Con tôm rũ bùn đạt chuẩn quốc tế
Hợp tác xã (HTX) nuôi trồng thủy sản Cái Bát (xã Hòa Mỹ, huyện Cái Nước, Cà Mau) đã liên kết với doanh nghiệp xây dựng vùng nuôi tôm sạch theo tiêu chuẩn của Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản (ACS).
Nông dân nuôi tôm theo chuẩn ASC làm chủ được yếu tố môi trường trong nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Chúc Ly
Tuyệt đối không dùng kháng sinh
HTX nuôi trồng thủy sản Cái Bát được thành lập vào năm 2013 với 12 xã viên. Đến nay HTX có gần 60 xã viên và 180ha nuôi tôm. Trong đó, có 40ha tôm nuôi thâm canh, diện tích còn lại nuôi theo hình thức quảng canh, cả hai hình thức đều năng suất đạt khá cao.
Năm 2016, nhằm tiếp cận cách làm theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ, HTX đã liên kết với Công ty cổ phần Chế biến và xuất nhập khẩu thủy sản Thanh Đoàn xây dựng vùng nuôi tôm sạch theo tiêu chuẩn quốc tế ASC. Hiện HTX đang có 40ha tôm nuôi thâm canh tham gia vào xây dựng vùng nuôi tôm theo chuẩn ASC.
Ông Nguyễn Hoàng Ân - Giám đốc HTX, cho biết: “Các hộ tham gia phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chí đánh giá chất lượng con tôm, đặc biệt là tuyệt đối không sử dụng kháng sinh. Ngoài ra, bà con sử dụng con giống truy xuất được nguồn gốc để thả nuôi, chọn mua thức ăn cho tôm ở nơi có uy tín, tôm thả đồng loạt và các yếu tố môi trường được kiểm soát chặt chẽ, nhằm tạo ra sản phẩm tôm sạch”.
Được biết, ngoài được tập huấn hướng dẫn quy trình kỹ thuật nuôi tôm sạch theo tiêu chuẩn quốc tế ASC, với mỗi ha tôm nuôi thâm canh bà con được hỗ trợ 8 triệu đồng và 5 triệu đồng đối với tôm nuôi quảng canh, để cải tạo ao đầm theo tiêu chuẩn.
Tỷ lệ thành công 80 – 90%
Theo các xã viên, điểm khiến họ yên tâm nhất khi liên kết với công ty là đầu ra sản phẩm tôm được ký kết bao tiêu và thu mua cao hơn với giá thị trường từ 2.000-5.000 đồng/kg. Từ đó, bà con xã viên hết sức phấn khởi và mong muốn làm ăn lâu dài với công ty. Năm 2016, HTX đã bán cho công ty khoảng 90 tấn tôm, trong tương lai khả năng cung ứng đạt khoảng 700-1.000 tấn/năm.
Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Văn Lâm - Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX, thông tin, từ khi tham gia thực hiện mô hình, kết quả sản xuất của xã viên nâng lên rõ rệt. “Nếu trước đây tỷ lệ tôm nuôi thành công chỉ từ 50 - 60% thì nay đã tăng lên khoảng 80 - 90%, năng suất nuôi thâm canh bình quân khoảng 12 tấn/ha” – ông Lâm nói.
Hiện nay, tuy chưa chính thức có được chứng nhận ASC, tuy nhiên các vùng đều tuân thủ theo các chỉ tiêu rất tốt. Qua kiểm tra đánh giá, đến thời điểm này HTX đạt khoảng 85% so với tiêu chuẩn, phấn đấu đến cuối năm được công nhận vùng nuôi tôm sạch theo tiêu chuẩn quốc tế ASC.
Ông Đoàn Văn Chính - Phó trưởng Phòng NNPTNT huyện Cái Nước, cho biết: Thực hiện mô hình nuôi tôm theo tiêu chuẩn ASC, ngoài tính hiệu quả của mô hình, công ty rất chú trọng hướng đến sản xuất an toàn, không làm ảnh hưởng đến môi tường và sức khỏe người nuôi tôm. Ngành chuyên môn sẽ tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp, đơn vị tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất với các HTX nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện, nâng giá trị con tôm, giúp bà con nông dân an tâm sản xuất.
>> ASC là viết tắt của Hội Đồng quản lý nuôi trồng thủy sản. Đây là một tổ chức độc lập, phi lợi nhuận, được thành lập vào năm 2009 bởi Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên và Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững Hà Lan. ASC xây dựng bộ tiêu chuẩn ASC dựa trên 4 nền tảng chính là môi trường, xã hội, an sinh động vật và an toàn thực phẩm.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ