Mô hình kinh tế Cử Nhân Về Quê… Nuôi Ếch

Cử Nhân Về Quê… Nuôi Ếch

Ngày đăng 14/07/2014

Cử Nhân Về Quê… Nuôi Ếch

Tốt nghiệp Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, năm 2008 anh Nguyễn Xuân Duy, xã Đức Thắng (huyện Tiên Lữ, Hưng Yên) về công tác ở Sở Thông tin – Truyền thông. Sau một thời gian làm ở cơ quan Nhà nước, “bỗng dưng” anh Duy xin nghỉ việc để về quê làm một anh nông dân “chân lấm, tay bùn”.

Quyết định ấy của Duy đã gây xôn xao một làng quê nghèo, ai cũng cho Duy là người không bình thường. Thế nhưng, với sự cần cù, chịu khó, đến nay anh đã thành công với mô hình nuôi ếch sinh sản, là tấm gương để nhiều người học tập.

Men theo con đường nhỏ phía cuối làng, chúng tôi tìm đến trang trại nuôi ếch của anh Nguyễn Xuân Duy. Tiếp chúng tôi là một thanh niên chừng 30 tuổi, dáng người mảnh khảnh, cách nói chuyện và ứng xử của anh rất hoạt bát nhanh nhẹn. Bên tách trà nóng, chuyện đời, chuyện nghề dần dần được Duy hé mở.

Sinh ra và lớn lên ở một miền quê nghèo, chứng kiến sự vất vả mưu sinh của cha mẹ và những người xung quanh nên ngay từ nhỏ, Duy cũng như bao bạn bè cùng trang lứa luôn chọn học vấn là con đường duy nhất để thoát nghèo. Lòng ham học, tinh thần cầu tiến của cậu học trò nghèo Nguyễn Xuân Duy khiến nhiều người trong làng An Lạc nể phục. Sau bao năm miệt mài đèn sách, năm 2002, Duy thi đỗ vào Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn.

Tốt nghiệp Đại học, anh may mắn được nhận vào làm ở Sở Văn hóa thông tin (cũ) và Sở Thông tin – Truyền thông. Hàng ngày, cứ đều đặn, anh cùng người bạn chiến hữu là “chú ngựa sắt” (Duy ví chiếc xe máy cũ của mình) vượt 15 km để đến chỗ làm. Nhà xa, anh phải nghỉ trưa tại cơ quan. Duy tâm sự: “Sau khi ăn trưa cùng anh em đồng nghiệp, tôi lại về phòng làm việc và lướt web để đọc thông tin.

Thời gian ấy, tôi tìm hiểu được nhiều mô hình nuôi con đặc sản cho giá trị kinh tế cao như: mô hình nuôi ba ba (Ninh Bình), sản xuất cá vược (huyện Tiền Hải, Thái Bình), nhưng tôi ấn tượng nhất là mô hình nuôi ếch thương phẩm ở Long An. Lúc đó, trong đầu tôi nảy ra ý định, nếu có cơ hội, tôi sẽ học tập và làm theo mô hình nuôi ếch đó”.

Nghĩ là làm, tranh thủ những ngày được nghỉ, anh vác balô đi khắp các trang trại nuôi ếch để học tập kinh nghiệm. Qua tìm hiểu, thấy việc nuôi ếch thương phẩm chi phí đầu vào thấp, ếch lại là con đặc sản nhiều người ưa chuộng, anh Duy đã mạnh dạn vay bố mẹ vợ 10 triệu đồng để làm vốn nuôi ếch. Có 10 triệu đồng trong tay, Duy mua 3.000 con ếch giống về thả.

Năm đó, ếch lớn rất nhanh, nhìn những chú ếch ngày một lớn lên trông thấy, Duy đã khấp khởi mừng thầm, nếu “đầu xuôi đuôi lọt” thì lứa ếch này anh cũng để ra được số vốn kha khá. Thật không may cho anh, năm đó, thị trường đầu ra cho con ếch bị bế tắc. Gia đình phải mang ra chợ bán với giá từ 18 – 20 nghìn đồng/kg, trừ chi phí còn lỗ 6 triệu đồng.

Tuy vậy, Duy không bỏ cuộc. Anh tiếp tục vay tiền mua 1 vạn cá rô đồng, nhưng khi thu hoạch chỉ được 3 tạ, vậy là hòa vốn. Duy nghĩ, bây giờ chỉ còn cách quay về với con ếch thì mới mong có lãi. Nhưng, không phải nuôi ếch thương phẩm mà phải làm ếch giống, bởi nó ít chịu ảnh hưởng của giá cả thị trường.

Anh mua 10 cặp ếch bố mẹ của một hộ dân xã bên với giá 500 nghìn đồng/cặp về thả trong lồng lưới. Năm đầu tiên ếch không đẻ. Nghĩ mình lại thất bại thêm lần nữa nên Duy có hướng chuyển sang con giống khác. Anh tâm sự : “Cuối năm 2009, khi vợ tôi nhận được 5 triệu đồng chế độ bảo hiểm thai sản.

Tôi bàn với cô ấy xây một cái bể to để nuôi cá chuối, ba ba với diện tích 40m2, nhưng chưa có giống nên tôi nuôi tạm ếch bố mẹ trong ấy. Kỳ lạ là nó đẻ trứng dày đặc, nở được 120 vạn nòng nọc”. Lứa ếch giống đầu tiên, bán có lãi, Duy nghĩ mình đã đi đúng hướng.

Tưởng sự thành công nằm trong tay, năm 2010, anh xin nghỉ việc ở Sở Thông tin – Truyền thông và vay vốn đầu tư mua thêm 100 cặp ếch bố mẹ về nuôi. Do thiếu kinh nghiệm giữ ếch qua đông nên số ếch giống chết gần hết, lần này anh lỗ hàng trăm triệu đồng.

Nợ chồng nợ nhưng anh Duy không nản mà tiếp tục vay tiền để mua ếch bố mẹ. Anh đi khắp các trang trại nuôi ếch sinh sản ở Bắc – Trung – Nam để tìm hiểu kinh nghiệm giữ ếch qua đông, sau một thời gian học hỏi kinh nghiệm của các trang trại, cuối cùng anh đã tìm ra cách riêng của mình.

Cuối thu, đầu đông khi trời se lạnh, ếch lười ăn, anh Duy bắt đầu đào hầm trú đông cho ếch bố mẹ. Nhờ vậy, mà số ếch bố mẹ của gia đình anh được bảo toàn, đến đầu mùa hạ, sinh sản rất tốt. Anh cho biết : “Mỗi năm ếch mẹ đẻ 3 lần. Khi ếch đạt 1 tuổi thì mỗi lần chỉ đẻ được khoảng 1.000 trứng. Còn khi đạt độ già 2 - 3 năm tuổi có thể thu được 3.000 trứng/lần đẻ”.

Qua 3 năm phát triển, số lượng ếch bố mẹ của trang trại Duy đã lên tới 300 cặp, mỗi năm cung ứng ổn định cho thị trường khoảng 30 vạn giống, thu về khoảng trên 500 triệu đồng. Hiện tại, ếch giống của Duy được phân phối khắp các tỉnh thành miền Bắc như: Nam Định, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Sơn La, Bắc Kạn, Lào Cai…

Không chỉ làm giàu cho gia đình mình, anh Duy còn sẵn sàng chia sẻ kỹ thuật nuôi, nhận cung cấp ếch giống và bao tiêu sản phẩm cho nhiều hộ chăn nuôi trong và ngoài tỉnh. Định hướng được những khó khăn của bà con nông dân, Duy đã hướng dẫn người dân về kỹ thuật chăn nuôi, cũng như tiêu thụ sản phẩm.


An Hiệp (Ba Tri, Bến Tre) Xử Lý Các Hộ Dân Nuôi Tôm Biển Trong Vùng Ngọt Hóa An Hiệp (Ba Tri, Bến Tre) Xử Lý… Giá Cá Nuôi Bán Tại Chợ Cao, Nhưng Người Nuôi Lời Ít Giá Cá Nuôi Bán Tại Chợ Cao, Nhưng…