Chuyện Về Những Phiên Đấu Giá... Thịt Heo Giá Bạc Tỷ
Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn được xem là đầu mối cung cấp thịt heo chủ lực cho thị trường TP.HCM với hơn chục triệu dân với cách giao dịch khá hiện đại.
Những phiên đấu giá bạc tỷ
Chợ thịt heo được chia thành hai khu chính, heo mảnh (heo đã được xẻ làm đôi) sau khi được lựa chọn, trả giá và thanh toán ở một khu “đấu giá” bên trong sẽ được đưa ra bên ngoài và dừng chân tại các sạp pha lóc. Mỗi sạp ở đây rộng chừng 2m2 tương tự như các sạp ở chợ lẻ. Mỗi đêm chợ này tiêu thụ trên dưới 5.000 con heo dưới dạng heo mảnh.
Tại khu đấu giá bên trong, các hoạt động giao dịch không thua kém các sàn giao dịch chuyên nghiệp. Mỗi một quyết định xuống giá mua heo là trả giá cho cả chục tấn heo hơi, vì vậy giá chỉ chênh 1.000-2.000 đồng/kg cũng khiến người đặt giá thua lỗ cả chục triệu đồng. Những người mua bán ở chợ hàng đêm đều nhớ đến mỗi đợt dịch heo tai xanh hay lở mồm long móng qua đi, đàn heo bị giảm mạnh, giá thịt heo sốt xình xịch vì hàng về chợ ít trong khi nhu cầu thị trường tăng. Lúc này, ai phán đoán được tình hình sẽ thu lãi lớn từ phiên chợ. Nhưng ngược lại, có những đêm lượng thịt heo giết mổ về chợ liên tục, giá liên tục giảm, ai lỡ “ôm” hàng nhiều sẽ cầm chắc lỗ…
Anh Hoàng, một người đã có gần chục năm kinh nghiệm mua bán ở chợ thịt heo Hóc Môn, nói ví von, giá heo lên xuống không khác giá chứng khoán. Những người như anh Hoàng, là trung gian giữa các trại heo ở Đồng Nai, lò mổ và các chủ dậu- tức những người cho thuê sạp ở chợ đầu mối. Sau 10 năm hành nghề, anh Hoàng đã có thể dự báo rất sát nhu cầu của thị trường, từ đó quyết định đưa ra giá mua – bán.
“Xác suất tôi phán đoán đúng giá thịt trong các phiên mua bán ở chợ lên đến 70%”-anh nói. Nhưng để có được khả năng “hái ra tiền” này, bản thân anh cũng đã trải qua không ít kinh nghiệm đau thương, phải trả không ít “học phí” ở lớp học đặc biệt này. Anh Hoàng từng chứng kiến nhiều người phải bán cắt lỗ ngay khi phiên chợ chưa kết thúc: “Cái rủi của người này là cái may của người kia. Chợ búa là thế mà”- anh Hoàng nói.
Những người nắm “vận mệnh” chợ
Sau khi rời khỏi các sạp pha lóc ồn ã bên ngoài, khách đi chợ sẽ đến khu vực đấu giá bên trong. Những người không quen với quang cảnh có lẽ sẽ choáng ngợp với hàng ngàn con heo đã được xẻ làm đôi, treo thành hàng thành dãy thẳng tắp, còn tươi dưới ánh đèn điện sáng choang. Hệ thống điều hoà không khí hoạt động hết công suất để xua đi mùi tanh của máu. Người mua bán đi lại nườm nượp giữa những hàng heo mảnh như thế.
Mỗi dãy có nhiều sạp treo lơ lửng các miếng heo mảnh. Cùng là heo mảnh, nhưng những người quen mua bán có thể dễ dàng phân biệt đâu là thịt heo miền Tây, tức là được cung ứng từ các trại nuôi ở các tỉnh ĐBSCL, với heo miền Đông, chủ yếu ở các trại nuôi thuộc tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh. Nguồn gốc của chúng cũng tạo nên sự khác biệt về giá cả. Thịt heo miền Đông thường cao giá hơn miền Tây do chất lượng thịt ngon hơn.
Tôi ấn tượng với một người đàn bà ngồi ngay đầu dãy, người này được gọi là chủ dậu, là người thu chi của khách hàng, thương lái. Để làm được chủ dậu, ngoài chuyện có trong tay vài chục tỷ đồng làm vốn, chủ dậu thường là người có uy tín, khiến các thương lái phải nể mặt. Các thương lái thuê sạp ở đây hàng ngày đều phải trả tiền thuê cho các chủ dậu. Mới đây, chuyện chủ dậu tăng giá cho thuê sạp từ 70.000 đồng/đêm lên 100.000 đồng/đêm cũng làm cánh thương lái bất bình, phản ứng.
Chất lượng thịt heo hàng đêm cùng với khả năng quan sát thị trường sẽ quyết định các thương lái thuê sạp có lời hay thua lỗ đêm đó. “Sạp nào có tỷ lệ thịt tốt nhiều thì dù chợ đêm đó có “lên” hay “xuống” thì người bán vẫn có lời”- anh Hoàng giải thích.
Khoảng 5 giờ 30 sáng, chúng tôi rời khu đấu giá ra bên ngoài thấy một hàng người xếp dài với dáng vẻ đủng đỉnh, anh Hoàng chỉ tay, nói đó là những người bán lẻ chờ mua heo vì họ biết hôm nay chợ “ế”, càng về sau giá sẽ càng rẻ. Ngược lại, khung cảnh mua bán sẽ trở nên chộn rộn, hối hả trong ngày chợ “sốt”, giá tăng dồn dập.
Từ chợ đầu mối, hàng đêm có hàng trăm chiếc xe gắn máy chở những tảng thịt heo đến các chợ lẻ, các bếp ăn tập thể, nhà hàng, quán ăn, căn bếp của hàng triệu gia đình trên khắp thành phố, kết thúc một chu trình sản phẩm với bao buồn vui, thành bại của con người.
Những ngôi chợ chuyên bán một mặt hàng
Chợ cá Yên Sở
Chợ cá Yên Sở (Hoàng Mai, Hà Nội) có diện tích xấp xỉ 10.000m2, nằm sát đường vành đai 3 hướng Pháp Vân- Cầu Giẽ, là đầu mối trung chuyển cá của nhiều tỉnh phía Bắc và miền Trung. Theo thống kê, cả phường Yên Sở có trên 300 hộ dân làm kinh doanh, dịch vụ tại chợ cá. Ngoài ra, các “lái cá” hàng ngày từ nơi khác về đổ hàng, lấy hàng. Cá ở đây phần lớn có từ các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định... sau đó được đưa vào các chợ trong nội thành hoặc xuất đi các tỉnh khác.
Chợ trâu bò Đại Sơn
“Soán ngôi” chợ trâu bò lớn nhất miền Bắc của chợ Cán Cấu (Lào Cai) là chợ Ú, thuộc xã Đại Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An). Chợ được thành lập từ năm 1967, họp mỗi tháng 6 phiên, vào các ngày 1, 6, 11, 16, 21 và 26 âm lịch. Ban đầu, số lượng mua bán chỉ vài chục con, nhưng vài năm gần đây, chợ phát triển nhanh chóng.
Bình quân mỗi phiên chợ tập trung từ 2.000 - 2.500 con trâu, bò các loại. Trâu bò ở đây có nguồn gốc đa dạng, từ các tỉnh, thành trong và ngoài nước như Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar... Phần lớn trong số này được đưa tới các lò mổ.
Chợ gà Hà Vĩ
Là chợ gia cầm đầu mối lớn nhất của miền Bắc với gần 160 gian hàng, mỗi ngày, chợ gia cầm Hà Vĩ (Thường Tín, Hà Nội) là nơi diễn ra các hoạt động mua bán, trung chuyển gia cầm cho khu vực Hà Nội, Hà Nam… Theo Ban quản lý chợ, mỗi ngày chợ đầu mối Hà Vĩ cung cấp gần 100 tấn gia cầm các loại cho các chợ lẻ.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ