Cơ hội, thách thức thủy sản VN trước vòng xoáy thương mại toàn cầu
Xét hai lĩnh vực xuất khẩu lớn nhất là cá tra và tôm, Việt Nam vẫn đang phát huy được những lợi thế nhất định và dần chiếm lĩnh thị phần trong bối cảnh vòng xoáy thương mại toàn cầu vẫn chưa đến hồi kết.
Chiều ngày 25/9/2019 tại Hà Nội, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC - Mã: VDS) tổ chức hội thảo nhà đầu tư với chủ đề "Ngành thủy sản và cơ hội cho Nam Việt trong vòng xoáy thương mại toàn cầu".
Phát biểu tại hội thảo, bà Phạm Thị Tố Tâm, Trưởng Bộ phận Phân tích ngành Thủy sản Chứng khoán Rồng Việt cho biết, bên cạnh những thuận lợi từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, từ đầu năm đến nay ngành thủy sản Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn.
Xuất khẩu cá tra chậm lại trong 8 tháng đầu năm 2019
Trong 8 tháng đầu năm 2019, giá trị xuất khẩu cá tra đạt khoảng 1,3 tỉ USD, giảm 8% so với cùng kì năm trước. Cụ thể, giá trị xuất khẩu sang Mỹ giảm tới 42%, trong khi các thị trường khác vẫn tăng trưởng tốt như EU tăng 21% và Trung Quốc - Hồng Kông tăng 17%.
Theo Chứng khoán Rồng Việt, nguyên nhân xuất khẩu sang thị trường Mỹ giảm là do thủy sản Trung Quốc xuất khẩu ồ ạt vào Mỹ từ cuối năm 2018 cho tới tháng 6 năm nay để tránh các mức thuế quan mới trước khi có hiệu lực, đặc biệt đến tháng 5 đã tăng lên 25%.
Đồng thời, các nhà nhập khẩu từ Mỹ trì hoãn đặt hàng để chờ kết quả cuối cùng về thuế chống bán phá giá cá tra lần thứ 14 (POR14) của Bộ Thương mại Mỹ cũng ảnh hưởng đến xuất khẩu của doanh nghiệp thủy sản Việt Nam.
Thêm vào đó, một nguyên nhân khác khiến kim ngạch xuất khẩu cá tra giảm trong 8 tháng đầu năm là việc giá bán giảm do nhu cầu thấp từ thị trường Mỹ cũng như giá cá tra đã tăng quá nóng trong hai năm 2017 và 2018 do thiếu hụt cá nguyên liệu.
Theo đánh giá của bà Tâm, giá bán thủy sản có khả năng sẽ phục hồi nhẹ trong nửa cuối năm nay tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu cả năm khó có thể tốt như năm 2018.
Đối với thị trường Trung Quốc - Hồng Kông, kim ngạch xuất khẩu thủy sản vẫn tăng trưởng tốt do nhu cầu tại các thị trường này vẫn lớn, cùng với việc chính phủ Trung Quốc siết chặt xuất khẩu thủy sản qua đường tiểu ngạch cũng hỗ trợ tích cực cho xuất khẩu qua đường chính ngạch.
Trong khi đó, xuất khẩu sang EU tăng trưởng nhờ sự thiếu hụt cá biển sau khi sản lượng đánh bắt hải sản cho phép tại khu vực này giảm 18% so với năm 2018.
Giá nguyên liệu giảm mạnh cùng hiệp định EVFTA vẫn hỗ trợ tốt cho xuất khẩu cá tra
Việc giá bán cá tra giảm sút cùng sản lượng xuất khẩu đã ảnh hưởng đáng kể đến các doanh nghiệp cá tra Việt Nam, tuy nhiên các doanh nghiệp này vẫn được hỗ trợ bởi giá nguyên liệu giảm mạnh cùng với việc giảm thuế nhập khẩu vào EU theo hiệp định EVFTA.
Theo thống kê, tính đến giữa tháng 9, giá cá tra nguyên liệu đã giảm về mức khoảng 20.500 đồng/kg so với mức đỉnh điểm 36.000 đồng/kg vào tháng 10/2018.
Theo bà Tâm, nguyên nhân giá nguyên liệu giảm cũng đến từ nhu cầu tiêu thụ yếu tại thị trường Mỹ. Trong khi đó, các công ty Việt Nam chủ yếu sử dụng cá tự nuôi và cá từ các vùng nuôi liên kết, ít sử dụng cá ngoài cũng dẫn tới việc giá nguyên liệu cá giảm trong nửa đầu năm.
Cùng với đó, giá bán cá nguyên liệu giảm xuống mức thấp hơn giá thành sản xuất khiến cho người nông dân ngần ngại thả nuôi mới trong nửa đầu năm nay cũng làm cho cho giá cá giống giảm sâu. Đến giữa tháng 9, giá con giống đã giảm 75% so với cuối năm 2018, về mức khoảng 500 đồng/con.
Về hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và châu Âu vừa được kí kết vào tháng 6 vừa qua, bà Tâm cho biết Chứng khoán Rồng Việt kì vọng EVFTA sẽ có hiệu lực từ tháng 6/2020, khi đó mức thuế đối với cá tra nguyên liệu (bao gồm cá tươi, đông lạnh, ướp lạnh) sẽ giảm từ 5,5% về 0% trong vòng ba năm và giá cá tra chế biến sẽ giảm từ 7% về 0% trong 7 năm.
Hiện tại, Việt Nam hiện đang được hưởng mức thuế GSP khoảng 4,5% đến 5,5% đối với các sản phẩm cá tra nguyên liệu và 7% đối với cá tra chế biến.
Trong cơ cấu xuất khẩu cá tra sang EU của Việt Nam, cá tra nguyên liệu chiếm tới 99% nên tác động của EVFTA sẽ có lợi đối với ngành cá tra Việt Nam
Tuy nhiên, xét về khả năng cạnh tranh với các nước khác khi nhập khẩu vào châu Âu, hiện tại Việt Nam cũng đã chiếm tới 90% thị phần cá tra toàn cầu, do đó Chứng khoán Rồng Việt đánh giá khả năng tăng cạnh tranh khi thuế nhập khẩu giảm cũng không có nhiều. Thay vào đó, EVFTA sẽ có tác động tích cực trong việc kích thích nhu cầu tiêu thụ cá tra của người dân tại EU, qua đó thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng.
Ngoài ra, để được hưởng ưu đãi thuế, các sản phẩm phải đáp ứng được tiêu chuẩn xuất xứ. Chứng khoán Rồng Việt cho rằng ngành cá tra Việt Nam không phải lo lắng về vấn đề này do tất cả cá tra xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước đều được nuôi từ Việt Nam.
Xuất khẩu tôm giảm trong khi sản lượng vẫn tăng mạnh
Đối với lĩnh vực xuất khẩu tôm, trong 8 tháng đầu năm, ngành tôm Việt Nam đạt giá trị xuất khẩu 2,13 tỉ USD, giảm 7% so với cùng kì năm 2018. Trong đó, xuất khẩu sang EU giảm 21%, xuất khẩu vào Nhật Bản giảm 4% còn tại thị trường Trung Quốc - Hồng Kông tăng trưởng 5%.
Theo Chứng khoán Rồng Việt, nguyên nhân xuất khẩu tôm giảm là do tất cả các cường quốc nuôi tôm gồm Ecuador, Indonesia và Ấn Độ đều đẩy mạnh sản lượng để tăng cạnh tranh thị phần.
Cùng với đó, giá bán giảm mạnh cũng ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam. Tính đến tháng 7 năm nay, giá xuất khẩu tôm toàn cầu đã giảm về còn khoảng 4,1 USD/lb (khoảng 8,2 USD/kg), hiện đang ở vùng giá thấp nhất lịch sử.
Trong khi kim ngạch xuất khẩu tôm bị giảm, sản lượng tôm nuôi vẫn liên tục tăng mạnh. Theo ước tính của liên minh nuôi trồng thủy sản toàn cầu (GAA), sản lượng tôm nuôi thế giới có thể tăng vọt với tốc độ tăng trưởng kép 8,5%/năm lên 8 triệu tấn vào năm 2025, trong khi FAO dự báo nhu cầu tiêu thụ tôm chỉ tăng 3,8%/năm.
Liên quan đến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, đồng nhân dân tệ mất giá so với đồng đô la Mỹ cũng có thể khiến cho nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc giảm sút, theo đó cũng hạn chế lợi ích của việc Trung Quốc giảm thuế nhập khẩu tôm Việt Nam từ 5% xuống còn 2%.
Gỡ rối nhờ xuất khẩu tôm tẩm bột
Trong thế khó bởi chiến tranh thương mại, nhiều chuyên gia đã có đánh giá tích cực về việc tôm Việt Nam có thể giành thị phần của tôm Trung Quốc tại thị trường Mỹ, đặc biệt với thị phần tôm tẩm bột, tuy nhiên liệu khả năng đó sẽ như thế nào?
Từ ngày 10/5 năm nay, mức thuế đối tôm tẩm bột Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ được nâng lên 25% thay vì mức 10% như trước, theo đó nhiều chuyên gia dự đoán điều này sẽ làm ngưng việc nhập khẩu tôm Trung Quốc vào Mỹ.
Số liệu của Chứng khoán Rồng Việt cho thấy, trong 7 tháng đầu năm, tỉ trọng tôm tẩm bột Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ đã giảm mạnh so với năm 2018, từ mức 50% xuống còn 35%.
Thay vào đó, tôm tẩm bột của Việt Nam được xem là có khả năng cạnh tranh cao nhất trong việc giành thị phần từ tôm tẩm bột Trung Quốc tại Mỹ do sản phẩm của Việt Nam có giá rẻ đứng thứ hai sau Trung Quốc.
Trên thực tế, thị phần của tôm Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ trong 7 tháng đầu năm đã mở rộng đáng kể, từ 15% lên 25% và được kì vọng sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.
Kì vọng xuất khẩu tôm vào EU tăng tốt nhờ giảm thuế nhập khẩu
Chứng khoán Rồng Việt cho biết, thuế nhập khẩu tôm Việt Nam vào EU đối với các sản phẩm tôm nguyên liệu (gồm tôm tươi, đông lạnh và ướp lạnh) sẽ giảm từ 4,2% về 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực hoặc lộ trình 3 - 5 năm và tôm chế biến sẽ giảm từ 7% về 0% trong 7 năm.
Hiện nay, hai đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam tại thị trường EU là Ecuador và Ấn Độ, hai nước này chủ yếu xuất khẩu tôm nguyên liệu.
Theo số liệu năm 2018, tỉ trọng tôm nguyên liệu so với tôm chế biến của Việt Nam ở tỉ lệ 7:3, do đó Chứng khoán Rồng Việt cho rằng ưu đãi thuế từ EVFTA giúp Việt Nam có khả năng giành thị phần từ Ecuador và Ấn Độ.
Trong đó, mảng xuất khẩu tôm nguyên liệu có nhiều thuận lợi hơn tôm chế biến do thời gian được giảm thuế ngắn hơn. Chưa hết, Việt Nam cũng đang là nhà cung cấp tôm chế biến lớn nhất cho EU với thị phần 22% về lượng và 18% về kim ngạch năm 2018 nên cũng có thể tận dụng đáng kể lợi ích từ việc giảm thuế.
Ngoài ra, giống như cá tra, để hưởng thuế ưu đãi vào EU các sản phẩm về tôm cũng phải đáp ứng các tiêu chuẩn xuất xứ. Theo đánh giá của Chứng khoán Rồng Việt, tôm Việt Nam cũng đang đáp ứng được các tiêu chuẩn này rồi, do đó không quá lo lắng về yêu cầu nguồn gốc xuất xứ.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ