Mô hình kinh tế Còn Nhiều Bất Cập Trong Tiêu Thụ Nông Sản Cho Nông Dân

Còn Nhiều Bất Cập Trong Tiêu Thụ Nông Sản Cho Nông Dân

Ngày đăng 18/08/2014

Còn Nhiều Bất Cập Trong Tiêu Thụ Nông Sản Cho Nông Dân

Vấn đề tìm đầu ra cho nông sản đã trở thành một vòng luẩn quẩn trong sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, câu chuyện “được mùa rớt giá”, “được giá mất mùa” cũng là nỗi lo thường trực của nông dân và các ngành chuyên môn.

Những năm gần đây, sản xuất nông sản trên địa bàn tỉnh ta luôn có sự phát triển, tổng  giá trị nông sản năm sau cao hơn năm trước.

Cách thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún đang dần được thay thế bằng phương thức sản xuất hàng hóa tập trung, sử dụng các giống mới tạo ra những sản phẩm đa dạng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, qua thực tế sản xuất và diễn biến thị trường nông sản cho thấy ngành nông nghiệp vẫn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, đặc biệt là khâu tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản.

Những năm trước, khi một số hộ dân thành công với cây cao su, sắn, ớt... nhiều hộ khác đã học theo cách làm trên nhưng kết quả không như mong đợi.

Thời gian qua, giá mủ cao su liên tục giảm đã tác động đến tâm lý của người nông dân. Vụ mủ cao su này, anh Quách Văn Tùng, xã Ngọc Liên  (Ngọc Lặc) phải “đắng lòng”  bỏ không thu hoạch  10/17 ha cao su của gia đình. Anh Tùng rầu rĩ nói: “Gia đình anh có 17 ha cao su, bắt đầu cho thu hoạch từ năm 2006, từ đấy đến năm 2010, cây cao su là cây làm giàu của gia đình.

Thế nhưng, từ đầu năm 2013 đến nay, giá mủ cao su liên tục xuống thấp và đến thời điểm này  mủ đã thu hoạch nhưng không thể tiêu thụ được, khiến người nông dân gặp  nhiều khó khăn.

Để vườn cao su lại thì tiền thuê nhân công làm cỏ, phân bón khá tốn kém, mà phá đi thì công chăm sóc, kiến thiết bao năm bỏ ra lại thành công cốc. Cũng giống như gia đình anh Tùng, để vườn cao su 10 ha hơn 2 năm tuổi vượt qua cơn bão giá, anh Quách Ngọc Hoàng, ở xã Ngọc Liên đã cho người khác thuê đất trồng xen dứa, đậu nành, ngô để giảm chi phí chăm sóc.

Tỉnh ta hiện có 41,5 ha trồng rau  an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, tập trung chủ yếu ở huyện Hoằng Hóa và Quảng Xương. Tuy nhiên, việc tiêu thụ các sản phẩm này cũng khá nan giải mặc dù sản xuất theo đúng quy trình, bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng giá trị của rau an toàn  cũng không khác với các sản phẩm rau thông thường là mấy.

Việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp không ổn định, giá bán thường biến động, lợi nhuận cho người sản xuất thấp, việc thâm nhập vào các kênh phân phối hiện đại còn hạn chế và việc cung ứng hàng hóa còn mang tính riêng lẻ đang làm suy yếu khả năng ổn định về giá cho người nông dân.

Từ thực tế trên cho thấy, khó khăn lớn nhất mà nông dân đã và đang phải đối mặt đó là sự  thiếu ổn định trong khâu tiêu thụ.  Sở dĩ “đầu ra” cho nông sản luôn khó khăn là bởi trong thời gian qua việc tiêu thụ nông sản còn thả nổi, chưa được quan tâm thỏa đáng. Nhiều mặt hàng nông sản chưa được ký hợp đồng tiêu thụ, nông dân chưa nắm rõ thị trường trước khi sản xuất, quá trình sản xuất vẫn theo kiểu mạnh ai nấy làm.

Có những mặt hàng đã được ký hợp đồng tiêu thụ, nhưng khi có trở ngại khách quan hoặc chủ quan thì doanh nghiệp thường để nông dân tự xoay xở. Ngược lại, có lúc do lợi ích trước mắt mà nông dân tự ý phá hợp đồng đem sản phẩm ra ngoài bán vì giá cao hơn, gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, khâu chế biến nông sản sau thu hoạch còn hạn chế. Phần lớn nông sản trong tỉnh hiện còn xuất bán ở dạng thô, chưa qua chế biến, chất lượng không đồng đều nên giá thấp, thiếu sức cạnh tranh, chưa tạo được thị trường bền vững. Do chưa có biện pháp bảo quản nông sản sau thu hoạch nên vào thời điểm thu hoạch rộ, hàng nông sản không những bị thương nhân ép giá mà tỷ lệ hao hụt, biến chất còn cao làm giảm chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế.

Việc sản xuất nhỏ lẻ, manh mún đang là nguyên nhân khiến cho ranh giới giữa sản phẩm sạch, chất lượng cao và sản phẩm không sạch, chất lượng thấp chưa được phân biệt rõ khiến nông sản khó tiêu thụ. Người sản xuất thiếu thông tin về thị trường, làm ăn theo kiểu phong trào, dễ dẫn đến cung vượt quá cầu, sản phẩm bị ép giá, khó tiêu thụ, người sản xuất bị thiệt thòi, dễ nản.

Để giải quyết những hạn chế trên, về lâu dài nông dân trong tỉnh cần mở rộng mô hình liên kết chặt chẽ, gắn sản xuất với tiêu thụ và chế biến nông sản.

Các doanh nghiệp cần tổ chức tốt mạng lưới tiêu thụ nông sản cho nông dân, không để tư thương thao túng; tích cực chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật để nâng cao chất lượng nông sản, cung cấp thông tin về thị trường để người nông dân lựa chọn sản xuất sao cho hiệu quả.

Về phía nông dân cần quan tâm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, bảo đảm hợp với thị hiếu của người tiêu dùng và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong quá trình sản xuất phải nâng cao ý thức trách nhiệm và tuân thủ các quy định đối với các hợp đồng đã ký. Các địa phương cần có định hướng, quy hoạch cụ thể vùng sản xuất giống cây trồng, khuyến khích tích tụ ruộng đất, tạo điều kiện cho nông dân sản xuất hàng hóa lớn.

Có chính sách cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp vào đầu tư tại địa phương, xây dựng các nhà máy chế biến nông sản nhằm giảm tỷ lệ thất thoát và nâng cao giá trị sản phẩm; quản lý tốt thị trường, giám sát chặt chẽ chất lượng vật tư hàng hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp; khuyến khích, mở rộng các mô hình sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.


Huyện Yên Định 15 Ha Rau An Toàn Đạt Tiêu Chuẩn VietGAP Huyện Yên Định 15 Ha Rau An Toàn… Giải Pháp Cho Diện Tích Sản Xuất Nông Nghiệp Khó Tưới Ở Huyện Ngọc Lặc Giải Pháp Cho Diện Tích Sản Xuất Nông…