Trồng lúa Đặc điểm sinh thái của cây lúa - Phần 6

Đặc điểm sinh thái của cây lúa - Phần 6

Tác giả Nguyễn Ngọc Đệ. PhD, ngày đăng 22/01/2018

Đặc điểm sinh thái của cây lúa - Phần 6

THỜI VỤ - VÙNG TRỒNG LÚA Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

2. Các hệ thống canh tác trên đất lúa hiện nay 

Các giống lúa mới, cao sản ngắn ngày, không quang cảm, có thể trồng được bất cứ vụ nào trong năm và trồng được nhiều vụ một năm nếu bảo đảm được vấn đề tưới tiêu tốt. Từ khi các giống lúa mới được phổ biến rộng rãi, thuỷ lợi được cải thiện (Hình 3.9) và vấn đề áp dụng khoa học kỹ thuật mới trên đồng ruộng được đẩy mạnh, ở ĐBSCL đã hình thành nhiều vùng lúa cao sản 2-3 vụ lúa/năm cho thu hoạch bình quân 8-12 tấn lúa/ha/năm, một số trường hợp có thể lên đến 15-16 tấn/ha/năm.  

Vùng lúa cao sản đã phát triển rất nhanh trong những năm gần đây. Lúa cấy 2 lần đã hầu như chỉ còn lẻ tẻ ở vùng ven rừng U Minh, trong cơ cấu lắp vụ (cấy sau khi thu hoạch lúa Hè Thu), thay bằng cơ cấu 2 vụ lúa cao sản ngắn ngày Hè Thu và Đông Xuân. Diện tích lúa nổi đã giảm rất nhanh từ khoảng 400.000 ha năm 1984 xuống chỉ còn khoảng 30.000 ha ở An Giang năm 1992, bình quân mỗi năm giảm hơn 40.000 ha do sự phát triển nhanh của hệ thống thủy lợi và thủy nông nội đồng ở Đồng Tháp Mười và vùng Tứ Giác Long Xuyên. Hiện nay, diện tích lúa nổi chỉ còn khoảng vài trăm ha ở Tịnh Biên và Tri Tôn.

Hình 3.9. Hệ thống thuỷ lợi ở đồng bằng sông Cửu Long (Nguyễn Ngọc Đệ, 2006) 

Từ những năm 2000 trở đi, dưới áp lực của thị trường và sâu bệnh (đặc biệt là dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá, việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đa dạng hoá sản xuất trên đất lúa đã được nông dân đồng bằng sông Cửu Long tích cực đẩy mạnh. Hơn 10% diện tích gieo trồng lúa hằng năm đã được chuyển sang trồng màu hoặc nuôi trồng thuỷ sản có giá trị cao hơn. Hệ thống canh tác, cơ cấu mùa vụ và giống lúa rất đa dạng tùy điều kiện sinh thái ở từng nơi trên nền đất lúa (Hình 3.10).

2.1 Vùng phù sa nước ngọt 

Cơ cấu 3 vụ lúa chủ yếu tập trung ở những vùng đồng ruộng đã được kiến thiết tốt, có nguồn nước ngọt bổ sung và đủ phương tiện cung cấp nước như Mỹ Tho, Châu Thành, Cai Lậy, Cái Bè (Tiền Giang), một phần Long An dọc theo quốc lộ 1. Người ta làm 3 vụ lúa 1 năm: Hè Thu – Thu Đông – Đông Xuân bằng phương pháp sạ thẳng với các giống lúa ngắn ngày chất lượng cao như: OM1490, OM3536, Jasmine85, VND20, VD95-20, MTL250, MTL384, MTL466,… 

- Vụ Hè Thu từ tháng 4 đến tháng 8 dl.

- Vụ Thu Đông từ tháng 8-9 đến tháng 11-12 dl. 

- Vụ Đông Xuân từ tháng 11-12 đến tháng 3-4 dl. 

Hình 3.10. Cơ cấu thời vụ các vùng trồng lúa của ĐBSCL hiện nay (Nguyễn Ngọc Đệ, 2006) 

Ghi chú:  ĐX:Lúa Đông Xuân, XH: Lúa Xuân Hè, HT: Lúa Hè Thu, TĐ: Lúa Thu Đông, HYV (High Yielding Variety): Lúa cao sản ngắn ngày 

Nông dân ở vùng nầy đã có tập quán trồng lúa cải thiện rất lâu đời so với các vùng khác nên trình độ thâm canh cao. Năng suất bình quân có thể trên 12-15 tấn/ha/năm. Gần đây, phương pháp “sạ chay” đã được phát triển mạnh mẻ trong vụ Hè Thu ở vùng nầy để tranh thủ thời vụ, tránh căng thẳng về lao động và sức kéo, tiết kiệm nước đồng thời để hạn chế lúa bị ảnh hưởng độc do phèn trong mùa khô. Sau khi thu hoạch luá Đông Xuân, đất được giữ khô trong khoảng 1 tuần lễ, người ta rãi rơm đều khắp ruộng để phơi rồi đốt, trước khi sạ hạt giống khô hoặc đã ngâm 24 giờ. Ngay sau khi sạ nước được đưa vào ngập ruộng, giữ nước lại trong ruộng 24 giờ cho đất ẩm rồi rút ra. Sau đó đất được giữ ẩm liên tục để hạt lúa nẩy mầm. Mọi công đoạn chăm sóc từ đó về sau giống như trường hợp sạ ướt.  

Cơ cấu 2 lúa + 1 màu tỏ ra thích hợp và khá phổ biến trong những năm 2000-2006. Cơ cấu nầy phổ biến là Lúa Hè Thu – lúa Đông Xuân – màu Xuân Hè. Các loại cây màu được trồng rất đa dạng tuỳ tính thích nghi đất đai và nhu cầu thị trường ở từng địa phương, phổ biến là bắp lai, dưa hấu, bí đỏ, khoai lang, và các loại rau màu ngắn ngày, hẹ, kiệu,...  

Ở vùng đầu nguồn sông Cửu Long dọc theo hai bờ sông Tiền và sông Hậu, người dân thường trồng hai vụ lúa Hè Thu và Đông Xuân. Do nước lũ về rất sớm cho nên vụ Hè Thu vùng nầy thường được bắt đầu vào khoảng tháng 3, 4 dl với các giống lúa ngắn ngày (90 – 100 ngày) bằng phương pháp sạ thẳng và thu hoạch vào tháng 7, tháng 8 dl trước khi lũ ngập ruộng, trểnhất là đến giữa tháng 9 dl. Trong thời gian giữa mùa lũ, đất ruộng được bỏ trống, đến khoảng tháng 11 dl, nước rút tới đâu người ta tiến hành sạ lúa Đông Xuân tới đó. Giống lúa dùng trong vụ nầy cũng là những giống lúa rất ngắn ngày để đỡ chi phí bơm nước và bảo đảm năng suất lúa. Thời điểm xuống giống trể nhất là cuối tháng 12 dl. Vụ Đông Xuân thu hoạch rộ vào cuối tháng 2, đầu tháng 3 dl. Sau khi thu hoạch xong vụ Đông Xuân lại phải chuẩn bị để xuống giống Hè Thu ngay. Gần đây, nhiều diện tích ở vùng nầy, nơi mực nước lũ hằng năm khá cao rất thích hợp để nuôi trồng các loại thuỷ sản, như tôm càng xanh, cá đồng trên ruộng bằng phương pháp đăng quầng, hoặc trồng các loại cây thuỷ sinh như rau nhút. Nhiều nơi bỏ hẳn vụ lúa Hè Thu để nuôi tôm sau vụ lúa Đông Xuân đem lại lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với lúa. Nhiều vùng với hệ thống đê bao khép kín như khu vực Bắc Vàm Nao, thuộc huyện Chợ Mới và Phú Tân (An Giang), người dân có thể trồng 3 vụ lúa hoặc 2 lúa + màu chủ động tưới tiêu, trong khu đê bao với tần suất 3 năm xả lũ một lần.

2.2 Vùng nước trời nhiễm mặn 

Vùng nầy vẫn còn chiếm diện tích khá lớn ở các tỉnh ven biển trải dài từ Long An, Tiền Giang, Bến tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang. Tại vùng nầy, cơ cấu phổ biến trên đất lúa vẫn là lúa 2 vụ (Hè Thu bằng giống lúa cao sản ngắn ngày sạ khô và cấy lắp vụ bằng các giống lúa địa phương, hoặc bằng các giống lúa cao sản ngắn ngày hoặc trung mùa). Vùng khó khăn hơn vẫn tiếp tục duy trì cơ cấu 1 vụ lúa mùa hoặc lúa trung mùa cao sản như IR42, MTL83, ST5. Đặc biệt vùng ven biển cơ cấu lúa + Tôm sú hoặc tôm chuyên canh đang phát triển mạnh mẽ do lợi nhuận hấp dẫn của việc nuôi tôm. Cơ cấu lúa + tôm tỏ ra bền vững và ít rủi ro hơn nuôi tôm chuyên canh. 

Cơ cấu 2 màu + 1 lúa thích hợp ở cả vùng ngọt chủ động nước, lẫn vùng ven biển nước lợ nhưng có nguồn nước ngọt bổ sung vào mùa khô, bằng hệ thống kinh đào dẫn nước ngọt từ vùng thượng nguồn hoặc khai thác nước mặt bằng các giếng cạn (1,5-2m, vùng đất giồng cát) hoặc nước ngầm bằng giếng khoan

Hình 3.11. Các vùng sinh thái nông nghiệp chính ở đồng bằng sông Cửu Long (Nguyễn Ngọc Đệ, 2006) 

Do đó, có thể nói cơ cấu mùa vụ, kỹ thuật canh tác lúa ở ĐBSCL đã biến chuyển rất nhanh chóng cùng với sự phát triển của hệ thống thủy lợi, sự các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong ngành trồng lúa, đặc biệt là giống luá mới ngắn ngày năng suất cao kháng sâu bệnh. Đồng thời các chính sách nông nghiệp và xuất nhập khẩu hợp lý đã kích thích người nông dân mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất và sử dụng đất đai tốt hơn. Mạng lưới khuyến nông đã được chú trọng và đẩy mạnh trong những năm gần đây góp phần hỗ trợ đắc lực nông dân khai thác đất đai của họ có hiệu quả và đa dạng hơn, kết hợp canh tác lúa với các cây trồng khác hoặc kết hợp trồng lúa với việc nuôi tôm, cá, hay chăn nuôi… 

Hiện nay, các mô hình canh tác trên đất lúa ở ĐBSCL hết sức phong phú, đa dạng, đem lại lợi tức cao hơn và điều hòa hơn trong năm cho người nông dân. Đa dạng hoá sản xuất, tăng năng suất và chất lượng nông sản hàng hoá, đặc biệt là lúa gạo là xu hướng tất yếu của sản xuất nông nghiệp, nói chung và sản xuất lúa nói riêng ở ĐBSCL trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay. 


Đặc điểm sinh lý của cây lúa - Phần 1 Đặc điểm sinh lý của cây lúa -… Đặc điểm sinh thái của cây lúa - Phần 5 Đặc điểm sinh thái của cây lúa -…