Mô hình kinh tế Dán Tem Cho Thanh Long Bình Thuận

Dán Tem Cho Thanh Long Bình Thuận

Ngày đăng 29/12/2014

Dán Tem Cho Thanh Long Bình Thuận

Nhằm xây dựng thương hiệu cho thanh long Bình Thuận, Đề án dán tem có chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” trên quả thanh long khi đưa ra thị trường được tiến hành. Đơn vị thực hiện đề án là Hiệp hội thanh long Bình Thuận, thời gian thực hiện là 2 năm (từ 5/2013 – 5/2015), tổng kinh phí là 2.076 triệu đồng, trong đó nhà nước cấp một nữa, còn lại do Hiệp hội và các doanh nghiệp đóng góp.

Kết quả đến nay, các doanh nghiệp trong Hiệp hội thanh long Bình Thuận đã dán được 12 triệu tem trên quả thanh long (đạt 30% kế hoạch của đề án). Dẫn đầu là doanh nghiệp tư nhân Rau quả Bình Thuận dán được 6.837.000 tem, trên tất cả trái thanh long khi xuất bán ra các thị trường nội địa và nước ngoài, như Du Bai (các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất), Tây Ban Nha, các thị trường châu Á như: Hồng Kông, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, thị trường trong nước gồm các siêu thị: Big C, Co.opMart, CibiMart và sắp đến các siêu thị khác.
Kế đến là Công ty Hưng Loan (dán được 3.660.00 tem), doanh nghiệp Phương Giang (dán được 515.000 tem) chủ yếu trên thanh long xuất vào thị trường Trung Quốc như: Quảng Châu, Nam Ninh, Bắc Kinh, Hồng Kông, Đại Liên…
HTX thanh long Hữu cơ Phú Hội dán được 1 triệu tem, chủ yếu là thanh long bán ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.
Riêng Công ty TNHH thanh long Hoàng Hậu dù là doanh nghiệp xuất khẩu thanh long lớn và nằm trong danh sách các doanh nghiệp thực hiện đề án dán tem, nhưng đã không thực hiện dù Hiệp hội Thanh long đã nhiều lần nhắc nhở.
Theo ông Bùi Đăng Hưng (Chủ tịch Hiệp hội thanh long Bình Thuận, chủ nhiệm đề án) đánh giá: đối với thị trường ngoài nước, việc dán em có chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” trên quả thanh long giúp cho việc tiêu thụ thuận lợi hơn, thanh long có dán tem có giá trị cao hơn, do hàng dán tem đều là hàng đẹp, chất lượng bảo đảm, các doanh nghiệp tuyệt đối không dán tem vào quả xấu. Còn thanh long dán tem tác động bán lẻ đến người tiêu dùng như thế nào, thì Hiệp hội sẽ điều tra cụ thể, khi nghiệm thu đề án.
Đối với thị trường tiêu thụ nội địa, việc dán tem chưa làm tăng giá trị quả thanh long Bình Thuận.
Còn theo ông Hồ Trung Phước (Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bình Thuận): mặc dù đề án dán tem “Bình Thuận” trên quả thanh long đã có một số kết quả ban đầu, nhưng khó khăn nhất khi thực hiện đề án là nhận thức. Doanh nghiệp chưa nhận thức được lợi ích lâu dài của việc xây dựng thương hiệu và việc kinh doanh các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nên ngại tham gia vì sợ tốn kém.
Mặt khác, theo ông Phước: không chỉ dán con tem trên quả thanh long là xong, mà phải làm cho người tiêu dùng (cả trong và ngoài nước) hiểu được giá trị của con tem ấy, để chấp nhận giá cao hơn vẫn mua. Nghĩa là phải đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá để người tiêu dùng biết chất lượng quả thanh long xuất xứ ở Bình Thuận, cũng như lợi ích khi sử dụng thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap.
Chỉ còn vài tháng nữa là kết thức đề án thí điểm dán tem chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” trên quả thanh long khi đưa ra thị trường. Trên thế giới đã chứng minh rằng việc xây dựng thương hiệu cho 1 sản phẩm là chiến lược lâu dài, có khi mất vài chục năm, thậm chí hàng trăm năm.
Vì vậy, việc dán tem mang chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” trên quả thanh long cần phải thực hiện kiên trì và mở rộng ra nhiều doanh nghiệp khác. Bởi kinh doanh các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, là xu thế tất yếu, cấp thiết trong bối cảnh hội nhập cạnh tranh gay gắt.
Bình Thuận là “thủ phủ” thanh long của Việt Nam. Đầu tư đúng tầm cho xây dựng thương hiệu “Thanh long Bình Thuận” sẽ đem lại lợi ích rất lâu dài cho cả nông dân và doanh nghiệp.


Chanh Không Hạt Rớt Giá Chanh Không Hạt Rớt Giá Long An Tìm Giải Pháp Chế Biến, Tiêu Thụ Chanh Long An Tìm Giải Pháp Chế Biến, Tiêu…