Chuyện Về Đàn Ngựa An Xuân
Những ngày này, về xã An Xuân (Tuy An, Phú Yên), mọi người có thể bắt gặp những “nàng” ngựa thong dong thồ nông sản từ các khu sản xuất về nhà dân. Theo các cụ cao niên, do địa hình hiểm trở, đa phần rộng, rẫy ở vùng núi, dốc đứng nên từ bao đời nay, những con ngựa thồ đã gắn bó mật thiết với cuộc sống của người dân nơi đây.
Theo ông Lê Hết (80 tuổi) ở thôn Xuân Thành, trong chín năm kháng chiến chống Pháp, nhà nào ở An Xuân cũng có nuôi ngựa. Ngựa được dùng để vận chuyển nông sản vì chỉ có loài vật này mới đủ sức thồ hai giỏ hàng nặng hơn trăm ký từ chân ruộng lên đỉnh dốc cao hơn chục mét.
Thế nhưng, theo thời gian, vì nhiều lý do khác nhau, đàn ngựa An Xuân bị mai một dần. Những năm sau ngày giải phóng, người dân mới bắt đầu gầy lại đàn ngựa. Lúc bấy giờ, mặc dù dân cư thưa thớt, kinh tế còn khó khăn nhưng nhà nào cũng nuôi ngựa. Giống ngựa được bà con ưa chuộng là ngựa sẻ, mua từ các xã An Hiệp, An Mỹ (Tuy An), hoặc thị trấn Phú Lâm (nay là phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa). Đáng chú ý, đàn ngựa 50 con ở An Xuân đều là ngựa cái. Lý giải về điều này, ông Võ Văn Chín, Trưởng thôn Xuân Thành, cũng là người có nhiều kinh nghiệm nuôi ngựa, cho biết: Ngựa đực tuy sức dẻo dai, có thể thồ nhiều hàng nặng nhưng rất khó thuần.
Ngựa cái dù có kém một chút về mặt hình thể nhưng lại hiền, dễ bảo hơn. Tuy nhiên, sau hàng chục năm, những “nàng” ngựa tơ cũng già yếu, xuống sức. Dù người dân đã dần thay thế bằng những lứa ngựa mới nhưng do giống không đổi nên chất lượng đàn ngựa An Xuân trong một thời gian dài không được cải thiện.
Nhằm cải tạo đàn ngựa An Xuân theo hướng tăng dần số ngựa đực trong tổng đàn, năm 2008, tỉnh đã hỗ trợ kinh phí mua 2 ngựa đực giống từ huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) về để lai với giống ngựa sẻ.
Thế hệ ngựa lai đầu tiên ra đời, có thân hình cao lớn, khỏe mạnh, thồ được nhiều hàng nặng, và thích ứng được với thời tiết, khí hậu địa phương. Tuy vậy, việc tập cho những chú ngựa đực, ngựa lai để chúng có thể thồ hàng cũng không đơn giản. Hiện xã An Xuân chỉ có 2 người làm được việc này là ông Võ Văn Chín và ông Võ Ngọc (cùng ở thôn Xuân Thành).
Ông Ngọc cho hay: Để tập cho ngựa biết cách thồ hàng, đầu tiên phải cột nó một chỗ, ngày qua ngày luyện cho ngựa quen với từng động tác dắt manh, bỏ kiều, gác giỏ lên lưng ngựa. Sau đó, trong mỗi giỏ, người nuôi chất một ít đá lên cho ngựa quen dần với sức nặng. Tiếp theo, người chủ dắt ngựa đi cho biết đường, khi ngựa đã quen thì có thể đi một mình.
Nói thì đơn giản vậy, nhưng theo ông Ngọc, việc này gặp nhiều khó khăn vì thỉnh thoảng ngựa đực hay lồng lên, đá hậu, nếu người thuần dưỡng ngựa không khéo sẽ bị thương. Đó cũng là lý do khiến đa phần người dân ở đây vẫn thích dùng ngựa cái để chuyên chở hàng hóa.
KHI “NGỰA QUEN ĐƯỜNG CŨ”
Nói về đàn ngựa An Xuân, không ai hiểu rõ bằng ông Võ Văn Chín. Năm 22 tuổi, chàng thanh niên Võ Văn Chín mới bắt đầu sở hữu con ngựa đầu tiên, nhưng trước đó, vào tuổi thiếu niên, Chín đã làm quen với đàn ngựa nhà và chăn thuê cho hàng xóm nên ông hiểu ngựa đến từng chân tơ kẽ tóc. Theo ông Chín, ngựa là con vật rất dễ nuôi, hầu như không bị bệnh lại có sức khỏe dẻo dai.
Ở xã An Xuân, một “nàng” ngựa có thể thồ từ 1,2 đến 1,3 tạ nông sản là chuyện bình thường. Mùa nắng, người dân địa phương dắt ngựa lên gò Thì Thùng, để ngựa thoải mái gặm cỏ rồi tự tìm chỗ nghỉ; khi cần thồ hàng thì chủ mới dắt ngựa về. “Ngựa quen đường cũ” nên có đi đâu cũng sẽ tìm được lối về.
Nhắc đến chuyện này, ông Chín kể, cách đây gần 10 năm, ngựa của nhà ông đi chở lúa tại thôn Xuân Hòa cách nhà hơn 10km, cũng thuộc xã An Xuân. Vậy mà mới đây, khi ông cưỡi ngựa chở chuối xuống thị trấn Chí Thạnh bán, lúc qua đoạn đường cũ, ngựa tự động rẽ vô, ông phải kéo lại để ngựa đi cho đúng đường.
Hay như những năm trước đây, khi hội đua ngựa ở An Xuân mới được phục hồi, người dân không tổ chức tại gò Thì Thùng mà đua dọc đường thôn; một vài “nàng” ngựa đang tung vó trên đường đua bỗng quen thói, phi thẳng về nhà, bứt luôn dây giăng hai bên đường làm các nài không kịp trở tay, rớt ngay tại chỗ, khán giả ôm bụng cười nắc nẻ. Có ngựa đang phi về đích thì hí vang rồi mang luôn cả kỵ sĩ bất đắc dĩ chạy luôn vô rừng cây gần đó.
Còn theo ông Võ Ngọc, cứ mỗi độ tết đến xuân về, những “nàng” và “chàng” ngựa ở xã An Xuân, sau khi được chọn tham gia hội đua ngựa sẽ được chăm sóc với chế độ dinh dưỡng đặc biệt. Khoảng 20 ngày trước khi “xung trận”, những con ngựa này được cho nghỉ ngơi hoàn toàn, không phải thồ hàng hay làm bất cứ việc gì khác.
Trong thời gian này, người nuôi sẽ ngâm mềm lúa để cho ngựa ăn lấy sức; đến ngày đua thì cho “chiến mã” ăn cỏ sơ sơ, tránh nặng bụng. Hiện những ngựa tham gia đua trên gò Thì Thùng hầu hết là ngựa cái, ngựa đực khi đua có thể “đánh nhau” để giành cái, gây cảnh hỗn loạn.
Ông Ngọc cho biết thêm: Một số ngựa đực nếu thấy ngựa cái đi ngang qua, có thể mải mê “theo nàng về dinh” mà quên mất lối về nhà mình. Có năm, mặc dù đã vào chung kết, nhưng hai “chàng” ngựa của xã An Xuân tranh cái, cắn nhau, nên “nàng” ngựa của xã An Hiệp thừa cơ phi thẳng về đích, giành giải.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ