Tin nông nghiệp Chuyện nữ nông dân Việt ghi dấu ấn quốc tế

Chuyện nữ nông dân Việt ghi dấu ấn quốc tế

Tác giả Trần Ngọc Thọ, ngày đăng 21/10/2016

Chuyện nữ nông dân Việt ghi dấu ấn quốc tế

Ngày 17.10, tại Bangkok (Thái Lan), Cơ quan Đại diện của FAO khu vực châu Á – Thái Bình Dương (FAO/RAP) đã trao tặng giải thưởng “Nông dân điển hình” quốc tế cho 5 nông dân được lựa chọn từ 45 quốc gia. Việt Nam có bà Phạm Thị Huân (tức bà Ba Huân) - Tổng Giám đốc Công ty Ba Huân. Bà Huân là nữ nông dân Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng này.

Giải thưởng danh giá

Lễ trao tặng giải thưởng “Nông dân điển hình” thế giới diễn ra nhân Ngày Lương thực thế giới (WFD  - World Food Day 16.10). Đích thân công chúa Thái Lan Maha Chkri Sirindhorn - người được người dân, nông dân Thái hết mực biết ơn và tôn kính chỉ sau vua cha mới băng hà Bhumibol Adulyade vì đã dành trọn đời mình cho nông dân, nông nghiệp, nông thôn Thái Lan - trao giải.

Trong ảnh: Nông dân Phạm Thị Huân (thứ 3 từ phải sang, đứng cạnh Công chúa Thái Lan) sau khi nhận danh hiệu cao quý này. FAO

Tại buổi lễ mà phóng viên NTNN  chứng kiến, tên của 5 nông dân điển hình quốc tế đến từ các quốc gia là Fiji, Mông Cổ, Pakistan, Thailand và Việt Nam được xướng lên một cách trang trọng. Tiếp đó, những thước phim về đóng góp cho cộng đồng của từng nông dân được trình chiếu. Sau đó, từng nông dân được mời lên để nhận danh hiệu “Nông dân điển hình” quốc tế từ FAO.

Một thành viên trong đoàn công tác sang dự lễ trao giải lần này là TS Hạ Thúy Hạnh – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia. TS Hạnh rất giỏi tiếng Anh và hỗ trợ cho bà Ba Huân, đoàn công tác rất nhiều trong thời gian lưu lại và làm việc tại Bangkok. 

TS Hạnh cũng là cán bộ chuyên trách về bình đẳng giới theo cơ chế phối hợp giữa FAO và Bộ NNPTNT Việt Nam. Đánh giá về giải thưởng này của FAO, TS Hạnh chia sẻ với NTNN: “Trong danh sách ban đầu của chúng tôi có tên nhiều nông dân theo tiêu chí phục vụ sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Từ danh sách ban đầu này, qua nhiều thảo luận, chúng tôi chính thức đề cử trường hợp của bà Phạm Thị Huân. Vì sao như vậy? Bà Phạm Thị Huân trong suốt nhiều năm liền đã nỗ lực phát triển chăn nuôi vịt chạy đồng, đưa giống vịt mới có chất lượng cao hơn vào cho người nông dân vùng ĐBSCL chăn nuôi để cho năng suất cao hơn. Điều đặc biệt, những năm lại đây, bà Huân đã đưa giống vịt biển với sức đề kháng cao và chịu được mặn vào trong sản xuất nông nghiệp. Nhờ vậy, từ vùng chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu như xâm nhập mặn, gây thất thu với nông dân trồng lúa thì giờ đây người nông dân có thể dựa vào con vịt chạy đồng để bù đắp những thiệt hại do năng suất lúa giảm hoặc không thể trồng lúa vì độ mặn cao”.

"Theo tôi, sau khi về nước, cơ quan, ban ngành chức năng nếu có thể hãy vinh danh bà Phạm Thị Huân để mai đây chúng ta có thêm nhiều những nông dân toàn cầu như bà Ba Huân trong cộng đồng nông dân Việt Nam” – TS Hạnh nói.

Chia sẻ niềm tin cộng đồng

Cũng theo TS Hạnh, bà Phạm Thị Huân cùng Công ty Ba Huân cũng có nhiều hoạt động xã hội: Nhiều năm liền âm thầm tham gia chương trình bình ổn giá của TP.HCM, xây nhà cho người nghèo, hỗ trợ, giúp đỡ những người khó khăn, yếu thế, trẻ em lang thang cơ nhỡ… Hoạt động của bà Phạm Thị Huân có sức lan tỏa cộng đồng, giúp nhiều nữ nông dân được thụ hưởng từ mô hình sản xuất kinh doanh của mình để có tiếng nói hơn trong gia đình, cộng đồng và xã hội. Theo bà Hạnh, nhờ những người như bà Ba Huân mà nỗ lực bình đẳng giới của Việt Nam có thêm bước tiến dài và được quốc tế ghi nhận.

TS Phạm Văn Dư - chuyên gia biệt phái của Việt Nam tại FAO/RAP và cũng là người chịu trách nhiệm đón đưa, chăm lo cho đoàn Việt Nam tại Bangkok (Thái Lan) khẳng định: Giải thưởng này một năm được trao một lần, năm nay FAO/RAP tuyển lựa kỹ và xét duyệt nhiều vòng từ rất nhiều nông dân của 45 quốc gia. Trong bối cảnh Việt Nam là một trong số những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu thì phương thức sản xuất và kinh doanh của bà Phạm Thị Huân đã có tác dụng chống chọi, thích ứng rất tốt với biến đổi khí hậu, biến “nguy thành cơ hội”. Bà Phạm Thị Huân với những nỗ lực của mình đã giúp cho rất nhiều người dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long nâng cao được nội lực ứng phó, giảm thiểu được những tác hại do biến đổi khí hậu.


Bà Ba Huân đại diện cho đoàn Việt Nam trao bức tranh Đông Hồ truyền thống tới Công chúa Thái Lan. FAO

TS Dư nói: Việt Nam là một trong số 45 quốc gia được lựa chọn cũng là rất vinh dự bởi cơ chế xét duyệt của họ (FAO/RAP – PV) rất chặt chẽ, nghiêm túc, họ có cơ chế hồi kiểm để xác định những nông dân mà họ trao giải là hoàn toàn xứng đáng, tránh những phát sinh đáng tiếc nếu có về sau.

“Dù rất nhiều nỗ lực trong công tác bình đẳng giới nhưng ở khu vực nông thôn, nhiều nữ nông dân vẫn rất thiệt thòi. Cụ thể, ngoài là nhân lực chính trong sản xuất, về nhà, nữ nông dân còn phải lo toan việc gia đình, con cái, họ hàng… Thế nhưng, vai trò của nữ nông dân vẫn chưa thực sự được coi trọng. Những điển hình như bà Huân cùng với những việc làm âm thầm của bà trong suốt quãng thời gian dài vừa qua cũng đã giúp nâng cao thu nhập, tiếng nói của nữ nông dân trong cộng đồng” - TS Hạnh đánh giá.

Trao đổi với NTNN sau khi nhận giải thưởng này, bà Ba Huân chia sẻ: “Quê tôi ở xã Thanh Vĩnh Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Gia đình tôi có đông anh em. Tôi là con thứ trong gia đình nên gọi là Ba Huân. Từ bé tôi đã phụ mẹ chạy chợ, thu gom trứng của những hộ nông dân nuôi vịt quanh gia đình mình rồi đi bộ gánh lên thành phố tiêu thụ. Sau này, Nhà nước tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển. Cơ quan quản lý không còn nắm giữ ngành trứng nữa, tôi thành lập doanh nghiệp rồi công ty và phát triển dần tới như ngày hôm nay. Trong chuỗi liên kết 4 nhà chăn nuôi an toàn sinh học của chúng tôi, người nông dân được hỗ trợ về vốn, con giống, kỹ thuật phòng chống dịch bệnh, được bao tiêu đầu ra toàn bộ sản phẩm với giá cả ổn định. Chúng tôi mong muốn đời sống của bà con nông dân ngày càng khấm khá, ổn định”.

Nói về kế hoạch trong thời gian tới, bà Phạm Thị Huân cho hay: “Công ty Ba Huân đã khởi công nhà máy xử lý trứng gia cầm và thực phẩm sạch tại huyện Phúc Thọ (Hà Nội). Dự kiến, cuối năm nay, nhà máy sẽ đi vào hoạt động. Nông dân tại Hà Nội và khu vực lân cận tham gia chuỗi chăn nuôi sạch từ trang trại cho tới bàn ăn của chúng tôi. Nhiều nông dân sẽ không phải lo lắng về đầu ra cho sản phẩm nữa và người tiêu dùng cũng sẽ được sử dụng trứng, thực phẩm sạch. Đó  là mong muốn lớn nhất của tôi”.

Ngay sau khi nhận giải thưởng “Nông dân điển hình” quốc tế của FAO, nữ nông dân Phạm Thị Huân đã qua Báo Nông Thôn Ngày Nay chuyển toàn bộ số tiền thưởng (900USD) ủng hộ cứu trợ đồng bào miền Trung bị thiệt hại do mưa lũ. Bà cũng cho biết sẽ phát động 700 cán bộ, công nhân của Ba Huân quyên góp hỗ trợ đồng bào...


Không tên tuổi, gạo Việt thua đau Không tên tuổi, gạo Việt thua đau Chọn giống lúa đài thơm 8 - không lo hạn, mặn Chọn giống lúa đài thơm 8 - không…