Dán tem chống hàng giả cho phân bón Lâm Thao
Tỷ lệ làm giả liên tục gia tăng
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, những năm trở lại đây, tình hình sản xuất phân bón giả, kém chất lượng ngày càng tinh vi. Riêng năm 2014, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý 200 vụ vi phạm, thu phạt hành chính 2,11 tỷ đồng, thu giữ, xử lý, tiêu hủy 690 tấn và 3.306 gói, chai phân bón các loại.
Bên cạnh đó, công ty còn quảng bá trên các phương tiện truyền thông; kết hợp với Bộ NNPTNT tổ chức Chương trình tư vấn “5 đúng trong sản xuất nông nghiệp”. Thời gian tới, để tiếp tục triển khai chương trình phòng chống phân bón giả, Supe Lâm Thao sẽ áp dụng việc dán tem chống hàng giả trên bao bì sản phẩm, trước mắt, công ty sẽ triển khai thực hiện đối với sản phẩm phân lân nung chảy Lâm Thao.
Điển hình là năm 2012, tại huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, bà con nông dân mua phải phân bón NPK 5.10.3 giả phân bón Lâm Thao bón cho cây ngô, sau khi bón xong cây ngô sinh trưởng và phát triển kém, không cho năng suất. Các cơ quan chức năng đã điều tra và kết luận đó là phân bón giả, làm từ đất sét và bột đá, không có dinh dưỡng do một đối tượng ở Hà Nội sản xuất và tiêu thụ.
Thực tế, nạn phân bón giả còn không đáng lo bằng nạn phân bón kém chất lượng. Bởi việc sản xuất, kinh doanh phân bón giả khi phát hiện đều bị xử lý rất nghiêm, thậm chí bị truy tố hình sự, trong khi đó phân bón kém chất lượng rất khó xử lý.
Một hình thức phổ biến nhất của nạn phân bón kém chất lượng là ghi tên sản phẩm phân bón lập lờ đánh lừa người tiêu dùng. Ví dụ: sản phẩm lân + canxi của Công ty CP Đầu tư Quốc tế Đại Sơn có địa chỉ tại Ngô Gia Tự, phường Đức Giang, quận Long Biên, Hà Nội. Thành phần dinh dưỡng: CaO = 10,5%; Nts = 1%; P2O5 = 5%. Như vậy thành phần dinh dưỡng chính là P2O5 = 5%, Nts = 1% trong khi hàm lượng dinh dưỡng lân P2O5 của Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao là 16% nhưng giá bán lân canxi đến người nông dân là 3.000 đồng/kg cao hơn Supe lân Lâm Thao 2.620 đồng/kg).
Tương tự, phân bón GP 9.6.3 của Nhà máy Phân bón Trung lượng GP có địa chỉ tại 1017 Cụm Công nghiệp Dĩnh Kế, TP.Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang. Mặt trước của bao bì ghi chữ GP 9.6.3, người tiêu dùng sẽ lầm tưởng đó là phân bón NPK 9.6.3 nhưng thành phần dinh dưỡng thực tế lại ghi chữ rất nhỏ ở mặt sau là đạm + lân + kali = 3%; SiO2 = 5%. Tức là cũng chỉ bằng một phần rất nhỏ so với thực tế. Trong khi giá bán đến người nông dân gần bằng giá bán phân bón NPK-S 5.10.3-8 Lâm Thao (có thành phần dinh dưỡng N + P2O5 + K2O = 18%).
Điển hình cho sự “tinh vi” của phân bón kém chất lượng là phân bón NPK-S 12.5.1.0-14 của Công ty CP Bảo vệ thực vật Miền Bắc có địa chỉ tại 58/3/16 Trần Bình, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Mặt trước của bao bì có chữ NPK-S 12.5.1.0-14, nhìn như vậy chúng ta tưởng là NPK-S 12.5.10-14 nhưng nhìn kỹ ta thấy dấu sắc của chữ “Miền Bắc” là của số 1.0, như vậy hàm lượng kali chỉ là 1% chứ không phải là 10% như NPK-S 12.5.10-14. Giá bán đến người nông dân bằng giá bán của NPK-S 12.5.10-14 Lâm Thao. Trong khi thực tế thành phần dinh dưỡng kali trong phân bón NPK chỉ bằng 1/10.
Cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng
Sản xuất phân bón tại Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao. Ảnh: I.T
Theo lãnh đạo Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, tình trạng phân bón giả, kém chất lượng vẫn chưa được kiểm soát đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho bà con nông dân cũng như các doanh nghiệp sản xuất phân bón chân chính. Là đơn vị sản xuất phân bón uy tín lâu năm trên thị trường, đồng thời cũng là đơn vị trực tiếp “hứng chịu” hậu quả của vấn nạn này, Supe Lâm Thao kiến nghị, cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa từ các ban, ngành chức năng.
Cụ thể, các cơ quan quản lý nhà nước như Chi cục Quản lý thị trường, Sở NNPTNT các tỉnh, thành phố cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc sản xuất, kinh doanh các loại phân bón trên thị trường. Quản lý chặt chẽ việc cấp giấy chứng nhận hợp quy các loại phân bón hữu cơ và vô cơ theo đúng quy định của Nhà nước; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các doanh nghiệp, các đại lý kinh doanh phân bón, các hộ nông dân về các quy định của Nhà nước về quản lý phân bón.
Đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón, phải sản xuất phân bón có chất lượng tốt, giá bán hợp lý, xây dựng hệ thống bán hàng và có chính sách hậu bán hàng tốt, trang bị kiến thức cho bà con nông dân về nhận diện thương hiệu, sản phẩm và hướng dẫn sử dụng phân bón theo đúng quy trình kỹ thuật.
Ông Phạm Quang Tuyến- Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cho biết: “Là nhà sản xuất, kinh doanh phân bón có sản lượng lớn nhất Việt Nam với bề dày kinh nghiệm 54 năm, Lâm Thao luôn sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng tốt, đủ về khối lượng, đúng về hàm lượng dinh dưỡng đã đăng ký và công bố trên bao bì sản phẩm.
Để giúp người nông dân mua được phân bón của Lâm Thao và cách phân biệt phân bón thật, phân bón giả, phân bón kém chất lượng, Supe Lâm Thao đã xây dựng được hệ thống các nhà phân phối sản phẩm khu vực trên toàn quốc. Mỗi năm, công ty tổ chức hàng nghìn hội nghị, hướng dẫn bà con cách bón phân khoa học, hiệu quả, phân biệt phân bón thật, phân bón giả, phân bón kém chất lượng”.
Đặt mục tiêu lợi nhuận 436 tỷ đồng năm 2016
Theo mục tiêu đã được HĐQT Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đề ra, trong năm 2016, công ty sẽ phấn đấu đạt lợi nhuận 436 tỷ đồng; doanh thu tiêu thụ 4.981 tỷ đồng; giá trị đầu tư XDCB 124,693 tỷ đồng.
Để hoàn thành các mục tiêu trên, đồng chí Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Công ty đã đưa ra 11 giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch năm 2016.
Trước đó, theo báo cáo nêu rõ, năm 2015, tình hình kinh tế toàn cầu vẫn còn diễn biến phức tạp. Giá điện, than, xăng dầu nguyên nhiên vật liệu vật tư liên tục tăng và biến động bất thường… Mặt khác, thuế phân bón nhập khẩu giảm từ 11% xuống còn 6%, tạo lợi thế cho phân bón nhập khẩu, giảm lợi thế cạnh tranh cho phân bón trong nước.
Được sự quan tâm, chỉ đạo và giúp đỡ có hiệu quả của lãnh đạo các cấp, các ngành từ T.Ư đến địa phương, đặc biệt là sự đoàn kết, nhất trí, nỗ lực lao động sáng tạo của tập thể cán bộ công nhân lao động, công ty đã về đích kế hoạch năm 2015 với các chỉ tiêu chủ yếu: Lợi nhuận 392,482 tỷ đồng, bằng 93,4% kế hoạch năm; nộp ngân sách 181,491 tỷ đồng, tăng 28,5% kế hoạch năm; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 4.427 tỷ đồng, bằng 95,4% kế hoạch năm; doanh thu đạt 4.810 tỷ đồng, tăng 0,4% kế hoạch năm; giá trị xây dựng cơ bản đạt 22,460 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch năm; thu nhập bình quân cho người lao động đạt 8,19 triệu đồng/người/tháng. Trong năm 2015, đã có 314 sáng kiến, đề tài của 733 tác giả được công nhận, làm lợi trên 78 tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ