Đặc điểm sinh thái của cây lúa - Phần 3
ĐIỀU KIỆN KHÍ HẬU-THỦY VĂN
3. Lượng mưa
Trong điều kiện thủy lợi chưa hoàn chỉnh, lượng mưa là một trong những yếu tố khí hậu có tính chất quyết định đến việc hình thành các vùng trồng lúa và các vụ lúa trong năm.
Trong mùa mưa ẩm, lượng mưa cần thiết cho cây lúa trung bình là 6 – 7 mm/ngày và 8 – 9 mm/ngày trong mùa khô nếu không có nguồn nước khác bổ sung. Nếu tính luôn lượng nước thấm rút và bốc hơi thì trung bình 1 tháng cây lúa cần một lượng mưa khoảng 200 mm và suốt vụ lúa 5 tháng cần khoảng 1000 mm.
Ở ĐBSCL, lượng mưa hàng năm trung bình từ 1200 – 2000 mm nhưng phân phối không đều, gây ngập úng giữa mùa mưa ở nhiều nơi, mùa khô lại không đủ nước tưới. Ngay trong mùa mưa, đôi khi lại có một khoảng thời gian nắng hạn kéo dài làm trở ngại cho sự sinh trưởng của cây lúa. Hàng năm, mùa mưa thường bắt đầu từ tháng 5 – 11 dl, cao nhất vào tháng 09 – 10 dl, lượng mưa có thể lên đến 300 – 400 mm/tháng và thường có trên 20 ngày mưa (Hình 3.4). Biểu đồ biến động lượng mưa trung bình hằng năm thể hiện rõ 2 đỉnh (tháng 5-6 và tháng 9-10 dl). Giữa 2 đỉnh là khoảng thời gian ít mưa vào cuối tháng 7, đầu tháng 8. Thường đợt nắng hạn nầy kéo dài khoảng 2 tuần lễ, dân gian gọi là “hạn Bà Chằng”.
Nếu công tác thủy lợi được thực hiện tốt, ruộng lúa chủ động nước thì mưa không có lợi cho sự gia tăng năng suất lúa. Ngược lại mưa nhiều, gió to, trời âm u, ít nắng, cây lúa phát triển không thuận lợi. Mưa còn tạo điều kiện ẩm độ thích hợp cho sâu bệnh phát triển làm hại lúa.
Hình 3.4. Biểu đồ thủy văn và lượng mưa ở ĐBSCL (bình quân 1990-2000)
Trong việc lập đề án phát triển sản xuất ở một khu vực nào đó, việc tính toán nhu cầu nước cho lúa thật cần thiết để bảo đảm tính khả thi của đề án và cân đối tỉ lệ diện tích, cơ cấu mùa vụ trồng lúa trong khu vực. Phương pháp đơn giản là dựa vào sự cân bằng nước. Sự cân bằng nước có thể được khảo sát ở vùng rễ đối với một ruộng nào đó, hoặc có thể xem xét trên một phạm vi rộng lớn hơn như chu trình thủy văn của cả khu vực (Hình 3.5). Trong trường hợp đơn giản nhất và không để ý đến lượng nước chảy tràn, sự cân bằng nước có thể tính bằng công thức sau
Trong đó, dW có thể là sự thay đổi ẩm độ đất ở ruộng cao (lúa rẫy), hoặc sự thay đổi độ sâu mực nước trong ruộng lúa có đê bao. P là tổng lượng mưa và I là tổng lượng nước tưới trong thời gian nhất định. Trên đất dốc, nước chảy tràn trên bề mặt từ ruộng cao xuống ruộng thấp hơn hoặc nước tự chảy vào ruộng do thủy triều cũng được xem là nguồn vào. Nguồn ra là sự mất nước thông qua bốc thoát hơi (E), hiện tượng thấm lậu và rò rỉ (LS). Để tính dW, ta cần biết độ sâu của tầng rễ và độ ẩm của đất. Ngoài ra để tính nhu cầu nước hoặc thời gian tưới, cần có sự hiểu biết về điều kiện ẩm độ ban đầu của đất và khả năng giữ nước của đất
Hình 3.5. Sự cân bằng nước ở vùng rễ ruộng lúa nước
4. Gió
ĐBSCL thuộc vùng nhiệt đới gió mùa, một năm có 2 mùa gió rõ rệt trùng với 2 mùa mưa và khô:
- Mùa khô (từ tháng 12-04 dl) hướng gió thịnh hành là gió Đông – Bắc lạnh và khô.
- Mùa mưa (từ tháng 05 – 11 dl) hướng gió thịnh hành là gió Tây – Nam nóng và ẩm, nhiều mưa, thường có giông gió lớn gây thiệt hại nhà cửa, cây trồng và ảnh hưởng xấu đến sự sinh trưởng của cây lúa. Tháng nhiều giông nhất là tháng 5 với trên 20 ngày giông. Từ tháng 06 – 10 dl, mỗi tháng có 15 – 20 ngày giông. Gió lớn có thể làm cho cây lúa đổ ngã, thân lá bầm dập – là cửa ngõ của các mầm bệnh xâm nhập, nhất là bệnh cháy bìa lá (Xanthomonas oryzae).
Ở giai đoạn làm đòng và trổ, gió mạnh ảnh hưởng xấu đến quá trình hình thành và phát triển của đòng lúa, sự trổ bông, thụ phấn, thụ tinh và sự tích lũy chất khô trong hạt bị trở ngại làm tăng tỉ lệ hạt lép, hạt lửng (gạo không đầy vỏ trấu) làm giảm năng suất lúa. Tuy nhiên, gió nhẹ giúp cho quá trình trao đổi không khí trong quần thể ruộng lúa tốt hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình quang hợp và hô hấp của ruộng lúa góp phần tăng năng suất.
5. Thủy văn
ĐBSCL mới được khai phá cách đây hơn 300 năm và lúa là cây trồng đầu tiên để cung cấp lương thực cho cộng đồng dân cư tiên phong nầy. Người dân đầu tiên định cư tại những khu vực đất cao ven sông và trồng lúa quanh nhà nơi có đất tốt và ít bị ngập sâu trong mùa lũ. Khi dân số ngày càng tăng, nhu cầu lương thực ngày càng cao, diện tích trồng lúa được lấn dần vào nội đồng và những vùng khó khăn hơn như ngập lũ, phèn, mặn. Lịch sử phát triển diện tích trồng lúa được ghi nhận như hình 3.6A.
Có thể nói, ở ĐBSCL, điều kiện thủy văn quyết định chế độ nước, mùa vụ, tập quán canh tác và hình thành các vùng trồng lúa khác nhau. Nói chung, hàng năm nước bắt đầu ngập ruộng tháng 07–08 dl tùy nơi, và đạt cao nhất vào tháng 09–10 dl trùng với đỉnh cao của mùa mưa, sau đó giảm dần đến tháng 12-1 dl thì khô ruộng. Ở mỗi nơi tùy theo địa hình cao hay thấp, gần hay xa sông mà thời gian ngập nước và độ ngập sâu cạn khác nhau. Từ đó, đã hình thành các vùng trồng lúa, kiểu canh tác và mùa vụ khác nhau (Hình 3.6B).
Tuỳ điều kiện canh tác, đặc biệt là chế độ ngập lũ, mà nông dân ĐBSCL đã chọn lọc và sử dụng lúa giống lúa khác nhau. Đây là kết quả của quá trình chọn lọc tự nhiên và nhân tạo đặc thù trong canh tác lúa của người dân ĐBSCL. Có hơn 1600 giống lúa cổ truyền khác nhau được canh tác ở ĐBSCL đã được tìm thấy, sưu tập và bảo tồn tại Viện Nghiện Cứu Phát Triển ĐBSCL, trường Đại học Cần Thơ (Nguyễn Ngọc Đệ, 1985). Từ khi bắt đầu du nhập các giống lúa cao sản ngắn ngày vào những năm 1967-1968 với giống đầu tiên là IR8, cùng với sự phát triển của hệ thống thuỷ lợi, diện tích lúa mùa cổ truyền ngày càng bị thu hẹp và hệ quả là sự mất dần nguồn gien giống lúa ở ĐBSCL. Đến nay, hơn ¾ số giống nầy đã không còn hiện diện trong sản xuất, do sự thay thế của các giống lúa cao sản ngắn ngày không quang cảm, với tốc độ nhanh từ sau khi đất nước thống nhất, đặc biệt là trong những năm 1980-1990. Các giống lúa này thích nghi đặc biệt với các điều kiện canh tác khác nhau, đặc biệt là đất đai (phèn, mặn,…) và chế độ nước (khô hạn, ngập úng,…). Đi kèm với các giống lúa thích nghi đặc biệt nầy là các kỹ thuật canh tác rất độc đáo và đầy sáng tạo để có thể khai thác hiệu quả các điều kiện tự nhiên rất khắc nghiệt ở ĐBSCL trong thời gian khai phá đồng bằng cho đến khi các công trình thuỷ lợi được thiết lập rộng rãi. Các công cụ truyền thống để khai phá đất đai và dùng trong sản xuất lúa (từ chuẩn bị đất, gieo cấy, thu hoạch, ra hạt,…) cũng đã được nông dân chế tạo cho phù hợp với các điều kiện canh tác đa dạng nầy. Những nông cụ truyền thống nầy, cùng với các kiến thức bản địa trong canh tác lúa cổ truyền cũng dần bị mai một.
Hình 3.6. Lịch sử phát triển diện tích lúa (A), các vùng trồng lúa và các kiểu canh tác lúa cổ truyền ở Đồng Bằng Sông Cửu Long trong những năm 1970 (B)
5.1. Vùng lúa nổi: nước lũ từ thượng nguồn sông Mekong tràn về ngập ruộng sớm (tháng 07 dl) và tiếp tục dâng lên đến độ sâu trên 1 mét, có nơi đến 2–3 m vào tháng 09–10 dl. Người ta dùng những giống lúa có đặc tính vươn lóng nhanh để có thể ngoi theo mực nước và sạ thẳng vào đầu mùa mưa hàng năm.
5.2. Vùng lúa cấy 2 lần: đây là vùng trũng, nước rút chậm, ở khu vực trung tâm của đồng bằng, thường trồng những giống lúa mùa muộn, cao cây, dài ngày, gieo mạ, cấy giâm (cấy lần 1), một thời gian cho lúa nở bụi rồi mới bứng lên và cấy lần 2 trên diện rộng (cấy liền). Các giống lúa nầy cho thu hoạch vào tháng 1-2 dl hằng năm.
5.3. Vùng lúa cấy 1 lần: đây là vùng cao và trung bình, nước rút nhanh hoặc bị nhiễm phèn, nhiễm mặn ven biển thường sử dụng những giống lúa mùa lỡ cho thu hoạch trước khi ruộng khô vào tháng 12 và đầu tháng 1 dl, chỉ làm 1 vụ lúa một năm.
Các thông tin chi tiết hơn về kỹ thuật canh tác từng nhóm lúa cổ truyền nầy được trình bày ở phần sau
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ