Mô hình kinh tế Dân Mừng Vì Trúng Giá Gạo Vụ Hè Thu

Dân Mừng Vì Trúng Giá Gạo Vụ Hè Thu

Ngày đăng 04/08/2014

Dân Mừng Vì Trúng Giá Gạo Vụ Hè Thu

Dự báo từ nay đến cuối năm giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn ở mức cao.

Chỉ trong tuần cuối tháng 7, giá lúa tại đồng bằng sông Cửu Long đã tăng 400-500 đồng/kg, vượt lên mức cao nhất trong một năm qua. Đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết sắp tới Philippines sẽ ký hợp đồng mua 500.000 tấn gạo Việt Nam.

Chưa có thông tin chính thức nhưng dự kiến thị trường này sẽ chọn mua gạo cấp thấp 25% tấm với mức giá không thấp hơn 430 USD/tấn. Đây là cơ hội cho lúa hè thu dù chất lượng lúa vụ này chưa cao.

Ai cũng mừng vì lời 40%-50%

Anh Hà Minh Triều, nông dân trồng lúa ở xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang cho biết toàn bộ lúa hè thu của gia đình anh và bà con làm chung tổ hợp tác đều đã bán hết. Đáng mừng là bà con bán lúa tươi tại ruộng với giá 4.600 đồng/kg, đảm bảo lợi nhuận 40%-50%.

Thậm chí nếu giữ lại được đến thời điểm hiện nay với mức giá trên 5.000 đồng/kg thì bà con còn có thêm lợi nhuận. Nhưng mà giữ không thể được vì điều kiện thời tiết mùa mưa lũ, điều kiện phơi sấy khó khăn trong khi nhu cầu cần chi phí cho vụ thu đông nên không còn cách nào khác là thu hoạch vào phải bán ngay.

Cũng theo anh Triều, hiện nay công ty và thương lái mua lúa giá cao nhưng bà con không còn để bán. May mắn thay, hồi vụ đông xuân, chủ yếu bà con trồng lúa Jasmine nhưng giá chỉ 6.000 đồng/kg nên nhiều người đã giữ lúa lại không bán. Thời điểm này thương lái cũng như doanh nghiệp (DN) ở Thốt Nốt (TP Cần Thơ) ào xuống tìm mua với giá 7.500 đồng/kg nên bà con thu lời kha khá.

Theo nông dân Nguyễn Thanh Long, ấp Bến Thế, xã Tân Sơn, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, lúa hè thu tại địa phương phải 20 ngày nữa mới bắt đầu đi vào thu hoạch. Tuy nhiên, qua theo dõi tin tức hằng ngày thấy giá lúa đang nhích lên trong vài ngày gần đây nên cũng khấp khởi mừng. “Thấy giá lên cũng vui. Lời lóm ra sao giờ khó nói lắm. Giá bây giờ cao thì ham nhưng chưa thể cắt lúa để bán. Chỉ mong đến thời điểm mình cắt lúa giá vẫn ổn để có lời” - ông Long chia sẻ.

Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết giá lúa hè thu năm nay ổn định so với năm vừa qua, trong đó lúa tươi chất lượng cao giá 5.200-5.8000 đồng/kg và đang có chiều hướng còn tăng thêm nên với mức giá này đảm bảo cho nông dân mức lợi nhuận tối thiểu 30%.

DN phải lăn xả kiếm thêm thị trường

Ông Nguyễn Đình Bích, Viện Nghiên cứu Phát triển Thương mại (Bộ Công Thương), cho biết hạn hán ở Ấn Độ và chuyện nội bộ ngành gạo lục đục ở Thái Lan thực sự là cơ hội cho gạo Việt Nam thêm hút hàng trên thị trường thế giới, giúp giá sẽ tăng từ nay đến cuối năm.

Theo ông Bích, để tận dụng được thời cơ nói trên, các DN đại diện đàm phán với những thị trường tập trung Philippines, Malaysia, Indonesia phải nỗ lực để đạt được hợp đồng với giá tốt nhất. Gói thầu 800.000 tấn gạo cung cấp cho Philippines trước đây cho thấy chiêu cạnh tranh bằng giá rẻ của DN Việt Nam khiến chúng ta mất đi khoản tiền khổng lồ, ước tính lên tới 23,2 triệu USD. Hay như đối với thị trường Trung Quốc, cần thay đổi cách bán hàng tiểu ngạch chuyển dần sang chính ngạch mới giữ được mức giá cao lâu dài hơn. Tiểu ngạch chỉ là tình thế quẫn bách lắm mới bán qua con đường này.

GS Võ Tòng Xuân cho rằng sự ỷ lại của các DN “con” vào DN “mẹ” Vinafood đã không chỉ khiến những DN này thua lỗ, mà trở thành lực cản cho cả ngành lúa gạo. Cần có nhiều DN đi ra nước ngoài tìm thị trường thay vì chỉ ngồi một chỗ chờ thương lái tới mua, ép giá nông dân. Hai tổng công ty lương thực lớn nhất cả nước cũng phải tái cấu trúc nhanh, chiêu mộ người am hiểu thị trường quốc tế để mở rộng thị trường.

“Bộ, ngành liên quan cũng cần có trách nhiệm thống kê thông tin thị trường một cách chính xác, có độ tin cậy cao để nông dân lẫn DN xuất khẩu có thông tin đầy đủ về thị trường. Từ đó có quyết định bán ra có lợi nhuận tốt nhất” - GS Xuân nói.

Theo các DN xuất khẩu gạo, nguyên do giá gạo nội địa và xuất khẩu nước ta tăng là nhờ Philippines ký hợp đồng mua gạo liên tiếp hai đợt gần 1,3 triệu tấn gạo; Malaysia đã ký 200.000 tấn và Indonesia dự kiến sẽ nhập khoảng 50.000 tấn. Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ gạo tăng mạnh từ Trung Quốc đã kéo giá gạo Việt Nam tăng lên.

Doanh nghiệp “ăn xổi” lo sốt vó

Theo ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng, giá gạo tăng, nông dân mừng nhưng lại khiến nhiều DN phải lo lắng, nhất là những “ông lớn” đã lỡ ký  hợp đồng giá thấp với Philippines, Malaysia. Hợp đồng với Philippines ký hồi đầu năm với giá gạo 15% tấm chỉ 370 USD/tấn, nghĩa là DN lỗ nặng vì hiện nay giá sàn loại gạo cấp thấp hơn 25% tấm đã có mức giá sàn 410 USD/tấn.

Với giá gạo mua trong nước vào thời điểm này thì tính ra chỉ DN ký hợp đồng thương mại chỉ để tiêu thụ chứ không có lợi nhuận. Còn những DN nào tham gia hợp đồng tập trung thì đang đau đầu, dù biết mua vào lỗ nhưng vẫn phải mua để có nguyên liệu chế biến thực hiện đúng hợp đồng đã ký kết. Chỉ may ra chờ vào những hợp đồng sau này nếu đàm phán được giá cao thì mới mong bù lại khoản lỗ.

Nếu so với các nhà xuất khẩu gạo chính, giá gạo Việt Nam đã cao nhất thế giới. Gạo 5% tấm lên mức 465-475 USD/tấn, cao hơn gạo cùng loại của Thái Lan 20 USD/tấn, hơn Ấn Độ, Pakistan khoảng 30 USD/tấn.


Tàu Thuyền Nằm Bờ Chờ Giá Cá Tàu Thuyền Nằm Bờ Chờ Giá Cá Gạo Việt Tăng Giá Cao Kỷ Lục, Gạo Việt Tăng Giá Cao Kỷ Lục, "Mắc…