Tin thủy sản Công nghệ nuôi tôm trong giá rét miền Bắc

Công nghệ nuôi tôm trong giá rét miền Bắc

Tác giả Nguyễn Nam, ngày đăng 01/07/2017

Công nghệ nuôi tôm trong giá rét miền Bắc

Thay vì phải “né” mưa bão và cái rét đặc trưng của miền Bắc khoảng 6 tháng mỗi năm, các hộ nuôi tôm trong nhà kính ứng dụng công nghệ cao có thể nuôi quanh năm, tránh được tình trạng được mùa mất giá và thu lợi nhuận cao gấp 4-5 lần cách nuôi truyền thống.

Đây là mô hình liên kết giữa Công ty Phương Nam và các hộ dân Thái Thụy, Thái Bình - được triển khai từ năm 2012.

Tăng gấp đôi số vụ nuôi

“Trước đây, việc nuôi thủy sản ở miền Bắc chủ yếu là quảng canh hoặc bán thâm canh, phụ thuộc rất nhiều vào tự nhiên nên năng suất không đảm bảo. Vụ nuôi chính thường chỉ diễn ra trong khoảng 6 tháng, từ cuối tháng 3 đến tháng 9 (thời gian còn lại là mùa mưa bão khắc nghiệt hoặc lạnh giá). Hiện nay, với mô hình nuôi tôm công nghệ cao, gia đình tôi đã có thể nuôi quanh năm, nâng từ 2 vụ lên 3 vụ mỗi năm” - ông Phạm Văn Chính - người có gần 30 năm kinh nghiệm trong nghề nuôi trồng thủy sản tại xã Thụy Hà - phấn khởi cho biết.

Ông Bùi Đình Goóc - một người nuôi tôm ở xã Thái Thượng - phân tích: “Việc nâng số vụ nuôi tôm từ 2 lên 3-4 vụ mỗi năm mang lại hiệu quả kinh tế cao không đơn thuần nhờ việc tăng hệ số quay vòng ao nuôi, rút ngắn thời gian khấu hao ao nuôi. Điều quan trọng là 2 vụ nuôi tăng thêm đó thực chất là trái vụ nên tránh được tình trạng được mùa mất giá trong sản xuất”.

Ông Goóc nêu ví dụ: Giá 1kg tôm vụ hè chỉ 150.000 đồng nhưng vụ đông có thể đến 250.000 đồng, trong khi chi phí nuôi gần như nhau. Vào dịp cuối năm có nhiều lễ, hội, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán, trong điều kiện thời tiết đông giá, các tỉnh phía bắc không thể nuôi tôm theo phương thức cổ truyền, giá tôm có thể cao gấp đôi. “Có thể nói, lợi nhuận thu về cao gấp 4-5 lần so với trước đây” - ông Goóc khẳng định.

Mô hình nuôi tôm trong nhà kính của gia đình ông Phạm Văn Chính, xã Thụy Hà, Thái Thụy, Thái Bình. Ảnh: Minh Huệ

Ông Trần Nhuệ - Sở Khoa học và Công nghệ Thái Bình - cho biết: “Việc thực hiện dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng trong nhà kính theo hướng ứng dụng công nghệ cao tại Thái Bình” của doanh nghiệp Phương Nam đã giúp tăng gấp đôi số vụ nuôi so với phương thức cổ truyền, năng suất cũng tăng gấp đôi từ khoảng 1kg/m2 lên 2kg/m2”.

Ngoài ra ông Nhuệ cũng cho biết, với công nghệ nhà kính, người nuôi chủ động việc kiểm soát nhiệt độ, môi trường, hạn chế đến mức thấp nhất các tác động bất lợi nên giảm thiểu được dịch bênh, rủi ro của môi trường tự nhiên, tạo điều kiện nuôi thâm canh và thâm canh cao, chủ động được thời điểm thu hoạch.

Thách thức về vốn đầu tư

Để có thể thu lãi khoảng 1,4 tỷ đồng mỗi năm trên 2 ao nuôi tôm khoảng 1,3ha, ông Goóc đã đầu tư ban đầu hơn 4 tỷ đồng. Còn gia đình ông Phạm Văn Chính có 5 ao nuôi với tổng diện tích 4,5ha, tiền đầu tư cho mỗi vụ nuôi đã lên đến 2 tỷ đồng, bao gồm chi phí về con giống, thức ăn, hệ thống máy vận hành...

Ông Đỗ Quang Bốn - Giám đốc Công ty Phương Nam - thừa nhận: “Một trở ngại lớn của phương thức nuôi trồng này là đầu tư ban đầu cao (8-9 tỷ đồng/ha). Để canh tác độc lập, hộ nuôi phải có kiến thức trong việc ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới về thiết kế, xây dựng ao nuôi và công tác vận hành, quản lý kỹ thuật nuôi trồng nhà kính”.

Hộ nuôi cần chuẩn bị: Ao nuôi hình chữ nhật có diện tích đáy 2.000m2, đáy đổ bêtông hình lòng chảo, tâm đáy có hố ga để xả cặn hằng ngày. Mái ao lợp kín bằng lớp plastic đảm bảo che mưa và giữ nhiệt, phía trên có lớp màn che nắng cơ động để điều chỉnh ánh sáng; xung quanh là hệ thống cửa sổ thông gió và điều chỉnh nhiệt độ. Mái trong nhà kính có hệ thống đèn chiếu sáng vào những ngày tối trời để cho tảo trong nhà nuôi phát triển. Đặt biệt là phải có hệ thống máy cho tôm ăn hoạt động tự động, chế độ ăn được lập trình theo từng giai đoạn phát triển của tôm. Nước cấp cho ao nuôi tôm nhà kính được lấy từ ao cấp nước có diện tích 1.000m2.

Mặc dù có trở ngại lớn về vốn, ông Trần Nhuệ cho biết, sự thành công và hiệu quả kinh tế của mô hình nuôi tôm công nghệ cao này đã khiến nhiều chủ đầm ở Hải Phòng, Quảng Ninh và một số địa phương ven biển khác tìm về Thái Bình nghiên cứu, học tập và tiếp thu công nghệ.

Theo ông Bốn, thời gian tới, Công ty Phương Nam sẽ tiếp tục phát triển công nghệ nuôi siêu thâm canh kết hợp áp dụng tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa cho xuất khẩu, đồng thời tiếp tục ứng dụng công nghệ nhà kính với một số đối tượng nuôi khác.


Sản xuất, tiêu thụ cá tra giống: Còn nhiều âu lo Sản xuất, tiêu thụ cá tra giống: Còn… Nuôi thủy sản khép kín trên bãi bồi Nuôi thủy sản khép kín trên bãi bồi