Chuyển lúa sang rau hữu cơ, nông dân xứ Mường thu nhập 300 triệu đồng/ha
Chuyển đổi đất lúa sang trồng rau hữu cơ, nhiều nhà nông ở xứ Mường huyện Lương Sơn, Hòa Bình đã có của ăn của để.
Các loại rau ăn lá mần cảm cao với sâu bệnh được trồng nhà lưới. Ảnh: Hải Tiến.
Theo chân anh Bùi Hồng Thủy, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Phát triển cây dược liệu Hòa Bình, chúng tôi đến thăm mô hình trồng rau hữu cơ ở xóm Gừa, xã Cư Yên, huyện Lương Sơn, Hòa Bình.
Tiếp khách ngay bên ruộng rau đang thu hoạch, chị Hoàng Bích Thùy cho biết, Tổ của chị gồm 20 thành viên, đều là người dân tộc Mường, cùng liên kết trồng rau hữu cơ theo mô hình tổ hợp tác từ năm 2014. Tổng diện tích gieo trồng hàng năm khoảng 20ha, đất được chuyển đổi từ ruộng canh tác lúa hiệu quả thấp.
Dù chưa cộng sổ xem mỗi tháng sản xuất được bao nhiêu tấn rau củ quả các loại và tổng thu nhập đạt được thế nào, nhưng chị Thùy chắc chắn lợi nhuận từ trồng rau luôn cao gấp 5-6 lần thâm canh lúa. Theo đó, mùa nào rau ấy, đủ loại, từ cà chua, bắp cải, su hào, bầu, bí mướp, dưa chuột, đu đủ, đậu đỗ, xà lách và nhiều rau ăn lá khác. Sản phẩm được các đại lý rau sạch ở Thủ đô Hà Nội bao tiêu toàn bộ, nhiều ít đều mua hết, sản xuất không đáp ứng đủ nhu cầu.
Khi được hỏi vì sao đang cấy lúa lại chuyển đổi sang trồng rau, chị Hà Thị Mến, thành viên Tổ trồng rau hữu cơ xóm Gừa chia sẻ, vì lúa gạo quá rẻ nên bà con ở đây chỉ gieo cấy để lấy thóc ăn, còn tiêu pha sinh hoạt hàng ngày tốn gấp rất nhiều lần, phải tìm nguồn từ gieo trồng các loại rau màu có giá trị thu nhập cao hơn. Về lý do Tổ hợp tác chỉ canh tác rau hữu cơ là bởi rau sạch đang là nhu cầu cấp thiết của xã hội, rất dễ bán, dễ ký được hợp đồng bao tiêu ổn định cho các nhà hàng, siêu thị cao cấp.
Chị Hà Thị Mến bật mí: "Để sản phẩm rau đạt chuẩn hữu cơ, các thành viên trong Tổ phải luôn tuân thủ nguyên tắc “3K, 4B”, bao gồm: 3K - Không sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật; Không bón rau bằng phân hóa học các loại; Không phun kích thích sinh trưởng cho cây trồng. 4B - Bảo vệ thiên địch; Bảo vệ môi trường sinh thái; Bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng; Bảo vệ sức khỏe người lao động."
Trong đó, theo chị Mến, bảo vệ thiên địch trên cây trồng là khó nhất, yêu cầu các thành viên trong Tổ phải biết được các loài sinh vật có ích, để duy trì và nhân ra diện rộng.
Ví như trên cây rau họ thập tự (cải canh, cải ngọt, cải bắp, su hào…) có các loài bọ rùa ăn rệp, ong ký sinh trên trứng, sâu non và nhộng của sâu tơ, và có bọ xít mù thuốc lá chuyên bắt bọ phấn; trên cây cà chua có ong bắp cày ăn sâu gây hại, trên rau các loại và đậu đỗ nói chung có nhện, bọ cánh cứng ăn sâu …
Bà Hoàng Thị Thanh, cùng Tổ hợp tác trồng rau hữu cơ bổ sung thêm: Để khống chế các loại sâu bệnh hại rau, bà con còn tiến hành cày phơi cho đất khô ải, chọn trồng cây con khỏe, sử dụng giống có khả năng kháng bệnh cao, vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ, không trồng rau trái vụ, xen canh rau cải với cà chua giúp giảm mật độ sâu tơ gây hại.
Bên cạnh đó, kết hợp trồng thêm một số cây dẫn dụ hoặc xua đuổi sâu bệnh như hoa cúc chi, húng láng, bạc hà, sả, chờ khi mật độ sâu tập trung cao vào ký chủ sẽ bắt giết bằng tay.
Chỉ phun trừ khi mật độ, tỷ lệ sâu bệnh gây hại vượt quá ngưỡng kinh tế và cũng chỉ dùng nước chiết xuất từ cây lá Nem, với thuốc trừ sâu sinh học Bt hoặc thuốc trừ sâu sinh học tự chế.
“Bằng những biện pháp kỹ thuật nói trên, quân bình mỗi tháng, Tổ hợp tác rau hữu cơ xóm Gừa xuất bán ra thị trường được 4-5 tấn rau quả các loại, doanh thu 60-75 triệu đồng, lợi nhuận 45-55 triệu đồng, tương đương thu nhập đạt 220-300 triệu đồng/1ha canh tác, tùy năm”, chị Hoàng Thị Thanh tiết lộ.
Chị Hoàng Thị Tính, một thành viên khác của Tổ cũng phấn chấn cho hay: Từ khi chuyển sang trồng rau hữu cơ, nhà chị luôn đủ tiền chi tiêu sinh hoạt hàng ngày, không phải “giật gấu vá vai” như trước.
Đi thăm khắp mô hình sản xuất rau hữu cơ ở xóm Gừa, chúng tôi thấy Tổ hợp tác có nhà ủ phân hữu cơ dùng cho chăm bón rau, có chum ngâm ớt, tỏi, đường và rượu để chế thuốc trừ sâu sinh học, có bể lọc nước giếng khoan tưới rau tại chỗ, đồng thời còn có gần 2.000m2 nhà màng, nhà lưới gieo trồng các loại rau mẫm cảm cao với sâu bệnh hại như, cải canh, cải ngọt, rau ngót…
Theo Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Lương Sơn, hiện trên địa bàn huyện đang có 10 Tổ hợp tác trồng nhau hữu cơ đạt hiệu quả cao như xóm Gừa. Trong thời gian tới, Lương Sơn tiếp tục phối hợp với các địa phương và ngành chức năng mở rộng mô hình Tổ hợp tác trồng rau hữu cơ ra nhiều địa bàn khác của huyện.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ