Tin nông nghiệp Cùng Lâm Thao chăm sóc bưởi giai đoạn nuôi quả

Cùng Lâm Thao chăm sóc bưởi giai đoạn nuôi quả

Tác giả Thuần Đào, ngày đăng 13/05/2017

Cùng Lâm Thao chăm sóc bưởi giai đoạn nuôi quả

Diễn đàn "Hỏi biết trên đồng" với chủ đề “Chăm sóc bưởi giai đoại nuôi quả” do Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao vừa tổ chức tại đình Túy Trại, xã Chi Đám, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ.

Các chuyên gia giải đáp tại hiện trường

Diễn đàn đã làm mát lòng hơn 500 bà con với những câu hỏi và giải đáp rất sát thực.

Huyện Đoan Hùng nằm trên ngã ba của sông Lô và sông Chảy. Nói đến Đoan Hùng, người ta thường nghĩ đến những rừng cọ, đồi chè xanh ngút ngàn và một loại trái cây rất đặc biệt: Bưởi Đoan Hùng – một đặc sản tiến vua từ thời xa xưa. Nhờ có vị trí đặc biệt đã giúp giống bưởi Đoan Hùng có hương vị riêng, vỏ bưởi mỏng, tép mọng, vị ngọt thanh hoặc chua mát. Hiện diện tích trồng bưởi ở Đoan Hùng đang dần được phục hồi để biến thứ quả này thành hàng hóa, từng bước giúp người dân địa phương thoát nghèo.

Trong vụ bưởi năm nay, thời tiết khắc nghiệt đã khiến cho các vùng bưởi khác bị mất mùa trầm trọng, riêng bưởi Đoan Hùng vẫn đậu trái, bà con đang tích cực chăm sóc chờ ngày thu hoạch nhờ phương pháp thụ phấn bổ sung vừa được Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây có múi (Viện Nghiên cứu rau quả) chuyển giao cho bà con.

Hiện cây bưởi đang ra trái non, việc quan trọng của bà con trong thời gian này là chăm sóc cho cây phát triển tốt, không bị rụng trái non hàng loạt, trong đó có một nội dung rất quan trọng là tưới nước và bón phân.

Tới dự diễn đàn "Hỏi biết trên đồng" có các lãnh đạo huyện, đại diện lãnh đạo xã, tổ trưởng Tổ Khuyến nông của 28 xã, thị trấn trong huyện cùng hơn 500 bà con của xã Chi Đám và đại diện một số xã, huyện, tỉnh lân cận.

Các chuyên gia tham gia trả lời trực tiếp trong chương trình gồm TS Ngô Vĩnh Viễn, nguyên Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật, TS Cao Văn Chí, PGĐ Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây có múi và KS Phạm Đức Thành, Phó trưởng Phòng Kinh doanh Cty CP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao.

Suốt gần 2h đồng hồ, có hơn 20 câu hỏi của bà con đã được các chuyên gia trả lời, có hỏi trực tiếp và hỏi thông qua tổng đài 19006145. Các câu hỏi đều chủ yếu xoay quanh quy trình chăm sóc bưởi giai đoạn nuôi quả bao gồm: Cắt tỉa, tạo tán; tưới nước; bón phân và phòng trừ sâu bệnh. Dưới đây là các câu hỏi và câu trả lời được bà con đặc biệt quan tâm.

Cách tỉa cho cây bưởi sau thu hoạch như thế nào là đúng?

TS Cao Văn Chí trả lời: Quan trọng nhất sau thu hoạch bưởi là bà con phải cắt tỉa bớt cành để làm thoáng cây, tạo tán đón ánh nắng, tăng khả năng quang hợp cho cây. Bà con lưu ý sử dụng dao kéo cắt tỉa chuyên dụng, cắt theo hình chữ Y (khai tâm) để ánh nắng lọt được vào sâu bên trong tán. Độ cao thích hợp của tán cao nhất từ 3 – 3,5m so với mặt đất. Cắt bỏ cành khô, kém dinh dưỡng.

Nên tưới nước vào thời điểm nào là phù hợp?

TS Cao Văn Chí: Cây bưởi thuộc giống cây có múi, đặc tính của giống này vừa cần nước nhưng cũng rất sợ nước. Cần nước ở giai đoạn ra hoa đậu quả vào mùa khô từ Tết âm lịch cho đến mùa mưa. Sợ nước giai đoạn ra lộc đông vào mùa mưa và mùa đông.

Trên cùng một cây nhưng có cành nhìn cằn cỗi hơn các cành khác và cây bị nấm tấn công chết khô thì nên xử lý thế nào?

TS Cao Văn Chí: Cây có múi cần từ 13 – 15 dưỡng chất để quả đạt năng suất và chất lượng cao nhất. Cành nhìn cằn cỗi hơn bản chất do thiếu chất dinh dưỡng. Việc cây thiếu chất dinh dưỡng có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân:

Thứ nhất, do chưa tạo tán cho cây;

Thứ hai, bón không đủ lượng dinh dưỡng hoặc bón đủ nhưng vì nguyên nhân nào đó khiến rễ cây không hút được dinh dưỡng (do quá trình chăm sóc làm tổn thương rễ tơ khiến vỏ dưới gốc bị hỏng dần dần hoặc do nấm tấn công khiến dinh dưỡng không lưu thông được);

Thứ ba, tưới nước không đúng thời điểm hoặc thừa hoặc thiếu.

Biện pháp: Phải bảo vệ rễ tơ, vào mùa mưa: Phun phòng trừ sâu bệnh và quét vôi dưới gốc cây (hoặc trộn vôi với phân chuồng bón lót phục hồi) do vôi cải tạo lý tính đất rất tốt nhưng lưu ý không được bón quá nhiều, tỷ lệ hòa nước 1kg vôi/20 lít nước. Những cành nào kém dinh dưỡng quá thì cắt bỏ, nếu bị cả cây do nấm thì phải tiến hành cải tạo đất bằng cách trồng cây ngắn ngày (đậu, lạc) trong 2 năm kèm cải tạo đất sau đó mới tiến hành trồng mới.

Tôm bưởi bị khô, vì sao?

TS Cao Văn Chí: Bản chất là do quả bưởi thiếu dinh dưỡng, cần bổ sung dinh dưỡng theo đúng khuyến cáo.

Tưới nước bằng biogas có được không?

TS Cao Văn Chí: Cây cần nước chứ không cần biogas. Ở các vùng nông thôn có chăn nuôi thì biogas rất nhiều. Trong biogas có hàm lượng đạm cao nhưng lượng vi khuẩn rất lớn. Nếu muốn sử dụng biogas, bà con phải bổ sung thêm nấm đối kháng để tiêu diệt các vi khuẩn có hại, đồng thời hòa biogas vào nước theo tỷ lệ 1:10 và đặc biệt chỉ được tưới vào mùa đông với lượng ít.

Sử dụng đậu tương làm phân hữu cơ?

TS Ngô Vĩnh Viễn trả lời: Đậu tương được trồng rất nhiều trong vụ đông, bà con hoàn toàn có thể sử dụng phần thừa sau thu hoạch đậu tương làm phân hữu cơ. Cách 1, bà con tủ trực tiếp vào gốc cây bưởi. Cách 2, bà con làm phân xanh nhưng đặc biệt lưu ý phải bổ sung thêm nấm đối kháng tiêu diệt sâu bệnh.

Thụ phấn bằng cách cho phấn của cây bưởi chua vào bình nước rồi xịt trực tiếp lên cây bưởi có được không?

TS Cao Văn Chí: Không khuyến cáo làm theo cách này, vì phấn hoa sẽ bị bết lại, hiệu quả thụ phấn không cao. Bà con nên cho vào súng bắn vì lực tạo ra phù hợp để phấn chui được vào đầu nhụy. Thời gian thụ phấn bổ sung thích hợp từ 9 – 10h sáng. Bà con cũng cần tuyệt đối tuân thủ theo quy trình chăm sóc như hướng dẫn trên vì nếu thiếu dinh dưỡng, quả bưởi con vẫn sẽ bị rụng.

Chúc bà con có một mùa bưởi bội thu!


Đường tồn kho cao nhất lịch sử ngành mía đường Đường tồn kho cao nhất lịch sử ngành… Cây tỷ đô rụng quả hàng loạt: Nông dân mất hàng trăm triệu đồng Cây tỷ đô rụng quả hàng loạt: Nông…