Tin thủy sản Con tôm Việt Nam 2 khâu ngon nhất nước ngoài hưởng lợi

Con tôm Việt Nam 2 khâu ngon nhất nước ngoài hưởng lợi

Tác giả Hà Vũ, ngày đăng 11/07/2016

Con tôm Việt Nam 2 khâu ngon nhất nước ngoài hưởng lợi

Để phát triển ngành tôm nước lợ, mới đây, Tổng cục Thủy sản đã kiến nghị Bộ NNPTNT đề xuất Chính phủ đưa con tôm trở thành “sản phẩm chiến lược quốc gia”. Theo lý giải, với những thuận lợi sẵn có, nếu chúng ta tăng cường đầu tư, cải tiến kỹ thuật và đẩy mạnh quảng bá, Việt Nam có khả năng trở thành nước sản xuất tôm hàng đầu thế giới.

Bài cuối: Hướng tới sản phẩm  chiến lược

2 khâu “ngon nhất” - nước ngoài hưởng lợi

Ngành tôm phát triển vượt bậc trong những năm qua, nhưng hiện vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn về chi phí đầu vào, dịch bệnh, giá cả, chất lượng con giống… Ông Lê Văn Quang - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đơn cử mô hình nuôi tôm thẻ sinh thái 2.000ha ở Ecuador, nhờ chọn lựa tôm thẻ chân trắng kháng bệnh để nuôi, năm 2015 năng suất đạt 2.268 tấn/ha - gấp 10 lần năng suất nuôi tôm sú sinh thái ở Việt Nam.

Lý giải điều này, ông Nguyễn Hữu Ninh- Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III cho biết, tôm giống nhập ngoại từ Thái Lan hoặc Mỹ, họ thường chọn trong điều kiện tối ưu cho nên khi chúng ta nhập tôm bố mẹ về sản xuất tôm thương phẩm để bà con nuôi thì trong điều kiện nuôi biến động về nhiệt độ (ngày/đêm), độ mặn (xâm nhập mặn, độ mặn lớn, mưa xuống độ mặn giảm), tỷ lệ tôm sống thường không cao.

Vì thế, Viện đã tiến hành chọn tạo khả năng chống chịu với môi trường, đặc biệt liên quan đến độ mặn, nhiệt độ. Kết quả, lượng tôm của chương trình có tỷ lệ sống cao hơn khoảng 15% so với đàn tôm nhập khẩu. Theo ông Ninh, Viện hiện có hơn 50.000 cặp tôm thẻ chân trắng bố mẹ, tôm hậu bị từ 35-40g. “Chúng tôi rất mong muốn chuyển cho doanh nghiệp để thương mại hóa, nhưng hiện đang vướng mắc về thủ tục (do chưa được chứng nhận)”- ông Ninh nói.

Theo Tổng cục Thủy sản, phần lớn nguồn giống tôm sú đang phải khai thác từ tự nhiên (khoảng 30.000 con/năm); 100% tôm thẻ chân trắng bố mẹ phải nhập khẩu (khoảng 190.000-270.000 con/năm). Để tự chủ nguồn tôm giống, Tổng cục Thủy sản đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ phải chủ động sản xuất được trên 50% nhu cầu tôm thẻ chân trắng bố mẹ sạch bệnh và tăng trưởng nhanh, đồng thời gia hóa, chủ động sản xuất được 70% nhu cầu tôm sú sạch bệnh.

Hiện nay, một số doanh nghiệp lớn cũng đang nghiên cứu sản xuất để tự chủ nguồn tôm giống, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh. Đến nay, Tập đoàn Việt – Úc đã chủ động được 40% tôm giống cho hệ thống của mình. Mới đây, ngày 28.6, Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đã đưa ra 100 triệu con tôm “post” kháng bệnh lứa đầu tiên. Đây là kết quả khá khả quan trong bối cảnh môi trường nuôi, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp ở nước ta.

Cùng với giống, một khâu thiết yếu đối với ngành tôm là thức ăn hiện vẫn đang bị bỏ ngỏ gần như 100% thị phần cho các doanh nghiệp nước ngoài. “Trước đây mảng thức ăn có 5-7 doanh nghiệp Việt Nam tham gia, nhưng các doanh nghiệp nước ngoài liên kết với nhau “đánh bay” gần hết các doanh nghiệp trong nước ra khỏi lĩnh vực này. Việt Nam không đủ sức mà làm” – ông Quang bày tỏ.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: “Việt Nam chỉ xuất khẩu được mấy chục triệu USD mà riêng về cám hiện nay Việt Nam đã tự chủ được 45%, có những ông lớn hiện nay đã sản xuất 1,5 triệu tấn; huống hồ con tôm phân khúc của nó có thể đem về được 5-6 tỷ USD (hiện tại 3-4 tỷ USD), mà khâu ngon nhất là giống và thức ăn lại phải nhập khẩu hoàn toàn và để các công ty nước ngoài hưởng lợi. Đây là lỗ hổng mà chúng ta phải nghiêm túc xem xét lại”.

Thực vậy, đầu năm 2016, đại diện Tổng cục Thủy sản cho hay, tiền chiết khấu và hoa hồng đối với các doanh nghiệp thức ăn thủy sản hiện quá lớn, chiếm 20 – 30% nên giá thành của thức ăn tăng lên, ảnh hưởng đến người nuôi. “Có những đại lý chỉ bán 10 tấn hoặc mấy chục tấn thức ăn thôi mà đến kỳ hàng năm họ có tổ chức tổng kết và tặng xe Camry cả tỷ đồng luôn, chứng tỏ tiền hoa hồng và chiết khấu rất cao” – vị đại diện này đơn cử.

Để thành nước sản xuất tôm số 1 thế giới

Để con tôm nước lợ Việt Nam trở thành số 1 thế giới, chúng ta có rất nhiều việc phải làm. Đứng trước tình hình biến đổi khí hậu xâm nhập mặn và hạn hán ở đồng bằng sông Cửu Long cũng như các vùng khác, chúng ta phải đánh giá lại, điều chỉnh lại quy hoạch nuôi tôm nước lợ vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, tầm nhìn 2030. “Chúng ta phải rà lại quy hoạch tổng thể về bố trí các đối tượng sản xuất của ngành nông nghiệp trên địa bàn vùng đồng bằng sông Cửu Long kết hợp với rà soát quy hoạch thủy lợi, từ đó chúng ta có quy hoạch phù hợp với điều kiện hạn mặn” – Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám nêu quan điểm.

Bộ NNPTNT đã chỉ đạo Tổng cục Thủy sản xây dựng chương trình phát triển nuôi tôm nước lợ, trong đó có 4 đề án cụ thể. Nói về định hướng phát triển ngành tôm, ông Nguyễn Xuân Cường cho biết, Bộ NNPTNT sẽ sớm làm việc với Bộ KHCN và Hội đồng Chính sách khoa học quốc gia nhằm đưa tôm nước lợ vào mặt hàng chiến lược quốc gia. Theo đó, sẽ phải xây dựng con tôm Việt Nam không chỉ dừng lại ở nuôi mà còn là ngành công nghiệp sản xuất, từ nuôi cho tới chế biến, vật tư đầu vào (như thức ăn, con giống, thiết bị chế biến phụ trợ…).

Lập hiệp hội để thương hiệu tôm Việt Nam lớn mạnh

Nhà nước không bao giờ can thiệp hết những vấn đề của thị trường mà chính là doanh nghiệp. Doanh nghiệp muốn lớn mạnh thì phải có hiệp hội. Hiệp hội đúng nghĩa mới giải quyết các câu chuyện của thị trường; hiệp hội là cầu nối giữa doanh nghiệp với Chính phủ, giữa doanh nghiệp với thị trường và hiệp hội cũng là  con đường ngắn nhất để đưa khoa học kỹ thuật vào ứng dụng nhanh nhất. Thương hiệu con tôm nói riêng và thương hiệu nông sản Việt Nam chỉ lớn mạnh một khi hiệp hội này lớn mạnh.


Thiếu vốn, khó bỏ việc... hủy diệt hải sản Thiếu vốn, khó bỏ việc... hủy diệt hải… Cuộc cách mạng từ tôm thẻ chân trắng Cuộc cách mạng từ tôm thẻ chân trắng