Tin thủy sản Cơ hội mới cho ngành tôm Cà Mau

Cơ hội mới cho ngành tôm Cà Mau

Tác giả Hữu Tùng, ngày đăng 15/01/2024

Cơ hội mới cho ngành tôm Cà Mau

Việt Nam hiện nằm trong tốp ba quốc gia xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới. Tôm Việt Nam có nhiều lợi thế về sản phẩm đặc thù, giá trị gia tăng…, song lại chưa tạo được lợi thế cạnh tranh về giá so với một số nước khu vực châu Á.

Giải quyết bài toán trên, nhiều chuyên gia chú trọng giải pháp đầu tư công nghệ nhằm giảm đến mức thấp nhất chi phí sản xuất và nâng cao tỷ lệ nuôi thành công, đặc biệt với mô hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh vốn chiếm sản lượng lớn.

tu dieu khien Tima

Tima - Tủ điều khiển ứng dụng mạng không dây LoRa

Tăng giá trị, giảm chi phí sản xuất

Để hiện thực hóa giải pháp trên, giữa năm 2023 vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau phối hợp Viện Khoa học Thủy sản 2 thử nghiệm quy trình công nghệ nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh không xả thải, còn gọi là mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ba giai đoạn sử dụng công nghệ tuần hoàn, ít thay nước và an toàn sinh học.

Mô hình được triển khai đầu tiên tại farm nuôi tôm của gia đình ông Huỳnh Thái Nguyên, ngụ ấp Rau Dừa B (xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước) trên tổng diện tích khoảng 13.000m2; trong đó, có 4.800m2 mặt nước của bốn ao nuôi tôm, còn lại là diện tích các ao dùng cho hệ thống xử lý nước (hai ao giá thể, một ao nuôi cá, ba ao rong biển, một ao cấp bù nước). Sau khoảng nửa năm vận hành quy trình công nghệ sản xuất mới, ông Nguyên nuôi được vụ tôm thứ tư, trong đó có hai vụ đã thu hoạch dứt điểm và xuất bán, tổng số hơn 27 tấn tôm thẻ thương phẩm, thu về số tiền hơn 2,7 tỷ đồng.

Riêng vụ thứ ba đang giai đoạn chuẩn bị cho thu hoạch, tôm đang phát triển tốt cỡ 39 con/kg. Còn vụ thứ tư tôm đang phát triển tốt ở giai đoạn hơn 30 ngày tuổi. Theo ông Nguyên, tùy theo độ mặn từng thời điểm, mật độ thả trung bình từ 80 đến hơn 200 con/m2. Qua hai vụ nuôi đã cho thu hoạch thành công, tôm đạt cỡ từ 26-35 con/kg trong thời gian 90 ngày nuôi, năng suất trung bình từ 60-70 tấn/ha, giá thành sản xuất ra mỗi kg tôm khoảng 65-70 nghìn đồng, điểm hòa vốn trong thời gian nuôi khoảng 40 ngày.

Là nông hộ có gần 20 năm nuôi tôm và phụ trách hỗ trợ kỹ thuật cho hơn 30 hộ nuôi tôm siêu thâm canh tại địa phương nhưng lần đầu tiên, ông Nguyên được tiếp cận công nghệ nuôi tôm không xả thải.

Với công nghệ mới này, ông đúc kết: Nước được tuần hoàn khép kín 100% và được tái sử dụng lại đến 90%; chất thải từ ao nuôi tái sử dụng thành chất dinh dưỡng cho các đối tượng nuôi khác (cá, rong, tảo…) và không thải ra môi trường bên ngoài; giá thành sản xuất tôm giảm khoảng 30% so với áp dụng quy trình nuôi hở, phải thay nước liên tục. Trong đó, chi phí xử lý nước bằng clorin, thuốc tím giảm 90%; nhân công lao động giảm 50%; điện năng sử dụng giảm 30%; quá trình nuôi chưa phát hiện tôm bị bệnh nghiêm trọng bất thường; năng suất tôm nuôi tăng khoảng 20%…

Thấy được thành công bước đầu nên gần đây, 5 hộ dân nuôi tôm siêu thâm canh cùng địa phương đến học hỏi để áp dụng quy trình sản xuất mới này vào trang trại nuôi của gia đình mình. Ông Nguyên chia sẻ và đề xuất, do quy trình nuôi mới nên để nhân rộng, ngành chức năng cần tập huấn giúp người nuôi nắm vững kỹ thuật; nông hộ cần có điều kiện kinh tế tốt vì đầu tư ban đầu cho các thiết bị công nghệ khá tốn kém (hơn 600 triệu đồng).

Theo báo cáo bước đầu từ Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau, quy trình nuôi tôm không xả thải đến nay được áp dụng tại gần 10 nông hộ trên địa bàn huyện Cái Nước và Đầm Dơi. Do không tốn thời gian ngắt vụ để xử lý ao đầm nên nông hộ có thể nuôi “nối đuôi” được từ 6-8 vụ/năm theo hình thức ba giai đoạn, thời gian quay vòng vốn nhanh, tỷ lệ thành công cao, tăng lợi nhuận.

Tiến sĩ Quách Văn Ấn, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau phân tích: Điểm nổi trội của công nghệ không xả thải là yếu tố môi trường, sản xuất theo xu hướng tuần hoàn cho ra sản phẩm sạch khi tôm đạt 22 chỉ tiêu của nhà máy chế biến tôm phục vụ xuất khẩu; giá thành sản xuất thấp, năng suất tôm tăng cao và chưa ghi nhận thất bại. Ngoài con tôm, nông hộ còn thu hoạch được sản phẩm phụ là cá rô phi và tới đây sẽ phát triển thêm các đối tượng sản phẩm phụ khác, cả rong, tảo vi sinh.

Công nghệ là chìa khóa thành công

Ngành tôm đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong suốt hai thập kỷ qua. Các sản phẩm tôm Việt Nam xuất khẩu đến khoảng 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có 5 thị trường lớn là châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Theo báo cáo hiện trạng nuôi tôm từ Cục Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong giai đoạn 2010-2022, diện tích nuôi tôm cả nước tăng từ 644.310 ha lên 737.000 ha, chủ công là tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Sản lượng theo đó cũng tăng từ 463.788 tấn lên hơn 1 triệu tấn.

Số tăng này chủ yếu với loại hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức thâm canh, siêu thâm canh (chiếm chỉ khoảng 15,6% diện tích nuôi nhưng chiếm đến hơn 73% tổng sản lượng tôm).

Nhờ tăng về sản lượng mà nhiều năm liền, ngành tôm đóng góp khoảng 40-45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, tương đương 3,5 đến hơn 4 tỷ USD, góp phần giải quyết việc làm cho hơn ba triệu lao động.

Tại Cà Mau, đến nay, diện tích nuôi tôm nước lợ phát triển lên gần 280.000 ha, chiếm khoảng 45% diện tích nuôi tôm của khu vực đồng bằng sông Cửu Long và khoảng 40% diện tích nuôi tôm nước lợ của cả nước. Con tôm giúp chuỗi doanh nghiệp xuất khẩu tôm của địa phương này thu về khoảng hơn 1 tỷ USD mỗi năm, chiếm khoảng 89% trong tổng giá trị sản xuất của ngành thủy sản, chiếm khoảng 49% tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp của tỉnh.

Ngành tôm Cà Mau chi phối đến đời sống của khoảng hơn 50% dân số của tỉnh (khoảng 600.000 người), ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm của hơn 350.000 lao động, trong đó tham gia trực tiếp hoạt động nuôi tôm khoảng 300.000 người. Những năm gần đây, để nâng cao hơn nữa sản lượng phục vụ xuất khẩu, Cà Mau phát triển mạnh hình thức nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh.

Đến nay, diện tích loại hình nuôi này đã đạt hơn 6.600 ha, phần lớn nuôi tôm thẻ chân trắng với nhiều công nghệ khác nhau, chủ yếu là thay nhiều nước, phải xả thải ra môi trường. Theo ngành nông nghiệp tỉnh, với công nghệ nuôi hở phải thay và cấp bù nước liên tục, chất thải trong nuôi tôm phải đưa ra bên ngoài, ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường nuôi của những nông hộ chung quanh. Chưa nói, bùn thải, lượng thức ăn dư thừa, lượng phân do tôm thải ra khi chưa được xử lý đúng cách sau một thời gian dài tích tụ còn sản sinh ra nhiều chất độc hại.

Đó cũng là những nguyên nhân khiến nhà nông tốn thêm nhiều chi phí để xử lý nguồn nước trong suốt quá trình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh. Vì thế, trong nhiều năm qua, ngành chức năng Cà Mau không ngừng nghiên cứu để tìm ra quy trình nuôi tốt nhất giúp người nuôi tôm áp dụng đại trà, trong đó có hình thức nuôi không xả thải giúp giảm giá thành sản xuất.

Tại hội nghị chuyên đề về tôm tổ chức trong chuỗi sự kiện Festival tôm Cà Mau vào cuối tháng 12/2023, nhiều chuyên gia cũng giới thiệu quy trình nuôi tôm mới, mở ra các cơ hội cho người nuôi tôm. Trong số này có công nghệ nuôi tôm sinh học mang tên MPBiO (Công nghệ MPBiO) của Tập đoàn Minh Phú.

Theo Tổng Giám đốc Tập đoàn Minh Phú Lê Văn Quang, sau rất nhiều trăn trở, các chuyên gia của công ty đã rà soát hơn 50 công nghệ nuôi tôm hàng đầu trên thế giới, để từ đó đúc kết lại thành công nghệ MPBiO được thử nghiệm thành công tại trang trại nuôi (7 ha) ở Hàm Rồng (huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau), sau đó tiếp tục mở rộng ở 474 ao nuôi khác trong chuỗi liên kết với Minh Phú.

Qua tổng kết, với công nghệ MPBiO, thời gian nuôi trung bình từ 90-95 ngày, thu về tôm cỡ 28-34 con/kg. Đặc biệt, nuôi theo công nghệ này tôm rất khỏe, bán được tôm ô-xy tại ao với giá từ 195 nghìn đồng đến hơn 200 nghìn đồng/kg cỡ 30 con/kg. Qua tính toán, chi phí sản xuất cho mỗi kg tôm theo công nghệ MPBiO không quá 80 nghìn đồng, giúp giải bài toán hóc búa là nuôi tôm với giá thành bằng hoặc thấp hơn tôm của Ecuador. Cách nuôi thuận theo tự nhiên này giúp cân bằng môi trường nhưng chi phí khá thấp, không lo tôm Việt Nam không cạnh tranh được về giá với các đối thủ lớn.

Đề án tổng thể phát triển ngành tôm nước lợ cả nước đặt mục tiêu ổn định vùng nuôi khoảng 750.000 ha (giai đoạn 2021-2030), tổng sản lượng tăng 1,3 triệu tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng lên 8,4 tỷ USD vào năm 2025 và 12 tỷ USD vào năm 2030…

Để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra, chuỗi ngành tôm cả nước nói chung, “thủ phủ” tôm Cà Mau nói riêng cần chung tay thực hiện nhiều phần việc giúp gắn kết chuỗi liên kết sản xuất, trong đó không thể thiếu quy trình nuôi tôm chuẩn nhất giúp nâng cao tỷ lệ thành công, nâng cao năng suất, chất lượng nhưng giảm giá thành sản xuất xuống thấp nhất.

Khi có quy trình sản xuất tốt, tỷ lệ thành công cao sẽ giúp khơi thông nguồn vốn của ngân hàng, tổ chức tài chính và xã hội cho đầu tư nuôi, đặc biệt là bảo hiểm cho con tôm. Khi đó, người nuôi tôm có thêm cơ hội mở rộng vùng nuôi công nghệ cao phục vụ xuất khẩu.

may thoi khi AT

ƯU ĐIỂM MÁY THỔI KHÍ AT

- Dải áp suất và lưu lượng rộng

- Độ rung thấp, vận hành êm ái

- Trục vít 2 thùy nằm ngang

- Đơn giản, cấu trúc gọn

- Cung cấp không khí hoàn toàn sạch

- Hệ nén trục vít mạnh mẽ

- Roto được thiết kế đặc biệt

- Hoạt động liên tục, bền bỉ


Ấn Độ phát triển các bang miền Bắc thành trung tâm nuôi tôm Ấn Độ phát triển các bang miền Bắc… Cà Mau tập trung khai thác hệ sinh thái ngành tôm Cà Mau tập trung khai thác hệ sinh…