Tin nông nghiệp Đa dạng giống rau, đáp ứng linh hoạt nhu cầu thị trường

Đa dạng giống rau, đáp ứng linh hoạt nhu cầu thị trường

Tác giả Vũ Đình Thung, ngày đăng 05/11/2021

Đa dạng giống rau, đáp ứng linh hoạt nhu cầu thị trường

Bình Định đẩy mạnh việc đa dạng hóa, luân chuyển các chủng loại rau tại vựa rau lớn nhằm đáp ứng đa dạng nhu cầu, nhất là thị trường tiêu dùng sau dịch bệnh Covid-19.

Những vùng rau an toàn ở Bình Định đang đa dạng hóa cây trồng để đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, vừa tránh tình trạng cung vượt cầu khiến nông sản mất giá. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Để phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020 - 2025, Bình Định có kế hoạch duy trì, mở rộng và phát triển 8 vùng sản xuất rau an toàn (RAT) tập trung ở các huyện Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Ân, Thị xã An Nhơn và Thị xã Hoài Nhơn.

Các vùng RAT được đầu tư về kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất, đặc biệt là đưa vào trồng nhiều giống rau mới nhằm làm tăng hiệu quả kinh tế, gắn với xúc tiến thương mại để quảng bá và đưa RAT Bình Định nhãn hiệu Lá Lành vào hệ thống siêu thị trong và ngoài tỉnh.

Theo chương trình phát triển vùng RAT tập trung, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với các hợp tác xã (HTX), các nhóm hộ trên địa bàn tỉnh đã khảo nghiệm một số giống rau, đậu, dưa mới để đa dạng hóa giống rau phù hợp với việc trồng luân phiên, xen canh để cải tạo đất.

"Qua đó, nông dân cũng có thêm nhiều lựa chọn trong sản xuất, chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp, giảm tình trạng cung vượt cầu khiến nông sản mất giá”, ông Huỳnh Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Định chia sẻ.

Theo ông Phạm Long Thăng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phước Hiệp (huyện Tuy Phước, Bình Định), vùng RAT của HTX có diện tích 5,6 ha nằm trên địa bàn thôn Luật Chánh. Ngoài trồng những giống rau truyền thống, hiện bà con ở đây đang đưa vào trồng các giống rau mới như cải thìa, súp lơ vàng, dưa lê theo hướng dẫn của Trung tâm Khuyến nông Bình Định.

Ngay cả cây mướp hiện bà con ở đây cũng đã thay giống mướp bình thường bằng giống mướp hương được mua từ Công ty TNHH Thuận Nông (Thị xã An Nhơn) để đảm bảo giống chất lượng. Cây khổ qua bình thường được thay thế bằng giống khổ qua rừng để đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng và giống súp lơ vàng, 1 giống rau chưa trồng bao giờ. Riêng giống dưa lê, hiện đã cho thấy hiệu quả hơn gấp nhiều lần so với các loại rau khác...

Ông Trịnh Văn Cường ở thôn Lục Lễ (xã Phước Hiệp) cho biết, sau nỗi buồn thất thu vụ ớt đầu năm, ông Cường đã đã chuyển qua trồng thử nghiệm dưa lê theo hướng an toàn trên khoảnh đất rộng 4.500 m2. 

Theo ông Quách Văn Cầu, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thuận Nghĩa, Thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn, Bình Định), 224 hộ nông dân chuyên trồng rau ở vùng RAT Thuận Nghĩa được đi tham quan, học tập để lựa chọn những giống rau mới đưa vào trồng, nhằm đa dạng hóa cây trồng trên vùng rau.

“Những giống rau mới bà con đưa vào trồng như cải thìa, súp lơ vàng… sẽ chia sẻ thị trường với các giống rau truyền thống bà con trồng lâu nay, tránh tình trạng 1 - 2 loại rau được trồng nhiều quá dẫn tới tình trạng ứ hàng, nhất là giai đoạn khó khăn trong tiêu thụ do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Đáng mừng là các giống rau mới đang được thị trường ăn rất mạnh với giá cao, có bao nhiêu bán hết bao nhiêu nên bà con rất phấn khởi”, ông Cầu cho hay.

Ở vùng trồng RAT theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định), hiện bà con đang tập trung trồng các giống rau ôn đới như cải thảo, bắp sú, su hào, cà rốt... Trung tâm Khuyến nông Bình Định cũng vừa triển khai trồng khảo nghiệm các giống đậu xanh ĐX06, ĐX10, ĐX 21, ĐX 22 và ĐX 208 trên diện tích 1.000 m2 nhằm đánh giá mức độ thích hợp, khả năng phát triển và năng suất, nếu thuận lợi, ngành chức năng sẽ khuyến cáo để bà con trồng luân phiên với các vụ rau tại địa phương.

“Các giống rau mới mà nông dân vừa đưa vào trồng có chế độ chăm sóc đơn giản hơn các giống rau cũ. Ban đầu, nông dân cứ ngại giống mới đưa về trồng trên đất cũ cây rau sẽ “làm mình làm mẩy”, gây khó cho nông dân trong khâu chăm sóc, thế nhưng cây phát triển rất tốt.

Trước đây, bà con trồng 1 loại rau nhiều vụ liền trên 1 chân đất, nên hiệu quả mang lại không cao. Giờ theo hướng dẫn của ngành chức năng, nông dân trồng thay đổi giống rau từng vụ trên 1 chân đất nên hiệu quả mang lại cao hơn. Hiện cứ 500 m2 bà con thu hoạch trên 1 tấn rau/ vụ”, ông Quách Văn Cầu, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thuận Nghĩa (huyện Tây Sơn, Bình Định) chia sẻ.


Hệ thống giám sát thức ăn tự động trong silo Hệ thống giám sát thức ăn tự động… Nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón trên cây ăn trái Nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón…