Mô hình kinh tế Đà Nẵng Tạo Chuỗi Liên Kết Cung Cầu

Đà Nẵng Tạo Chuỗi Liên Kết Cung Cầu

Ngày đăng 27/06/2014

Đà Nẵng Tạo Chuỗi Liên Kết Cung Cầu

Nằm trong chương trình “Năm doanh nghiệp Đà Nẵng 2014”, Sở Công thương Đà Nẵng vừa tổ chức hội nghị “kết nối cung- cầu sản phẩm của doanh nghiệp thành phố Đà Nẵng” với sự tham dự của các hiệp doanh doanh nghiệp, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Thành phố Đà Nẵng hiện có gần 5.100 cơ sở sản xuất công nghiệp, trong đó có 916 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2013 đạt 38.400 tỷ đồng.

Sở Công Thương phối hợp với các Hiệp hội doanh nghiệp thành phố Đà Nẵng đề xuất triển khai chương trình hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp thành phố Đà Nẵng kết nối cung cầu sản phẩm nhằm kết nối sản phẩm của doanh nghiệp cung ứng đến với các doanh nghiệp có nhu cầu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua nguyên liệu, bán thành phẩm đầu vào và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Hoạt động này hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ có cơ hội trao đổi, liên kết, hợp tác và trao đổi sản phẩm lẫn nhau, tạo ra chuỗi liên kết phát triển kinh tế theo ngành, lĩnh vực tại thành phố Đà Nẵng, từ đó tăng khả năng cạnh tranh và hình thành hệ thống cung cầu theo dạng mắt xích.

Thời gian qua, các hoạt động kết nối doanh  nghiệp trên địa bàn gia tăng về số lượng và quy mô trong các lĩnh vực như kết nối chế biến thực phẩm, trang thiết bị, vật tư y tế với sản xuất bao bì; hàng nông sản được kết nối với các siêu thị, nhà hàng khách sạn, sản xuất vật liệu xây dựng với nhà thầu, nhà phân phối, sản xuất sản phẩm cơ khí với sản xuất thép thấm, thép hình; sản phẩm của các doanh nghiệp FDI với nhau…

Các doanh nghiệp không chỉ nỗ lực tìm kiếm đối tác mới, tham gia vào các hiệp hội, hội ngành nghề mà còn hướng mối quan tâm làm ăn lâu dài.

Tuy nhiên, việc hợp tác tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp trong thời gian qua cũng còn tồn tại những hạn chế lớn.

Bà Nguyễn Thị Thúy Mai- Phó giám đốc Sở Công Thương TP Đà Nẵng- cho biết: Mặc dù đã có một số kết nối được hình thành nhưng với số lượng ít, lĩnh vực, ngành nghề hợp tác chưa toàn diện, kết quả đạt được còn hạn chế, bên cạnh đó liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp mới chỉ là sự kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất với doanh nghiệp thương mại, số lượng kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất với doanh nghiệp sản xuất để mua nguyên liệu đầu vào, bán thành phẩm đầu ra còn rất ít.

Ngoài ra, tinh thần đoàn kết cộng đồng, hợp tác để cùng phá triển còn hạn chế. Một số doanh nghiệp còn chưa chia sẻ thông tin để tận dụng năng lực, kế thừa, học hỏi kinh nghiệm của nhau, đóng góp vào mục tiêu phát triển chung. Kinh phí cho các hoạt động kết nối còn hạn chế nên việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chưa được sâu rộng..

Để phát triển mạnh hơn chuỗi liên kết cung cầu, theo TS Lê Thị Minh Hằng- giảng viên Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng- cho rằng, doanh nghiệp lớn chọn đối tác rất dễ, còn các doanh nghiệp nhỏ hơn có thể nghĩ đến chuyện kết hợp với nhau để cùng cung ứng những gói dịch vụ sản phẩm cho khách hàng. Chẳng hạn trong phát triển du lịch, các DN cùng cung ứng sản phẩm du lịch như nhà hàng, khách sạn, tour tuyến cần phải có sự liên kết tạo ra chuỗi sản phẩm...

Hội thảo cũng đề cập tới vai trò của chính quyền địa phương và các hiệp hội doanh nghiệp. Các ý kiến cho rằng, chính quyền và các hiệp hội có vai trò là người tạo ra môi trường, là chất xúc tác kết nối các doanh nghiệp với nhau, còn các doanh nghiệp phải tự thân nỗ lực, cùng chung suy nghĩ, sự kết nối luôn làm tăng giá trị, tạo chuỗi lợi ích chung cho các DN trong hoạt động cung- cầu sản phẩm.


Thị Trường Phân Bón Lối Đi Riêng, Khó Khăn Chung Thị Trường Phân Bón Lối Đi Riêng, Khó… Sức Hút Của Thanh Long Sức Hút Của Thanh Long