển đổi cơ cấu cây trồng vùng cát và ven biển bãi ngang, huyện đã định hướng cho người dân chuyển sang trồng loại cây gia vị và rau quả như cây ném, kiệu, mướp đắng... Trồng những loại cây này phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, giảm thiểu công chăm sóc, phân bón, có giá trị kinh tế cao, đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Mô hình chuyển đổi trồng ném, kiệu và mướp đắng ở hai xã Trung Giang và Gio Mỹ đã khẳng định được hướng đi đúng trong việc tái cơ cấu cây trồng thích nghi biến đổi khí hậu ở vùng cát. Sắp đến, chúng tôi sẽ tổ chức tổng kết mô hình và nhân rộng thêm nhiều xã vùng cát nữa.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ