Mô hình kinh tế Chuyện Nuôi Thủy Sản Ở Bản Ven Biên

Chuyện Nuôi Thủy Sản Ở Bản Ven Biên

Ngày đăng 14/01/2014

Chuyện Nuôi Thủy Sản Ở Bản Ven Biên

Câu chuyện về những con cá ở hồ Tân Quang nặng tới 30 kg mà người dân ở vùng biên giới xã Trịnh Tường (Bát Xát - Lào Cai) bắt được vẫn còn được người già trong bản truyền tai nhau. Ông Lạng, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Trịnh Tường kể lại: Giờ ở hồ vẫn còn nhiều cá to lắm, nhưng không kéo lưới được, bởi lòng hồ sâu và cá trú ẩn ở hang nên rất khó bắt. Dạo trước bắt được cá to ở hồ này là chuyện thường, nhưng giờ thì chỉ có “bắt” cá to do người dân nuôi thôi…

Cách đây đúng nửa thế kỷ, người dân vùng Nam Định, Hà Nam… lên xây dựng vùng kinh tế, định cư ở mảnh đất này, cùng chung sống với đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Hà Nhì. Giờ đây bản Tân Quang trước kia phát triển, mở rộng dọc theo dải đất ven sông Hồng, đã thành 3 bản Tân Thành, Tân Quang và Tân Tiến. Những ngày đầu, đến được từng hộ dân trong bản, cán bộ xã cùng với chiến sỹ biên phòng phải vạch cỏ tranh cao lút đầu người mà đi.

Giờ thì đường bê tông “nông thôn mới” đã đến từng ngõ. Bí thư Đảng ủy xã Trịnh Tường, Vừ A Dùa thông báo: Cả xã có gần 30 ha mặt nước nuôi thủy sản thì chủ yếu tập trung ở 3 bản ven biên này và 2 bản Phìn Ngan, Bản Mạc. Mấy năm gần đây, phong trào nuôi thủy sản phát triển đã và đang mang lại nguồn thu nhập khá cho đồng bào nơi đây.

Đến thăm mô hình nuôi thủy sản nhà ông Bùi Hải Âu ở thôn Tân Thành, năm nay 65 tuổi, người có mặt tại bản vùng cao này từ những năm 1964, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước cơ ngơi “đồ sộ” của nhà nông. Hai ao cá đã cho gia đình ông một nguồn thu không nhỏ… Ông Bùi Hải Âu phấn khởi khoe: Năm nay, đến thời điểm này tôi đã bán được hơn 7 tạ cá thương phẩm các loại (trắm, chép, mè, nheo…).

Hiện, trong ao vẫn còn nhiều cá chưa xuất bán, ông và gia đình đang chăm sóc và nuôi qua đông, cho cá đạt cỡ lớn để xuất bán với giá cao hơn… Ngoài các giống cá trắm, chép, mè mua ở Trại giống thủy sản của tỉnh cung ứng, ông Âu còn nuôi thêm các giống cá đặc sản như trắm đen, cá nheo sông Hồng. Ông bảo: Năm nay, thả 150 con nheo giống, lúc thu hoạch, con bé đạt cỡ 2 kg, con to đạt 4 kg, với giá bán 120.000 đồng/kg cũng mang lại một nguồn thu đáng kể. Đợt vừa rồi, gia đình thuê xe chở cá ra tận thành phố Lào Cai để bán cho được giá...

Để phục vụ nuôi thủy sản, ông Âu thực hiện chu trình khép kín theo mô hình “vườn, ao, chuồng, rừng”. Ngoài 14 ha rừng trồng cao su, ông dành 10 ha để trồng ngô, sắn và cấy lúa… mỗi năm thu 150 tấn sắn củ tươi, 10 tấn ngô hạt, 10 tấn thóc. Bên cạnh xuất bán sản phẩm nông sản ra thị trường, sản lượng sắn, ngô, lúa cũng giúp gia đình ông trong việc bổ sung đủ thức ăn tại chỗ cho chăn nuôi thủy sản. Ông còn nuôi 50 con lợn thịt vừa có thức ăn cho cá, lại không phải lo khâu xử lý môi trường.

Cũng thực hiện mô hình nuôi ghép cá và kết hợp nuôi bằng thức ăn chế biến sẵn với thức ăn từ sản phẩm nông nghiệp, ông Vũ Văn Dưỡng (bản Tân Quang) trở thành người nuôi nhiều cá ở vùng này. Với 4 ao cá, cho đến thời điểm này, ông Dưỡng đã xuất bán được trên 2,5 tấn cá các loại. Theo ông Dưỡng, mô hình nuôi cá ghép trong ao do Trung tâm Thủy sản tỉnh triển khai phù hợp với phương thức chăn nuôi của bà con. Cái lợi thứ nhất là tận dụng được hết thức ăn trong ao ở nhiều tầng nước khác nhau. Thêm nữa là khi thu hoạch để bán, đa dạng sản phẩm cũng rất dễ tiêu thụ… bởi người tiêu dùng sẽ có nhiều sự lựa chọn.

Không chỉ mang lại nguồn thu nhập khá, chuyện nuôi cá ở vùng biên này còn đơn giản chỉ là cải thiện bữa ăn trong gia đình. Gia đình anh Lý Láo Lở, người Dao đỏ, bản Tân Tiến có 2 cái ao, năm nay cũng nuôi được trên 2 tạ cá trắm, chép, rô. Mấy năm trước, do lũ nên mất sạch.

Năm nay, không chỉ nuôi cá theo cách truyền thống nữa, anh Lở được kỹ sư thủy sản tỉnh hướng dẫn cách xử lý ao nuôi, thả cá đúng thời vụ, chăm sóc cá lớn nhanh, không để dịch bệnh. Ngoài phục vụ nhu cầu cải thiện trong gia đình, anh Lở còn xuất bán được trên 2 tạ cá ra thị trường.

Cùng bản với anh Lở, chị Phàn Lở Mẩy cũng có 2 ao cá. Trên diện tích chuyển đổi ruộng canh tác kém hiệu quả, chị thấy việc nuôi cá hiệu quả hơn nhiều. Tuy nhiên, những nông dân vùng cao như chị Mẩy còn thiếu kiến thức về khoa học, kỹ thuật nên việc nuôi cá vẫn còn mang tính quảng canh.

Chỉ cho ăn cỏ, lá chuối và sắn tươi… đợt kéo lưới xuất bán vừa rồi, gia đình chị cũng thu được trên 3 tạ cá thịt. Nếu có biện pháp thâm canh, tin rằng, sản lượng cá nhà chị không chỉ dừng lại ở đó, mà còn là nghề làm giàu chính đáng cho gia đình chị Mẩy.

Dừng lại trước ao cá nhà chị Phàn Lở Mẩy khi gia đình đang kéo mẻ lưới đầu tiên, những “chú” cá chép, rô phi mắc lưới giãy tung tóe… Cầm trên tay một con chép, chị Mẩy bảo, con này phải được 1 cân đấy, mới thả từ hồi tháng 5. Những con to bán trước, còn những con nhỏ hơn, khoảng chừng 5 - 6 lạng thì lại chăm sóc tiếp, thả thêm nước vào ao để giữ ấm cho cá, nuôi giữ cá qua mùa rét, sau tết mới bán.

Câu chuyện về những người nuôi cá ở bản ven biên xã Trịnh Tường cứ cuốn hút chúng tôi bởi nếp nghĩ, cách làm của người vùng cao giờ đã thay đổi, không chỉ dừng lại ở việc “thả” cá mà đã biết thâm canh, nuôi cá để làm giàu. Ngẫm lại lời ông Lạng mới thấy, chuyện cá to ở hồ Tân Quang chỉ còn trong ký ức, mà chuyện những con cá to trong ao của người dân ở Trịnh Tường mới đáng để “khoe”...


Ngư Dân Không Mặn Mà Với Bảo Hiểm Nghề Cá Ngư Dân Không Mặn Mà Với Bảo Hiểm… Thấp Thỏm Lo Gà Nhập Lậu Lấn Át Gà Nội Thấp Thỏm Lo Gà Nhập Lậu Lấn Át…