Mô hình kinh tế Chuyển động của ngành nuôi thủy sản

Chuyển động của ngành nuôi thủy sản

Ngày đăng 11/07/2015

Chuyển động của ngành nuôi thủy sản

1. Những năm 2001 - 2002, phong trào nuôi tôm bắt đầu phát triển mạnh, có sức hút mãnh liệt đối với nhiều nhà đầu tư. Đây là thời kỳ huy hoàng của con tôm sú ở xã Phú Tân nói riêng và vùng ven biển Gò Công nói chung. Người dân đổ xô chuyển từ nuôi tôm quảng canh sang nuôi công nghiệp. Bởi chỉ với một vài mùa vụ trúng giá, lợi nhuận từ nuôi tôm có thể lên đến tiền tỷ. Chẳng bao lâu, hàng trăm ha nhanh chóng được chuyển đổi sang nuôi tôm công nghiệp. Đến mức, có một thời nhiều người kỳ vọng sẽ chuyển đổi hầu hết diện tích đất ở xã Phú Tân (huyện Tân Phú Đông ngày nay) thành những ao nuôi tôm công nghiệp kiểu mẫu, với trên 1.000 ha. Ngày đó, xáng cạp, xe Kobe ồ ạt về xã để đào ao nuôi tôm. Bởi thế, trong thời gian rất ngắn vùng đầm phá, hoang tàn, bần đước ven biển đã trở thành ao tôm. Nhiều đại gia ở nơi khác cũng về đây mua hay thuê đất để đào ao nuôi tôm sú.

Đi kèm với các mô hình nuôi tôm thành công là những dự án nuôi tôm công nghiệp được đầu tư với quy mô lớn. Điển hình như dự án 230 ha ở ấp Gảnh và Lý Quàn 2 (xã Phú Đông, huyện Tân Phú Đông), đây là khu vực chịu ảnh hưởng thủy triều mặn - ngọt 2 mùa rõ rệt trong năm, thuần nông cây lúa, với 1, 2 vụ lúa năng suất bấp bênh. Khi con tôm sú đặt chân đến vùng đất này, dự án nuôi thủy sản được lập ngay, với tổng kinh phí được duyệt gần 3 tỷ đồng, diện tích đưa vào dự án 230 ha, trên 220 hộ dân tham gia nuôi thủy sản.

Hay dự án 147 ha ở xã Phú Thạnh (huyện Tân Phú Đông) được đầu tư từ năm 2002 - 2006 phải tạm ngưng vì không phát huy hiệu quả. Còn ở các xã cặp tuyến đê biển Gò Công thuộc huyện Gò Công Đông như: Tân Điền, Kiểng Phước, Vàm Láng, Gia Thuận... nhiều dự án nuôi tôm công nghiệp được khởi động ngay chính thời điểm cơn sốt nuôi tôm lan rộng.

Thế nhưng, mô hình nuôi tôm công nghiệp lại nhanh chóng lắng xuống do nhiều yếu tố tác động. Giờ đây, người dân nuôi tôm chủ yếu theo mô hình quảng canh hoặc tập trung ở một số vùng có điều kiện thuận lợi.

Ông Đoàn Văn Thơ, Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông cho biết: "Kinh nghiệm và kỹ thuật nuôi tôm người dân không thiếu. Cái thiếu ở đây là tình trạng mạnh ai nấy làm, sản xuất không theo mùa vụ, ý thức bảo vệ môi trường trong vùng nuôi tôm kém, dẫn đến dễ lây lan dịch bệnh. Những cuộc chuyển đổi ồ ạt từ nuôi quảng canh sang công nghiệp trong khi hạ tầng vùng nuôi chưa hoàn chỉnh; nhiều kinh, cống bồi lắng, xuống cấp chưa có kinh phí nâng cấp, sửa chữa... Mặt khác, người dân quá thiếu thông tin thị trường dẫn đến cung, cầu không tương xứng, giá cả bấp bênh. Những tổ nuôi tôm cộng đồng lại hoạt động không hiệu quả".

2. Những năm cuối thập niên 1990, những người từ An Giang, Đồng Tháp đến Mỹ Tho bán cá bằng ghe đục thấy được tiềm năng sông Tiền, nên nảy sinh ý định nuôi cá bè tại đây. Thế là một, hai bè làm bằng xi măng được chuyển từ An Giang về neo đậu ở bờ Bắc sông Tiền thuộc phường Tân Long (TP. Mỹ Tho). Nhân công nuôi cá bè phần lớn đến từ An Giang và truyền nghề dần cho người dân địa phương. Đến nay, nghề nuôi cá bè trên sông Tiền đã hơn 20 năm, với những bước thăng trầm, sóng gió. Những bè cá lúc đầu chỉ nuôi các đối tượng truyền thống của vùng An Giang, Đồng Tháp là cá hú, cá ba sa, vì con giống được chuyển về từ đây phần lớn được bắt tự nhiên từ vùng đầu nguồn.

Dần dần, do nguồn giống khan hiếm và hiệu quả kinh tế không cao, cá điêu hồng là giải pháp thay thế một cách hiệu quả và được duy trì cho đến ngày nay. Từ chỗ chỉ có vài chục bè đã không ngừng tăng lên, không chỉ tập trung ở cù lao Tân Long, bè cá dần được lan rộng đến xã Thới Sơn (TP. Mỹ Tho), Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy). Thống kê của ngành Nông nghiệp đến cuối năm 2014, toàn tỉnh hiện có 1.378 bè, lồng cá đang thả nuôi với tổng dung tích 141.390m3.

Khi nghề nuôi cá tra công nghiệp được nhen nhóm trên địa bàn tỉnh, chủ trương thành lập hợp tác xã chuyên về lĩnh vực này được hình thành. Đó là một chủ trương đúng nhằm tập hợp nguồn lực, tạo ra sản lượng lớn và áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến nhất. Từ đó, Hợp tác xã Thủy sản Hòa Hưng (Cái Bè) ra đời. Nhiều mô hình nuôi hiện đại được áp dụng tại vùng nuôi của hợp tác xã, chẳng hạn áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn SQF 1.000, hướng đến tiêu chuẩn GlobalGAP...

Tiếp đó, ngành Nông nghiệp đã tiến hành quy hoạch vùng nuôi cá tra công nghiệp trên địa bàn tỉnh khoảng 600 ha. Do giá cá liên tục giảm trong thời gian qua, làm người nuôi lỗ nặng, nên diện tích thả nuôi cá tra đang có dấu hiệu giảm dần. Thống kê gần đây cho thấy, diện tích thả nuôi cá tra toàn tỉnh chỉ còn khoảng 120 ha, tập trung chủ yếu ở Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Chợ Gạo.

Với diện tích nuôi trên dưới 2.000 ha, tập trung chủ yếu ở khu vực ven biển Tân Thành, con nghêu đã có đóng góp tích cực cho kinh tế - xã hội của địa phương. Sở Thủy sản trước đây từng quy hoạch vùng nuôi, sinh sản giống nghêu tự nhiên cho giai đoạn 2015 - 2020, nhằm mục tiêu khai thác những lợi thế của "vàng trắng" mang lại.

Nhiều người nhận định rằng, xã Tân Thành xóa đói giảm nghèo nhanh hơn các xã khác nhờ vào nghề nuôi nghêu. Bởi theo thống kê sơ bộ, mỗi năm, bãi nghêu đã giải quyết việc làm cho trên 300.000 ngày công lao động, giá trị của mỗi ngày công khoảng 150.000 đồng. Đây lại là lao động giản đơn không cần đến tay nghề cao, nhưng có thu nhập đảm bảo cơ bản cuộc sống của người dân...


Việt Nam tăng xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc, Hồng Kông Việt Nam tăng xuất khẩu cá tra sang… Lào Cai sẽ cung ứng cho thị trường hơn 8.400 tấn thủy sản/năm vào năm 2020 Lào Cai sẽ cung ứng cho thị trường…