Tin nông nghiệp Đàn gia súc trước nguy cơ thiếu nước ngọt

Đàn gia súc trước nguy cơ thiếu nước ngọt

Tác giả Minh Đức, ngày đăng 10/03/2016

Đàn gia súc trước nguy cơ thiếu nước ngọt

Là huyện có đàn bò lớn nhất tỉnh, trên 80 ngàn con. Với hình thức chăn nuôi gia trại, các hộ gia đình nuôi bò thường tính toán diện tích lúa của gia đình mình có thể cung cấp lượng rơm bao nhiêu để quyết định số lượng bò nuôi. Phần lớn nông dân dự trữ rơm đủ để bò ăn trong thời gian 1 vụ lúa, tức khoảng hơn 3 tháng.

Khi lượng rơm dự trữ gần hết cũng là lúc thu hoạch lúa vụ kế tiếp và nguồn rơm sẽ đảm bảo đủ làm thức ăn cho bò. Tuy nhiên, trong giai đoạn hạn, mặn như hiện nay, nguy cơ lúa vụ Đông Xuân 2015 - 2016 sẽ mất trắng, dẫn đến thiếu rơm nuôi bò là rất cao. Ngoài ra, nguồn nước uống cho bò đang rất khan hiếm trong thời điểm này.

Anh Đỗ Xuân Sơn ngụ tại ấp An Hòa, xã Mỹ Nhơn là thành viên Tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp Phú Mỹ, xã Mỹ Nhơn. Đây là tổ hợp tác trồng lúa giống và nuôi bò sinh sản đầu tiên của huyện. Hiện anh Sơn đang canh tác 7.000m2 lúa và nuôi 4 con bò nái sinh sản, 3 con nghé.

Nếu như trước đây, với diện tích lúa trên, gia đình anh đã dư rơm để nuôi bò. Nhưng hiện nay, lúa của anh đang bị thiệt hại do nước nhiễm mặn dẫn đến nguy cơ không đủ rơm. Để giải quyết vấn đề thức ăn, anh đành bỏ ra gần 5 triệu đồng để mua rơm cuộn dự trữ. Như nhiều hộ nuôi bò trong tổ hợp tác anh lo lắng không có nước ngọt cho bò uống.

Theo thông tin từ ngành Thú y, hiện tại chưa ghi nhận dịch bệnh trên đàn bò do nước mặn. Tuy nhiên, đối với đàn heo, nước mặn đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng. Tại xã Tân Hưng, nơi có đàn heo khá lớn với tổng số 3.200 con, chiếm gần 30% tổng đàn trong toàn huyện, đã ghi nhận nhiều trường hợp heo bị hiện tượng tiêu chảy.

Hộ anh Lê Duy Thanh ngụ tại ấp Tân An, xã Tân Hưng hiện nuôi 60 con heo, trong đó có 5 con heo nái giống. Suốt những ngày qua, đàn heo của anh liên tục bị tiêu chảy. Anh đã nhiều lần nhờ nhân viên thú y tiêm thuốc nhưng chỉ được 1, 2 ngày thì heo bệnh trở lại.

Nguyên nhân là do vùng đất anh đang ở khá trũng, xung quanh là sông, rạch. Trước Tết âm lịch, anh chủ động trữ nước ngọt trong ao để nuôi heo. Tuy nhiên, triều cường đã làm toàn bộ ao của anh bị nước mặn xâm nhập. Anh Thanh đã thử đào giếng nhiều chỗ nhưng toàn bộ đều là nước mặn. Những ngày đầu, anh còn đổi nước ngọt ở những nơi khác về cho heo uống với giá 150 ngàn đồng/m3.

Do lượng heo nhiều, mỗi ngày đàn heo của anh phải sử dụng trên 1m3 nước nên anh không đủ điều kiện để đổi nước. Được biết, anh Lê Duy Thanh thuộc diện hộ nghèo. Để có vốn nuôi heo, anh phải vay của Ngân hàng Chính sách xã hội 30 triệu đồng và trả dần mỗi năm 10 triệu đồng. Nếu đợt heo này gặp sự cố, gia đình anh không biết lấy tiền đâu để trả phần vốn vay ngân hàng tới hạn trong năm nay và chi phí thức ăn mua thiếu tại đại lý.

Hiện tại, đàn heo của anh phát triển không đồng đều, heo bị tiêu chảy, chậm lớn và đang có dấu hiệu lở loét do chuồng không được vệ sinh thường xuyên. “Mấy ngày nay, tôi không dám dội chuồng vì khi dội chuồng, heo sẽ uống nước mặn ngay; hiện nước bị nhiễm mặn nên heo càng uống nhiều nước thì càng bị tiêu chảy. Tình hình heo bị tiêu chảy do nước nhiễm mặn đã kéo theo nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến sinh hoạt của phần lớn nhân dân xã Tân Hưng, nhất là vấn đề ô nhiễm môi trường nước và không khí”, anh Lê Duy Thanh cho biết.


Lúa khô cháy hết rồi, cho bò ăn mà bò còn... chê Lúa khô cháy hết rồi, cho bò ăn… Cán bộ phường mê làm nông nghiệp sạch, độc, lạ Cán bộ phường mê làm nông nghiệp sạch,…