Mô hình kinh tế Đa Dạng Đối Tượng Nuôi Hướng Làm Giàu Cho Người Nuôi Trồng Thủy Sản Ở Xã Hoằng Yến

Đa Dạng Đối Tượng Nuôi Hướng Làm Giàu Cho Người Nuôi Trồng Thủy Sản Ở Xã Hoằng Yến

Ngày đăng 27/08/2014

Đa Dạng Đối Tượng Nuôi Hướng Làm Giàu Cho Người Nuôi Trồng Thủy Sản Ở Xã Hoằng Yến

Để khai thác thêm giá trị trên một héc-ta nuôi trồng thủy sản, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Hoằng Hóa và xã Hoằng Yến, các vụ nuôi tôm vừa qua, nhiều chủ đồng đã phá thế độc canh tôm sú bằng cách nuôi xen canh hoặc luân canh đa thời vụ các đối tượng như tôm rảo, cua, cá và đưa một số đối tượng mới vào thả nuôi.

So với nuôi chuyên tôm sú trên cùng diện tích, nuôi luân canh, xen canh các đối tượng thủy sản khác giá trị tăng cao hơn khoảng 30%.

Anh Nguyễn Văn Phước (chủ ao nuôi tôm he chân trắng tại xóm 2, xã Hoằng Yến) phấn khởi cho biết: Từ đầu năm 2013 gia đình anh nhận thầu của xã 1,5 ha và đầu tư vốn hơn 3 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng ao nuôi đồng bộ, hiện đại. Đối tượng nuôi là tôm he chân trắng, 2 - 3 vụ/năm.

Vụ 1 năm 2014 đã cho thu hoạch, năng suất tôm thương phẩm đạt 12 tấn/ha/vụ. Hiện nay, gia đình đã thả nuôi tôm he chân trắng vụ 2, tôm phát triển tốt và chuẩn bị cho thu hoạch. Theo kinh nghiệm của anh Phước: Nuôi tôm he chân trắng có nhiều cái lợi, đó là thời gian nuôi ngắn (khoảng 90 ngày)  có thể cho thu hoạch tôm thương phẩm.

So với tôm sú, tôm he chân trắng dễ nuôi do chịu được môi trường thay đổi, thích nghi với độ mặn, chịu được nhiệt độ thấp, tôm phàm ăn, cho năng suất cao. Do chi phí sản xuất thấp nên giá thành tôm he chân trắng thương phẩm thấp, có ưu thế cạnh tranh trên thị trường.

Để nuôi tôm he chân trắng thành công cần nguồn vốn lớn đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, chọn mua được con giống sạch bệnh, quản lý tốt môi trường nuôi để không xảy ra dịch bệnh và có cơ sở tiêu thụ sản phẩm ổn định.

Theo báo cáo của lãnh đạo UBND xã Hoằng Yến: Xã  có 195 ha nuôi trồng thủy sản, trong đó có 130 ha  ở vùng ngoại đê nuôi thủy sản nước lợ. 

Hiện nay, 100% diện tích đã được chủ đồng nuôi xen canh, luân canh đa thời vụ, nguồn thu nhập khá ổn định. Bình quân mỗi năm tổng sản lượng thủy sản các loại của  xã đạt hơn 50  tấn, tổng sản lượng rau câu từ 1.000 tấn đến 1.200 tấn/năm. Toàn xã có 72 hộ với  hơn 200 lao động tham gia nuôi trồng thủy sản.

Tổng thu nhập bình quân của các chủ đồng đạt 45-50 triệu đồng/ha/năm. Ngoài ra còn giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động thời vụ. Hàng năm nghề nuôi trồng thủy sản đã đóng góp khoảng 25% tổng thu ngân sách của địa phương.

Hàng chục hộ gia đình trong xã như anh Nguyễn Ngọc Nhất, Nguyễn Văn Khoa, Lê Trương Thi, Hồ Văn Tám... có kinh nghiệm, kỹ thuật và nguồn vốn đầu tư xây dựng hệ thống cống, cải tạo ao đầm đúng kỹ thuật, mua con giống bảo đảm chất lượng đã làm giàu từ nghề nuôi thủy sản.

Tuy nhiên, nguồn giống thủy sản có giá trị kinh tế cao không ổn định, giá cả thị trường biến động, chất lượng kiểm dịch giống chưa cao, môi trường nước ô nhiễm... đã ảnh hưởng đến hiệu quả nghề nuôi trồng thủy sản ở xã.

Xác định nuôi trồng thủy sản là mũi nhọn phát triển kinh tế ở địa phương, xã Hoằng  Yến đã và đang tiếp tục chỉ đạo  nuôi đa con, đa canh và đa thời vụ, trong đó tôm sú, cua là đối tượng chính, tôm rảo, cá các loại, rau câu... là đối tượng thu thường xuyên, nuôi cá rô phi cuối vụ ở một số ao đầm bảo đảm ăn chắc trong mùa mưa, bão.

Mở rộng diện tích nuôi bán thâm canh các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao như tôm he chân trắng, cá  diêu hồng, cá vược, cá mú, ca rô phi đơn tính. Sau khi rà soát diện tích nuôi thủy sản hiện có, xã đã quy hoạch chuyển gần 100 ha (hiện nay đang nuôi tôm sú quảng canh hiệu quả thấp)  sang nuôi tôm he chân trắng.

Đồng thời có cơ chế, chính sách khuyến khích các đơn vị, cá nhân có điều kiện đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ và kinh nghiệm nhận thầu ao đầm nuôi tôm he chân trắng.

Kết quả bước đầu xã đã đưa 8 ha vào nuôi tôm he chân trắng. Vừa qua, các hộ đã thu hoạch tôm he chân trắng vụ 1-2014, đạt năng suất bình quân 15 tấn/ha/vụ. Thực tế cho thấy nuôi tôm he chân trắng lãi cao hơn nhiều lần so với tôm sú.

Để tạo điều kiện cho người dân phát triển nghề nuôi trồng thủy sản bền vững và có hiệu quả, tạo thêm việc làm, nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích, xã Hoằng Yến đã phối hợp với các đơn vị liên quan tập huấn kỹ thuật cho người nuôi; xây dựng các mô hình trình diễn và chuyển giao khoa học - kỹ thuật nuôi các đối tượng thủy sản mới cho hộ nông dân; tăng cường quản lý, kiểm tra, kiểm soát chất lượng con giống trước khi cung cấp cho người nuôi.


Các Địa Phương Chủ Động Phòng Trừ Sâu Bệnh Cuối Vụ Mùa 2014 Các Địa Phương Chủ Động Phòng Trừ Sâu… Xây Dựng Và Phát Triển Thương Hiệu Tơ Hồng Đô Xây Dựng Và Phát Triển Thương Hiệu Tơ…