Mô hình kinh tế Con vịt Việt Nam mất 30% giá trị do chỉ luộc và quay

Con vịt Việt Nam mất 30% giá trị do chỉ luộc và quay

Ngày đăng 25/09/2015

Con vịt Việt Nam mất 30% giá trị do chỉ luộc và quay

Con đường xuất ngoại của chăn nuôi Việt vẫn còn khó khăn

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám, vai trò chính để thúc đẩy xuất khẩu vẫn là từ phía doanh nghiệp (DN) và họ cần mạnh dạn đổi mới thực hiện. Nhà nước sẽ hỗ trợ tối đa về chính sách. “Hôm nay, chúng tôi ngồi đây để được lắng nghe và tháo gỡ những vướng mắc khó khăn về chính sách mà doanh nghiệp muốn đưa các mặt hàng chăn nuôi ra nước ngoài đang gặp”, ông Tám nói.

Tháo gỡ cho từng doanh nghiệp

Không đồng tình với quan điểm “vai trò chính là của doanh nghiệp”, đại diện Công ty TNHH thực phẩm CJ Vina cho rằng, ngoài các đơn vị lớn như CP (Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam - PV) có đủ tài lực để đầu tư vùng nuôi gia cầm lớn, hầu hết các doanh nghiệp nội địa rất khó.

“Các trại gà của Việt Nam quy hoạch thường không có “vùng đệm”. Nên khi có dịch bệnh, không dễ khoanh vùng dập tắt ngay, không để lan sang các trang trại bên cạnh.

Chúng ta cho doanh nghiệp và dân tự do xây trại sát nhau, địa phương lại không quản lý nên để hệ thống trại đạt chuẩn của Tổ chức thú y thế giới (OIE) để xuất khẩu là vô cùng khó.

Nếu doanh nghiệp đầu tư làm theo chuẩn OIE, nhà nước phải có hỗ trợ quy hoạch vùng chăn nuôi thế nào, “vùng đệm” thế nào?”, đại diện CJ Vina nói.

Ông Nguyễn Minh Khanh, đại diện Công ty BioGas, cho biết công ty đã ký hợp tác với đối tác Myanmar, xuất trứng gà sang nước này. Tuy nhiên, Việt Nam quy định gà bố mẹ phải có tiêm vắc xin ngừa cúm, nên không xuất được do Myanmar cấm nhập khẩu khi trứng có gà bố mẹ được tiêm vắc xin. Ông Khanh nói:

“Trang trại của chúng tôi nằm trong rừng sâu ở Bảo Lộc, rộng 10 ha, không có “hàng xóm” gà nào, chúng tôi tự tin không có dịch bệnh, xin Bộ cho phép không tiêm cúm để có thể xuất khẩu sang Myanmar có được không?”.

Trước những thắc mắc của doanh nghiệp, ông Vũ Văn Tám cho rằng với những doanh nghiệp đã có phương án xuất khẩu, Bộ sẽ sắp xếp lịch làm việc cụ thể với từng doanh nghiệp, từng địa phương để tháo gỡ ngay trong tháng 10 này nhằm thúc đẩy sản phẩm chăn nuôi.

Công nghệ chế biến sản phẩm lạc hậu

Hội nghị tại Hà Nội lại xoay quanh việc tăng cường năng lực cạnh tranh cho ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam trước thềm Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được thông qua.

Báo cáo của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam công bố tại hội thảo nhận định gia cầm là vật nuôi có nhiều lợi thế nhất trong ngành chăn nuôi nhưng việc phát triển còn nhiều hạn chế. Qua khảo sát, có đến 60 - 70% mô hình chăn nuôi ở quy mô nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết giữa sản xuất và thị trường, hiệu quả kinh tế không cao.

Chất lượng và sự phát triển của con giống còn chậm đang là những điểm yếu cố hữu của ngành chăn nuôi Việt Nam cần phải khắc phục.

TS Dương Xuân Tuyển, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển chăn nuôi gia cầm (VIGOVA), nhận xét công nghệ chế biến sản phẩm lạc hậu, chủ yếu là công nghệ thấp với các công đoạn đơn giản, dựa vào nhân công giá rẻ đang kìm hãm sự phát triển của chuỗi giá trị trong ngành chăn nuôi gia cầm.

“Các món ăn gia cầm chủ yếu vẫn là luộc, quay thì giá trị chuỗi sẽ không cao. Một doanh nhân Đài Loan có nói với chúng tôi rằng, riêng một con vịt thịt ở Việt Nam hiện nay đang mất đi 30% giá trị do công nghệ chế biến”, ông Tuyển nói.

Bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân, cho rằng để khai thác cơ hội khi hội nhập, doanh nghiệp đặc biệt quan tâm chuẩn hóa các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và đầu tư công nghiệp hóa dây chuyền, công nghệ sản xuất để sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế khi xuất khẩu chứ không nên nhìn nhận ở mặt khó khăn.


Nuôi trồng thủy sản mũi nhọn phát triển kinh tế Nuôi trồng thủy sản mũi nhọn phát triển… Sau Phú Quốc hải sâm lại ồ ạt dạt vào đầy bãi biển Thừa Thiên - Huế Sau Phú Quốc hải sâm lại ồ ạt…