Đáng nể lão nông nuôi giun quế chỉ để trồng cam sạch, thu vài tỷ đồng một năm
Hơn 20ha cam, bưởi, ổi… công nghệ cao của ông Quế được bón bằng phân sinh khối giun quế. Theo chu kỳ, toàn bộ diện tích này được chủ nhân phun bằng dung dịch ngâm giun quế và các chế phẩm sinh học.
Ông Quế bên vườn cây ăn quả công nghệ cao
Năm 2013, trong một lần đi du lịch nước ngoài, ông Trịnh Văn Quế, trú tại xã Định Long (Yên Định, Thanh Hóa) được tham quan nhiều mô hình trồng cây ăn quả công nghệ cao.
Ông tự hỏi, vì sao tại các nước tiên tiến, năng suất, chất lượng cây trồng hơn hẳn xứ mình trong khi nguồn tài nguyên đất của Việt Nam không hề thua kém? Ông quyết tâm đem những gì mắt thấy tai nghe về quê để áp dụng.
Trở về, ông thuê 20ha đất tại xã Thành Vân (Thạch Thành, Thanh Hóa) để thực hiện ý tưởng của mình. Đây là vùng đất thích hợp trồng cây ăn quả. Tuy nhiên, mỗi gia đình cũng chỉ có lớn nhất vài ba ha, chủ yếu trồng cây ăn quả theo phương thức truyền thống, hiệu quả kinh tế thấp, đầu ra phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường.
Với nguồn đầu tư ban đầu rất lớn, nguồn vốn tự có hạn hẹp, ông Quế phải vay thêm ngân hàng, bạn bè, người thân để triển khai mô hình. Tiêu chí hàng đầu của ông Quế là phải tạo ra được nguồn sản phẩm an toàn trước khi nghĩ đến năng suất, sản lượng. Mục tiêu của trang trại ông Quế là tiến tới sản xuất trái cây an toàn, được cấp chứng chỉ VietGAP, sản phẩm sẽ được người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc qua tem nhãn.
Để nhanh thu hoạch, thu hồi vốn, ông Quế đến các trung tâm giống mua cam đường Canh, cam Xã Đoài, bưởi da xanh, bưởi Diễn ghép… đã được 1 năm tuổi về trồng với khoảng cách 5x5m (bưởi) và 2,5x2,5m (cam đường)… Toàn bộ diện tích cây trồng của ông được đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt. Các công đoạn làm cỏ, phay đất đều được cơ giới hóa. Cỏ chỉ được cắt vào mùa mưa tạo ra độ mùn cho đất; mùa hè cỏ tạo ra thảm thực vật giữ nước cho vườn cây ăn trái.
Toàn bộ diện tích cây ăn quả được đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt
Không sử dụng phân bón hóa học hay phân tươi, ông Quế đầu tư trại nuôi trên 1.000m2 giun quế. Công thức nuôi giun của ông là thả cứ 300m2 thì thả 10 tấn sinh khối cả giun lẫn phân. Sau 3 tháng, giun sẽ cho thu hoạch của toàn bộ sinh khối và bắt đầu thả nuôi chu kỳ mới.
Về kỹ thuật, ông Quế cho rằng, đối với cam đường, tốt nhất thu hoạch 1 năm sau đó dưỡng không cho cây ra hoa, đậu quả năm tiếp theo. Mục đích là để cây cam dưỡng sức, tránh được nguy cơ dịch bệnh và cho năng suất gấp đôi, gấp 3 ở mùa vụ tiếp theo.
Mỗi năm, ông thu mua trên 1.000 tấn mùn mía + phân bò làm thức ăn nuôi giun. Sau khi mùn và phân bò phân hủy hết, ông sử dụng phân này để bón cho cây trồng. Thông thường mỗi năm ông bón cho cây trồng 2 lần với liều lượng 20kg phân giun quế/gốc. Giun đến tuổi thu hoạch, ông ngâm với một số loại chế phẩm và trở thành đạm cao cấp phun cho cây cam.
Theo ông Quế, chăm bón theo cách này, sản phẩm cho độ ngọt cao hơn so với mức bình thường.
Năm 2017, từ 6ha cam đường, ông Quế thu về 200 tấn quả. Toàn bộ sản phẩm chủ yếu được xuất đi các thị trường Hà Nội, TPHCM. Riêng từ cây cam đường, vụ 2017 gia đình ông thu về 6 tỷ đồng.
Hiện trang trại của ông Quế tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 20 lao động với mức thu nhập từ 5 - 8 triệu đồng/người/tháng.
Riêng với cán bộ kỹ thuật cây trồng, ông không trả lương như những trang trại khác mà dành hẳn 1ha xem như hình thức hợp tác chuyển giao kỹ thuật.
Theo ông Quế, đây là cách tốt nhất để vừa gắn quyền lợi, trách nhiệm của người phụ trách kỹ thuật đối với trang trại của mình.
Nuôi giun quế lấy phân bón cho cây trồng
Ông Quế cho biết thêm: “Không chỉ với diện tích mình được hưởng, cán bộ phụ trách kỹ thuật của tôi cũng rất tận tâm với diện tích còn lại trong trang trại. Hai bên thỏa thuận, diện tích 1ha hợp tác chăm bón thế nào thì diện tích còn lại cũng làm tương tự. Thành quả là toàn bộ diện tích trong trang trại tôi phát triển tốt. Bản thân tôi và những người làm công cũng được tiếp thu kỹ thuật trồng, chăm bón cây trồng. Đây có thể coi như là một hình thức hợp tác chuyển giao kỹ thuật giữa người làm công và chủ trang trại. Khi hợp đồng kết thúc cũng là lúc tôi sẽ lĩnh hội được kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả”.
Được biết, trang trại của ông Quế đang hoàn thiện hồ sơ để được công nhận VietGAP. Ý tưởng của ông Quế là sau vụ thu hoạch này, toàn bộ diện tích bưởi sẽ được ghép bằng mắt ghép cam đường bởi đây là loại cam khó tính nhưng nếu nắm bắt được kỹ thuật sẽ cho năng suất cao, đầu ra rộng.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ