Có vốn mua bò, hết lo nghèo đói
Nhờ nguồn vốn ưu đãi của ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH), nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở Đăk Lăk đã tạo dựng được “cần câu cơm” là những mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả, qua đó từng bước đưa cuộc sống gia đình thoát nghèo.
Trong ảnh: Nhờ nguồn vốn ưu đãi nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở Đăk Lăk đã mua được bò, từng bước ổn định kinh tế gia đình. Ảnh: Duy Hậu
Vốn vay kèm hướng dẫn cách làm ăn
Gia đình anh Y Kiếp Niê ở buôn Kô Tam, xã Ea Tu, TP.Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) có đến 8 miệng ăn nhưng chỉ có vỏn vẹn 3 sào rẫy. Nhiều năm liền làm đủ cách nhưng gia đình Y Kiếp vẫn không thể thoát được nghèo. Thiếu đất đai, không vốn liếng, vợ chồng Y Kiếp chẳng thể tìm được cách xoay sở ngoài việc đi làm thuê. Biết hoàn cảnh khó khăn đó, năm 2014, Tổ tiết kiệm và vay vốn (TKVV) buôn Kô Tam đề nghị Phòng giao dịch TP.Buôn Ma Thuột của Ngân hàng CSXH cho gia đình Y Kiếp vay 20 triệu đồng. Cùng với đó, Tổ TKVV cũng hướng cho gia đình anh dùng số tiền vay mua bò về nuôi sinh sản.
Có được vốn, Y Kiếp vay mượn thêm mua 1 cặp bò về nuôi. “Sau 4 năm, gia đình mình đã lãi được 2 con bò. Ngoài ra, nhờ nguồn phân từ đàn bò mà mấy sào rẫy của mình giảm bớt được tiền mua phân bón hóa học, cà phê cũng tốt hơn. Không chỉ thế, mình còn dùng số phân bò thừa đem ủ để bán. Tính ra số tiền này mỗi tháng cũng được trên dưới 1 triệu đồng. Tuy không thể ngay lập tức thoát nghèo, nhưng gia đình mình đã có đồng ra đồng vào”- Y Kiếp nói.
Cũng như anh Y Kiếp, gia đình Y Lênin Eban, buôn Krông A, xã Ea Tu từng là một hộ nghèo đói. Sau khi được Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH TP.Buôn Ma Thuột cho vay vốn, Hội ND, Hội Phụ nữ hướng dẫn nuôi bò sinh sản, cuộc sống gia đình anh đã có những đổi thay đáng kể. Hiện Y Lênin Eban đã có được đàn bò 4 con khỏe mạnh, trị giá gần 80 triệu đồng. “Nguồn vốn ưu đãi đã thực sự mở lối cho gia đình mình thoát nghèo” - Y Lênin Eban thổ lộ.
Tạo sinh kế lâu dài
Hầu hết các hộ nghèo được vay vốn đều sử dụng nguồn vốn rất hiệu quả. Năm nay, doanh số cho vay tăng hơn 100 tỷ đồng, số dư nợ tăng hơn 300 tỷ so với năm ngoái. Trong khi đó, số nợ quá hạn, nợ khoanh giảm xuống đáng kể. Toàn tỉnh đã cho vay được gần 30.000 hộ tăng hơn 2.500 hộ so với cùng kỳ năm trước…”. Ông Nguyễn Minh Hướng - Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH Chi nhánh Đăk LăK
Ông Ngô Văn Ngọc - Tổ trưởng tổ Tiết kiệm và vay vốn buôn Kô Tam chia sẻ, tuy nguồn vốn cho vay không nhiều, nhưng nhiều năm qua, chính nhờ các chương trình tín dụng ưu đãi Ngân hàng CSXH cho bà con vay đầu tư nuôi bò mà nhiều hộ nghèo trong buôn đã có đời sống khá hơn. Điển hình như gia đình ông Hoàng Văn Dũng, từ một hộ khó khăn, nay đã thoát nghèo. Gia đình ông Dũng hiện có đàn bò gần chục con, kinh tế gia đình ổn định.
Hay như ông Ngọc, từ những đồng vốn ít ỏi vay được của Ngân hàng CSXH để nuôi bò mà gia đình đã có của ăn của để. Theo ông Ngọc, hiện mỗi tháng gia đình ông có thêm một số tiền không nhỏ từ việc bán phân bò. Nhờ nguồn phân này mà rẫy cà phê của nhà ông cũng tươi tốt, năng suất cao hơn, giảm được nhiều chi phí đầu tư. Đặc biệt với những hộ đồng bào nghèo trong buôn, số vốn vay được đã có những tác động rất lớn đối với cuộc sống của họ. Nhiều hộ từ chỗ quanh năm chỉ biết đi làm thuê kiếm sống qua ngày nay đã bắt đầu có được vốn liếng trong tay để tính chuyện làm giàu.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ