Có món tiền to to, dân làm gì cũng dễ
Trao quyền cho người dân
Vào tháng 9.2014, xã Du Già có 2 thôn được tỉnh Hà Giang hỗ trợ 30 triệu đồng để thí điểm làm nguồn Quỹ Phát triển thôn là Lũng Dầm và Nà Liên. Thôn Lũng Dầm có 73 hộ (100% là người Dao), sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp, điều kiện đất đai khắc nghiệt nên đời sống bà con rất khó khăn. Nghe tin thôn mình được hỗ trợ để phát triển quỹ thôn, Trưởng thôn Tẩn Văn Canh mừng lắm. Đến khi cầm số tiền “to to” trên tay ông cũng run.
“Khó khăn nhất đối với người dân chúng tôi vẫn luôn là nguồn vốn, nay được Nhà nước hỗ trợ và trao quyền làm chủ cho chính dân bản mình, mình phải làm thế nào đó để cho nguồn quỹ ngày càng phát triển, nhân dân được hưởng lợi” – ông Canh bộc bạch.
Ngay hôm đó, ông Canh đã họp tất cả dân bản lại để bàn cách sử dụng số tiền này. Nếu đem số tiền chia đều cho các hộ trong thôn thì mỗi người chỉ được mấy chục nghìn. Sau đó cả thôn thống nhất phương án cho 3 hộ gia đình có kinh nghiệm làm ăn vay vốn để đầu tư chăn nuôi dê. Trong đó có gia đình anh Tẩn Văn Đánh được vay 10 triệu đồng từ Quỹ Phát triển thôn (tháng 9.2014) để mua 5 con dê nuôi sinh sản. Sau hơn 1 năm chăn nuôi, khi bán 3 con dê lớn để trả số tiền đã vay, anh Đánh vẫn còn lãi 2 con dê giống ban đầu và có thêm 5 dê con.
Quỹ Phát triển thôn được xây dựng theo chủ trương của Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Hà Giang từ tháng 12.2013. Trong đó, ngân sách tỉnh cấp thí điểm cho 82 thôn tại 41 xã xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 – 2015, với mức hỗ trợ 30 triệu đồng/thôn, còn lại do bà con tự nguyện đóng góp.
“Bình thường vay vốn ngân hàng phải trả lãi suất hàng tháng nhưng vay Quỹ Phát triển thôn không phải trả lãi, đó là một lợi thế lớn rồi. Mà phải biết xem vốn của thôn cũng như của mình, vì mình làm ăn có hiệu quả, có trả được khoản vay đúng hạn, bà con khác mới có cơ hội được vay vốn làm ăn” – anh Đánh cho hay.
Nhân rộng mô hình
Từ hiệu quả của Quỹ Phát triển thôn thí điểm, đến nay đã có 231 thôn trên địa bàn Yên Minh đã tạo được quỹ thôn với tổng số tiền là trên 1,6 tỷ đồng.
Ông Hoàng Quang Hoàn – Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Minh cho hay: “Từ hiệu quả thấy được của Quỹ Phát triển thôn, chúng tôi đã nhân rộng mô hình này ra toàn huyện. Quỹ thôn được xây dựng trên tinh thần bàn bạc dân chủ, tự nguyện, không bắt buộc. Bà con nhân dân đóng góp theo khả năng, hộ nào nghèo góp ít, hộ nào khá giả góp nhiều. Với địa bàn khó khăn, thôn có thể họp bàn, vận động bà con trích nguồn kinh phí được hỗ trợ từ các chính sách bảo vệ rừng hàng năm... Khi cần chi tiêu vào hoạt động hỗ trợ cộng đồng hay cho các hộ nghèo vay vốn để sản xuất đều có sự bàn bạc, thống nhất cao trong thôn xã. Chính vì vậy mà việc huy động xây dựng quỹ thôn ở xã được nhân dân hưởng ứng cao”.
Hiện nguồn quỹ thôn của huyện Yên Minh được sử dụng đúng mục đích, trong đó có 153 thôn đã sử dụng quỹ, với tổng số tiền trên 780 triệu đồng để sửa chữa lớp học, tu sửa, làm đường giao thông, cho các hộ dân trong thôn vay phát triển sản xuất, chăn nuôi theo hình thức đầu tư tái thu hồi. Trưởng thôn Tẩn Văn Canh cho hay: “Trước kia chưa có quỹ thôn, muốn làm cái gì cũng khó. Có quỹ rất tiện bởi có việc gì cần kinh phí, cả thôn thống nhất rồi chi được luôn chứ không phải vận động rồi đi thu từng hộ, mà dân nông thôn không phải lúc nào cũng có tiền trong nhà”.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ