Mô hình kinh tế Cước phí làm khó trái cây xuất khẩu

Cước phí làm khó trái cây xuất khẩu

Ngày đăng 29/10/2015

Cước phí làm khó trái cây xuất khẩu

DN than khó

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), kim ngạch XK mặt hàng rau củ, trái cây tươi và chế biến sẵn có mức tăng trưởng khá tốt trong những năm gần đây.

Kim ngạch XK năm 2014 đạt 1,5 tỷ USD.

Vinafruit dự báo trong năm 2015 kim ngạch sẽ đạt trên 1,6 tỷ USD.

Đích ngắm kim ngạch XK 2 tỷ USD sẽ không còn xa đối với ngành này.

Mặc dù thị trường XK trái cây của Việt Nam đã được mở rộng, kể cả những thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn kỹ thuật cao như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc… nhưng trái cây Việt Nam đang phải chịu sự cạnh tranh lớn từ các nước khác trong khu vực, trong đó đặc biệt là Thái Lan.

Sự cạnh tranh này, bên cạnh những thiệt hơn về chất lượng thì giá thành cũng là một tác động chủ yếu.

Nói về vấn đề này, ông Vũ Huy Hòa, Giám đốc DN tư nhân rau quả Bình Thuận cho biết, việc XK trái cây Việt Nam hiện đã có nhiều thuận lợi hơn nhờ những cải cách và hỗ trợ về mặt thủ tục, chính sách nhưng mặt hàng này đang phải gánh khá nhiều chi phí trong quá trình XK khiến giá thành đội lên hơn so với trái cây từ nước khác.

Đơn cử như cước phí vận chuyển, nếu như cước vận chuyển bằng đường hàng không của Thái Lan vào khoảng 3 USD/kg thì Việt Nam lại lên tới 5 USD/kg.

Đây là nguyên nhân chính khiến trái cây Việt Nam và Thái Lan có chất lượng tương đương, thậm chí Việt Nam có những loại ngon hơn nhưng lại chênh nhau về giá theo hướng có lợi cho nước bạn.

Cùng với cước phí vận chuyển là phí kiểm dịch, chi phí xử lý trái cây trước XK, theo ông Hồ Văn Quang, Giám đốc Công ty TNHH Rau quả nhiệt đới, chi phí này cũng đang cao hơn so với mặt bằng chung, gây ảnh hưởng đến giá thành XK trái cây.

Nguyên nhân do khu vực miền Nam hiện giờ chỉ có một nhà máy chiếu xạ hoạt động, nên không những gây ùn ứ hàng vào thời gian cao điểm mà giá thành cũng cao hơn.

Chia sẻ với phóng viên Báo Hải quan về thực trạng trên của các DN XK trái cây Việt Nam, ông Nguyễn Văn Kỳ, Tổng thư ký Vinafruit cho biết, các DN đang gặp phải khó khăn tứ bề, trong đó, ảnh hưởng chủ yếu từ cước phí vận chuyển.

Đặc thù của trái cây tươi XK là phải đi bằng đường hàng không nhưng với giá cước cao như hiện nay thì các DN không những mất sức cạnh tranh mà còn “ngại” XK.

Vấn đề này phía Hiệp hội đã nhiều lần kiến nghị với các hãng hàng không, nhưng đến nay vẫn chưa có những ưu đãi, hỗ trợ hợp lý hơn.

Thiếu sự liên kết

Tổng kim ngạch XK trái cây Việt Nam nhiều năm qua cho thấy, số lượng này vẫn còn quá ít so với các mặt hàng khác.

Chính vì thế, theo ông Nguyễn Văn Kỳ, nguyên nhân không giảm chi phí được các hãng hàng không đưa ra là trái cây Việt Nam XK còn quá ít nên không thể chuyên chở bằng một máy bay riêng với dịch vụ trọn gói mà phải đi chung với vận tải hành khách.

Cùng với đó, đại diện một DN chuyên làm dịch vụ vận chuyển, XK trái cây tươi tại TP.HCM cho rằng, để sản phẩm như trái cây tươi đủ điều kiện, tiêu chuẩn XK sang nước khác thì các công đoạn về vận chuyển, kiểm soát phải được thực hiện nghiêm ngặt theo đúng quy trình.

Tuy nhiên, có một thực tế là vùng trồng trái cây của Việt Nam như thanh long ở Bình Thuận, xoài ở Đồng Tháp, An Giang… lại đang cách khá xa so với trung tâm nên DN phải tốn nhiều chi phí về xe vận tải lạnh, bảo quản trong kho lạnh và hao hụt số lượng trái cây trước khi XK…

Cũng theo vị này, khi vận chuyển bằng đường hàng không, lượng hàng XK của Thái Lan có khi lên tới vài chục tấn/chuyến nên họ hoàn toàn có thể thuê riêng một chuyến bay để vận chuyển nên giá thành được rẻ hơn là lẽ đương nhiên.

Trong khi đó, vào nhiều thời điểm, lượng hàng XK của Việt Nam chỉ có khoảng 2-3 tấn, phải đi chung với máy bay chở khách, dịch vụ hậu cần phải thuê riêng nên DN phải chịu mức cước phí cao cũng là điều không tránh khỏi.

Do đó, các DN XK trái cây của Việt Nam nên có phương án liên kết lại với nhau, cùng tập hợp hàng hóa thành một lượng hàng lớn để có thể giảm những cước phí liên quan đến XNK.

Phương án liên doanh, liên kết cùng hợp tác trong hoạt động sản xuất, XK không chỉ riêng đối với mặt hàng trái cây mà nhiều sản phẩm khác cũng đã được các chuyên gia và DN nói đến tại nhiều cuộc hội thảo, hội nghị và ngay cả chính Hiệp hội ngành nghề cũng mong muốn, nhưng hiện chưa có cách nào giải quyết.

Việc thực thi vẫn còn vướng nhiều khó khăn khi một số DN cho rằng họ là DN nhỏ, lượng XK ít, mặt hàng mang tính thời vụ và khách hàng đã đặt sẵn nên không thể đi chung, một số lại lo ngại những cạnh tranh không lành mạnh về giá…

Chính từ những nguyên nhân chưa tìm ra cách giải quyết như trên, các DN XK trái cây của Việt Nam còn bị đứng vào thế yếu khi cạnh tranh với trái cây từ các nước khác trên thế giới, đặc biệt ngay cả các nước trong cùng khu vực ASEAN.


Vì sao gạo Việt lép vế trên thị trường quốc tế Vì sao gạo Việt lép vế trên thị… Các hãng sản xuất lốp xe vẫn trồng cao su dù đang dư thừa cung Các hãng sản xuất lốp xe vẫn trồng…