Mô hình kinh tế Công nghệ tưới mới cho vùng cam Cao Phong

Công nghệ tưới mới cho vùng cam Cao Phong

Ngày đăng 23/10/2015

Công nghệ tưới mới cho vùng cam Cao Phong

Trước thực trạng khan hiếm nước tưới cho vùng cam Cao Phong (Hòa Bình), đặc biệt là những ngày nắng hạn, công nghệ tưới nhỏ giọt sẽ là một trong những cứu cánh quan trọng để phát triển vùng cam nổi tiếng khắp cả nước này.

Vùng cam hồi sinh

Từng làm việc tại nông trường cam Cao Phong một thời gian dài, ông Vũ Đình Việt, nguyên Phó chủ tịch UBND huyện Cao Phong, chia sẻ: Cách đây 60 năm, cây cam đã thống trị vùng đất Cao Phong.

Không chỉ người Việt tấm tắc, mà dân Liên Xô cũ cũng xuýt xoa.

Năm 1976, cả huyện gom được 3.000 tấn cam (chủ yếu do nông trường Cao Phong trồng) thì nước ngoài đã nhập một nửa.

Một thời huy hoàng thế, nhưng cam là “cây nhà giàu”, thiếu đạm ít hoa, thiếu canxi nứt quả, thiếu kali vỏ dày, múi kẹ…

Có năm, một trận mưa lớn đã phá tan tuông những vườn cam trĩu quả sắp cho thu hoạch chỉ vì người trồng không bón phân cân đối dưỡng chất.

Cơ chế quan liêu bao cấp, thị trường dần bị thu hẹp, giá cả bấp bênh đã từng bước “đẽo gọt” diện tích và sản lượng cam Cao Phong.

Song song với đó, việc thờ ơ đầu tư bảo dưỡng, tu bổ và phát triển hệ thống thủy lợi đã khiến những tuyến kênh dẫn nước của vùng Cao Phong bị băm nát.

Nước không đủ tưới, vào những ngày nắng hạn, cây khô héo như tàu lá chuối, nhẹ thì giảm năng suất, chất lượng.

Nặng thì chết vì khát.

Từ đó, diện tích cam giảm đi đáng kể.

Hơn 2 thập kỷ trở lại đây, đi kèm với những tiến bộ về giống, đầu tư thủy lợi, nhu cầu thị trường lớn, công tác tập huấn khuyến nông được đẩy mạnh… vùng cam Cao Phong hồi sinh và phát triển mạnh.

Đến năm 2014, diện tích cam, quýt đã lên tới 1.200 ha, trong đó trồng mới gần 200 ha, sản lượng dự kiến đạt 17.000 tấn.

Vườn cam đã trở thành “cây ATM” của nhiều hộ trên địa bàn.

Thống kê cho thấy, bình quân 1 ha cam thu gần 600 triệu đồng, trừ chi phí nông dân lãi ròng khoảng 400 triệu.

Riêng năm 2013, toàn huyện có trên 160 hộ thu nhập từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng.

Diện tích cam đang ngày càng tăng lên với tốc độ trung bình 10 – 15%/năm.

Tuy nhiên, việc phát triển vùng cam Cao Phong vẫn chưa thực sự bền vững.

Theo Trung tâm Thủy lợi miền núi phía Bắc thuộc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, do điều kiện địa hình, địa chất của khu vực Cao Phong nằm trên độ cao khoảng 339 m, với địa hình là các quả đồi bát úp chia cắt mạnh.

Độ dốc địa hình trung bình 10 – 15o.

Điều kiện địa chất chủ yếu là tầng đất đỏ bazan nằm trên nền đá vôi.

Vì thế, khả năng giữ nước của đất kém, trữ lượng nguồn nước ngầm tại đây rất thấp, phân bổ ở tầng sâu khó khai thác.

Bên cạnh đó, hệ thống công trình thủy lợi chưa theo kịp với nhu cầu.

Nguồn nước tưới phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nước của hồ Đắc Tra và một số khe suối tự nhiên trong khu vực.

Nhu cầu nước tưới cho cam đã vượt quá năng lực của hồ Đắc Tra.

Nhiều năm chỉ vào giữa mùa khô trữ lượng nước trong hồ hoàn toàn cạn kiệt.

Hệ thống thủy lợi mặt ruộng thì chưa đồng bộ, hầu hết do người dân đầu tư hệ thống máy bơm lấy nguồn cách vườn 1 - 2 km với chi phí rất cao.

Tưới nhỏ giọt, bước chuyển nhảy vọt

Giải pháp tưới cam đang được áp dụng phổ biến là tưới nước dí vào gốc và một số diện tích tưới phun mưa kết hợp áp lực cao.

Hai giải pháp tưới này không chỉ gây lãng phí nước mà còn tốn nhân công tưới, khả năng chủ động cấp nước cho cây thấp, gây rửa trôi xói mòn và thất thoát phân bón ra môi trường ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng cam.

Từ thực tiễn đó, năm 2005, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã nghiên cứu áp dụng tại Cao Phong giải pháp kết hợp giữa công nghệ tưới nhỏ giọt giúp giảm lượng nước cần tưới cho cam và công nghệ thu trữ nước mưa tại các vườn, từ đó giảm được 50 – 60% lượng nước cần thiết phải khai thác từ nguồn thủy lợi hoặc nước mặt tự nhiên.

Nguyên lý cơ bản của công nghệ là sử dụng lợi thế về địa hình của khu vực đất đồi dốc, sử dụng công nghệ xi măng vỏ mỏng xây dựng các bể thu trữ nước mưa.

Với giải pháp này, người trồng cam có thể tạo nguồn nước chủ động tại vườn, phù hợp với mọi quy mô canh tác (vài chục m2 đến hàng trăm ngàn ha), quy mô của bể có thể xây dựng từ vài chục đến hàng trăm ngàn m3 nước tùy thuộc vào quy mô canh tác.

Bên cạnh đó còn dễ thi công, có thể sử dụng các đội thợ tại địa phương.

Nghiên cứu cho thấy, nhờ hệ thống rãnh thu nước bố trí theo đường đồng mức sẽ giúp giảm 30 – 50% khả năng xói mòn, rửa trôi đất khi có mưa lớn.

Trong khi đó, giá thành chỉ rẻ bằng 18 – 25% giá bể truyền thống.

Tại Việt Nam, công nghệ tưới nhỏ giọt cũng đã được áp dụng thành công đối với nhiều loại cây trồng trên cả nước.

Vừa tưới cây, vừa bón phân

Hiện nay, một hệ thống đường ống dẫn nước từ trạm bơm ở các hồ chứa tại Cao Phong thường xuyên phải phục vụ cho rất nhiều hộ khác nhau.

Vào ban ngày, hộ nào cũng tranh thủ tưới nên phải xếp hàng chờ.

Tuy nhiên với hệ thống tưới nhỏ giọt, chỉ cần vặn mở van, nhà vườn có thể tưới bất kỳ lúc nào, kể cả ngày hay đêm...

Nguyên lý cơ bản của công nghệ là thông qua hệ thống điều khiển trung tâm và cả vòi tưới có điều áp nước được đưa vào từng gốc cây với cùng 1 lưu lượng.

Người sử dụng có thể hoàn toàn chủ động lượng nước tưới cho cây cam từ vài lít/gốc đến hàng nghìn lít/gốc trong một lần tưới.

Đồng thời thông qua hệ thống tưới có thể bón phân và thuốc phòng trừ sâu bệnh.

Thu Phong là một trong những khu vực khan hiếm nước nhất của thị trấn Cao Phong.

Trước đây, những gia đình trồng cam như ông Đinh Trọng Toàn không dám mở rộng diện tích bởi không lo đủ nước tưới.

Từ năm 2007, khi được Viện Khoa học Thủy lợi chuyển giao thử nghiệm 10 công trình thu trữ nước tại khu vực Thu Phong, ông Toàn mừng lắm.

Ông cho biết: Quy mô ban đầu của công trình chỉ có dung tích 50 m3, sau quá trình sử dụng, thấy được hiệu quả của công nghệ, năm 2012 tôi đã đầu tư thêm 90 triệu đồng xây dựng hệ thống trữ nước với quy mô lớn gấp 10 lần để mở rộng diện tích trồng cam.

Hiện nay, nguồn nước của hệ thống này đã đảm bảo tưới ổn định cho 4,5 ha cam của gia đình.

Theo ông Nguyễn Văn Bình, một trong những hộ dân đang sở hữu vườn cam rộng nhất thị trấn Cao Phong, sau khi đầu tư xây dựng công nghệ tưới nhỏ giọt cho cây cam, ông đã chủ động kiểm soát được độ ẩm và chủ động thời điểm tưới cho cây cam.

Tiết kiệm được 80% công tưới so với tưới dí gốc.

Tiết kiệm được công bón và 50% lượng phân vô cơ cần bón cho cây cam.

Dẫn chúng tôi ra thăm vườn cam áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt do Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam chuyển giao công nghệ, anh Lý Đình Hưng (đội 7, nông trường Cao Phong) đánh giá, điều dễ nhận thấy nhất giữa vườn cam của anh với các vườn tưới tràn sau 1 năm áp dụng tưới nhỏ giọt là cam phát triển đều, mọc chồi khỏe, ít sâu bệnh và ít bị sốc hơn do thường xuyên được giữ ẩm.

Tưới nhỏ giọt không chỉ tiết kiệm 50% lượng nước, mà còn giảm chi phí nhân công, giúp chủ động tưới.

Theo anh Hưng, cam cần rất nhiều nước tưới.

Đối với cam trưởng thành đã cho thu hoạch, thời gian tưới vào mùa khô phải kéo dài liên tục từ tháng 1 đến tháng 4 dương lịch, cam non chưa cho thu hoạch thường phải tưới dài hơn, từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau...


Bón NPK-SM1 Lâm Thao cho cây chè Bón NPK-SM1 Lâm Thao cho cây chè Cải tạo chất lượng đàn bò địa phương giải pháp giảm lượng thịt bò nhập khẩu Cải tạo chất lượng đàn bò địa phương…