Công Nghệ Chế Biến, Bảo Quan Nông Sản Sau Thu Hoạch Còn Bỏ Ngỏ
Chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch là một trong những khâu quan trọng nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, tăng tính cạnh tranh cho nông sản khi xuất bán ra thị trường. Tuy nhiên, hiện nay, phần lớn người dân và các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh vẫn thực hiện mua bán, thu hoạch bằng phương thức cũ, không theo quy trình nên đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến giá trị sản phẩm nông sản.
Gia đình anh Nguyễn Văn Cường ở thôn 2, xã Đắk Gằn (Đắk Mil) có 4 ha xoài, mỗi năm cho sản lượng khoảng 100 tấn. Tuy nhiên, từ trước tới nay, việc bảo quản quả xoài sau khi hái của gia đình anh vẫn theo hình thức thủ công, chưa theo một công nghệ nào.
Theo đó, xoài sau khi thu hái đã phải tiến hành đóng gói luôn trong ngày và đưa lên công ten nơ có hệ thống đông lạnh của tư thương để bảo quản trước khi vận chuyển xa. Mỗi lớp xoài khi cất vào thùng giấy, gia đình anh cũng chỉ lót thêm một một lớp giấy báo để hút nhựa và tránh trầy xước.
Những lô hàng xuất đi Trung Quốc, anh cũng phải cận thận lựa những quả thuộc loại trung bình, chưa già lắm để đóng gói, vì sợ đường xa, lâu ngày, xoài sẽ chín mất.
Anh Cường cho biết: "Hiện nay, gia đình cũng rất mong muốn xây dựng một kho đông lạnh để bảo quản số lượng xoài lớn sau khi thu hoạch, không kịp xuất. Tuy nhiên, do nguồn vốn hạn hẹp nên gia đình vẫn chỉ áp dụng theo phương pháp thủ công, nhằm hạn chế tối đa những ảnh hưởng tới mẫu mã và chất lượng của quả xoài.
Thời gian tới, chúng tôi cũng rất mong muốn sẽ được các cấp, ngành chức năng quan tâm hơn nữa trong việc tư vấn, hỗ trợ những tiến bộ khoa học kỹ thuật để khâu bảo quản sau thu hoạch xoài được thuận lợi hơn. Quả xoài cũng sẽ không bị tư thương ép giá nữa…".
Theo Phòng Công nghiệp - Sở hữu trí tuệ (Sở Khoa học và Công nghệ) thì hiện nay, việc bảo quản, chế biến nông sản của bà con và các doanh nghiệp thu mua nông sản trên địa bàn tỉnh mới chỉ dừng lại ở mức độ sơ chế và xuất bán thô là chủ yếu. Hầu hết các khâu chế biến, bảo quản đều không theo đúng quy trình nên đã làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng sản phẩm và hạn chế khả năng cạnh tranh của các mặt hàng nông sản trên thị trường.
Trên thực tế, hiện nay, người nông dân ở các địa phương đều canh tác trên một diện tích nhỏ, thiếu tập trung và mang tính tự phát, chưa theo quy hoạch. Các sản phẩm nông sản chủ lực sau khi thu hoạch, ngoài số lượng được người dân xuất bán ngay, số còn lại chủ yếu vẫn được bảo quản sơ sài theo phương pháp truyền thống như thu hoạch xong đóng bao bán ngay hay phơi khô đựng vào bao chứa trong nhà hoặc gửi đại lý bảo quản ở nhiệt độ tự nhiên chờ giá cao bán...
Ở công đoạn chế biến, mặc dù trong thời gian qua cũng đã được một số doanh nghiệp đầu tư dây chuyền sản xuất tiên tiến, nhưng hiệu quả vẫn chưa cao. Đơn cử như Công ty TNHH Công nghiệp thực phẩm Tất Thắng (Chư Jút) đã thu mua nguyên liệu trong và ngoài tỉnh để chế biến ra các sản phẩm như đậu phộng sấy giòn, khoai lang sấy, đậu nành sấy…
Những sản phẩm này không chỉ được tiêu thụ ở nội địa, mà còn được doanh nghiệp xuất khẩu ra thị trường các nước. Tuy nhiên, do sự ràng buộc trong quá trình mua bán giữa người dân và doanh nghiệp lâu nay vẫn chưa có nên sản phẩm sau thu hoạch và bảo quản không được thực hiện tốt, không đúng theo quy trình, dẫn tới chất lượng sản phẩm chưa cao…
Còn sản phẩm cà phê cùng vậy huyện Đắk Mil được biết đến là địa phương có mặt hàng nông sản cà phê chiếm diện tích lớn, sản lượng hàng năm tương đối cao nhưng việc chế biến sản phẩm này lại chiếm tỷ lệ rất thấp.
Hiện nay, toàn tỉnh cũng chỉ mới có một vài công ty đầu tư công nghệ chế biến cà phê bột nhưng công xuất chỉ khoảng 2-3 tấn/tháng như Công ty TNHH Hoàng Gia Phát, Công ty TNHH cà phê Đắk Tín… Ngoài số lượng được các doanh nghiệp thu mua, chế biến, số cà phê còn lại của địa phương vẫn phải xuất thô ở dạng nhân, không qua chế biến…
Thiết nghĩ, để tránh được vòng luẩn quẩn “được mùa mất giá - được giá mất mùa” thì việc ưu tiên cho đầu tư các thiết bị chế biến và bảo quản nông sản, xây dựng kho lưu trữ, dây chuyền đóng gói đang được xem là rất cần thiết.
Hy vọng rằng, ngoài những nỗ lực của người dân, trong thời gian tới, các cấp, ngành chức năng của tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ vào phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; đồng thời, có những chính sách phù hợp trong việc hỗ trợ áp dụng công nghệ sinh học, công nghệ bảo quản, chế biến những sản phẩm nông sản sau thu hoạch nhằm tiến tới phát triển một nền nông nghiệp ngày càng bền vững...
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ