Mô hình kinh tế Chuyện Về Những Chủ Ong Trẻ

Chuyện Về Những Chủ Ong Trẻ

Ngày đăng 02/03/2015

Chuyện Về Những Chủ Ong Trẻ

Dak Lak là một trong những địa phương có ngành ong mật phát triển hàng đầu cả nước với khoảng 1.500 hộ nuôi ong, sản lượng xuất khẩu các sản phẩm ong năm 2014 đạt 7.000 tấn. Nghề nuôi ong lấy mật đòi hỏi sự chịu khó, chăm chỉ và cẩn thận, nên phù hợp với người lớn tuổi; tuy nhiên những năm gần đây, có nhiều chủ ong trẻ là những thanh niên đã biết vươn lên làm giàu từ nghề này.

Mải miết “bay” theo ong

Sinh năm 1983 ở huyện Nam Đàn - Nghệ An và lớn lên bên những rẫy cà phê, tiêu của gia đình trên vùng đất đỏ Tây Nguyên, nhưng cơ duyên lại đưa anh Nguyễn Hữu Đông (xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn) gắn bó với nghề “mượn hoa hút mật” từ hơn 10 năm nay.

Đam mê với những chú ong mật chăm chỉ, năm 2000, anh Đông đã theo chân một người nuôi ong giàu kinh nghiệm tại Đồng Tháp đi “đánh mật” khắp các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên để kiếm tiền và học nghề. Một năm sau, bằng chút kinh nghiệm từ thực tế và ý thức tự lập, anh về nhà bố mẹ tại thôn 6, xã Ea Tiêu, Cư Kuin gây dựng đàn ong của riêng mình. Ban đầu, anh chỉ nuôi vài chục thùng đặt xung quanh rẫy của gia đình.

Dần dần đàn ong phát triển mạnh, nhân đàn lên nhiều, anh không thể cho ong lấy mật ở địa phương mà phải chuyển ong vào Buôn Đôn đặt và mang ong đến những nơi khác để tìm mật. Thế là, từ đó anh cứ mải miết “bay” theo ong đi khắp nơi, quanh năm suốt tháng ở giữa núi rừng với điều kiện sinh hoạt thiếu thốn.

Anh Đông chia sẻ: “Cái nghề này chẳng mấy khi ở yên một chỗ, đầu năm thì lấy mật hoa cà phê, tháng 2, 3 đi Bình Phước lấy mật cao su lá non, từ tháng 3 - 8 ra miền Trung đánh mật tràm, sau đó đưa ong về để dưỡng và nhân đàn, cho đến tháng 11 lại xuống Đông Nam Bộ đánh mật hoa điều hoặc cao su lá rụng”.

Theo anh Đông, về kỹ thuật, nghề nuôi ong khá đơn giản, nhưng để có được những giọt mật thơm vàng óng là công việc hết sức công phu. Trước tiên, khi xác định được vùng hoa tốt, phải di chuyển toàn bộ thùng ong đi. Quá trình đi phải cung cấp đủ thức ăn sẵn cho ong trong thùng và không được gây ra chấn động lớn, nếu để thùng ong vỡ coi như hỏng cả đàn.

Khi gặp được vùng hoa đẹp, chỉ cần khoảng nửa tháng, tổ ong sẽ đầy mật và người nuôi có thể quay mật. Cái nghề này cũng rất hên xui, phụ thuộc vào thiên nhiên, nếu thời tiết thuận lợi, có vùng hoa tốt thì rất dễ làm giàu, không may trời lạnh, nóng quá hay nguồn hoa không tốt thì không thể đánh mật được.

Bên cạnh đó, con ong cũng rất dễ mắc bệnh như thối ấu trùng, chấy ong… nên để ong phát triển tốt, phải chăm sóc cẩn thận và thường xuyên theo dõi tình hình sức khỏe đàn ong. Nhờ cần mẫn như những con ong hơn 10 năm qua, anh Đông thu được thành quả từ 20 - 30 tấn mật ong/năm, với giá bán 40.000 đồng/kg, anh đã có kinh tế ổn định.

“Mật ong nuôi cuộc đời”

Đó là lời tâm sự và sự thể hiện bằng những nỗ lực và thành quả đạt được trong nghề nuôi ong của chàng trai trẻ Trần Văn Sỹ (phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột).

Mới ngoài 20 tuổi, nhưng khi gặp Sỹ, ai cũng bất ngờ bởi phong thái điềm đạm, chững chạc trước tuổi. “Tiếp xúc với con ong nhiều nên “lây” cái tính cần cù, nhẹ nhàng của nó, bởi nuôi ong giống như chăm em bé, hằng ngày phải kiểm tra thùng ong để biết tình hình sức khỏe và xem chúng có lấy đủ phấn hay không”, Sỹ giãi bày về tính cách của mình.

Sỹ quê ở huyện Quảng Trạch, Quảng Bình, năm 2008 vào Dak Lak phụ nuôi ong cho một người bà con, khi nắm được một số ngón nghề, cậu quyết định ra riêng bằng vài chục thùng ong được… trả công. Cậu chọn khu đất hoang phía sau Cụm công nghiệp Tân An 1 để đặt thùng ong rồi chạy vạy để có vốn mở rộng quy mô đàn ong.

Không có tài sản thế chấp để vay ngân hàng, Sỹ phải nhờ người thân giúp đỡ, nhưng nhiều người ái ngại cho chàng trai trẻ chưa đủ sự chín chắn, cẩn thận để làm nghề này nên từ chối. Với niềm đam mê cùng ý chí và quyết tâm làm giàu, Sỹ đã thuyết phục được gia đình hỗ trợ 50 triệu đồng làm vốn. Từ đó, chàng trai trẻ mua thêm thùng, nhân đàn và đem ong đi đánh mật theo mỗi mùa hoa.

Với 250 thùng ong, mỗi lần đi đánh mật, cậu phải đi tiền trạm trước 2 - 3 lần để khảo sát địa bàn, chất lượng hoa và tình hình an ninh trật tự ở vùng dự kiến đặt ong rồi mới thuê xe tải chở đi. Cái nghề này nay đây mai đó, vất vả là thế, nhưng cậu phải đưa vợ mới cưới đi cùng.

Thương chồng vất vả theo đàn ong, cô vợ trẻ cũng không quản khó khăn đi theo để lo cơm nước và phụ giúp Sỹ chăm sóc đàn ong. Cậu chia sẻ thêm: “Chịu cảnh mưa lạnh, gió rét đã đành, khi đến đất lạ đánh mật còn bị kẻ xấu trộm hoặc phá hoại đàn ong, một số người phải đưa ong về ngay giữa mùa lấy mật vì ong bị đầu độc”.

Sau vài năm tự lực cánh sinh bằng nghề nuôi ong, Sỹ đã trả được nợ, có đời sống ổn định và có tiền dự trữ để thời gian tới phát triển thêm đàn ong. Với Sỹ, niềm vui lớn nhất trong nghề không chỉ là mỗi lần quay mật sau những tháng ngày vất vả, mà là sự khẳng định được bản thân bằng nghị lực và ý chí vươn lên của mình để trở thành người có ích.

Trần Văn Sỹ tâm sự: “Em đã chịu thiệt thòi so với bạn bè cùng trang lứa vì không được học hành đàng hoàng, nhưng cơ duyên đã gắn bó với nghề nuôi ong. Chính con ong và những giọt mật đã dạy em làm người và thay đổi cuộc đời em”.


Tết Đủ Đầy Nhờ Con Tôm Tết Đủ Đầy Nhờ Con Tôm "Ôm" Gốc… Cảng Cá Hòn Rớ Thành Phố Nha Trang Mỗi Ngày Có Gần 10 Tàu Đón Tết Trên Biển Trở Về Cảng Cá Hòn Rớ Thành Phố Nha Trang…