Mô hình kinh tế Đánh Bắt Ghẹ, Ốc Hương Bằng Rập Đang Ăn Nên Làm Ra
Mô hình kinh tế Đánh Bắt Ghẹ, Ốc Hương Bằng Rập Đang Ăn Nên Làm Ra

Đánh Bắt Ghẹ, Ốc Hương Bằng Rập Đang Ăn Nên Làm Ra

Ngày đăng 11/02/2015

Đánh Bắt Ghẹ, Ốc Hương Bằng Rập Đang Ăn Nên Làm Ra

3 năm trở lại đây, các phương tiện hành nghề đánh bắt ốc hương và ghẹ bằng rập trúng lớn. Năm 2014 và đầu năm 2015, chủ các phương tiện đánh bắt hải sản bằng giã cào, lưới rút đã có hướng chuyển sang hành nghề rập ghẹ, ốc.

Mỗi chiếc tàu làm nghề rập ghẹ, ốc phải “cõng” trên mình từ 1.000 đến 1.600 chiếc lồng rập tùy theo công suất vỏ và máy.

Theo ngư dân Nguyễn Văn Út, ở phường Thắng Tam (TP. Vũng Tàu), nghề rập ghẹ, ốc đã có ở đất Vũng Tàu từ những năm 90 của thế kỷ trước, là nghề truyền thống của những ngư dân gốc Bình Định, Quảng Ngãi di cư vào Nam. Ở BR-VT, ngư dân hành nghề rập ghẹ, ốc tập trung chủ yếu ở khu vực Xóm Lưới (TP. Vũng Tàu), thị rấn Phước Hải (huyện Đất Đỏ),

Trước đây chỉ có vài chục chiếc, nay đã phát triển mạnh với hàng trăm chiếc tàu, ghe đánh bắt ghẹ, ốc bằng rập. Rập là phương tiện đánh bắt gồm những chiếc vòng sắt kết nối với lưới (loại lưới dày), được thả xuống biển thu hút ghẹ, cua, ốc chui vào bởi hộp mồi đặt giữa lồng rập. Tổng vốn đầu tư đóng mới một chiếc tàu hành nghề rập công suất 460CV và 1.600 chiếc rập vào thời điểm này khoảng 2,8 tỷ đồng.

Ngư dân Phạm Văn Trọng, ở phường 2 (TP. Vũng Tàu) cho biết, tuy mới chuyển qua nghề rập ghẹ, ốc được 3 năm, nhưng anh thấy nghề này làm nhàn, sống được. Trước đây, tàu nhà anh Trọng hành nghề giã cào, nhưng phần ngư trường cạn kiệt, phần Nhà nước không khuyến khích loại hình đánh bắt có tính tận diệt này nên năm 2012, anh Trọng quyết định chuyển sang nghề rập. Đến nay, cả 3 chiếc tàu có công suất 300CV của anh Trọng đều đi rập ghẹ, ốc với khoảng 4.000 rập.

Anh Trọng cho biết, để đi biển, mỗi chiếc tàu hành nghề rập ghẹ, ốc tùy theo công suất, phải trang bị từ 1.000 - 1.600 rập. Mùa đánh được nhiều ghẹ, ốc thường rơi vào khoảng từ tháng 3 đến tháng 5 âm lịch, các tháng còn lại thả rập cũng có nhưng không nhiều bằng. Tùy theo kinh nghiệm tài công, mùa vụ mà đánh lộng (gần bờ) hay đánh khơi (khoảng 90 hải lý). Khoảng 3 ngày đánh bắt, tàu thu mua đưa sản phẩm vào bờ, ít cũng kiếm được 240kg ghẹ/chiếc, nhiều thì được 450kg/chiếc.

Ốc hương ngày ít cũng thu hoạch được từ 15 - 30kg, còn trúng thì từ 90 - 120kg. Giá ghẹ bán cho vựa hiện nay 150 ngàn đồng/kg (6 con) đến 190 ngàn đồng/kg (4 con/kg); ốc hương 220 ngàn đồng/kg (30 con), 360 ngàn đồng/kg (11 con). Từ lượng hải sản và giá bán trên, trong 3 ngày đi biển, doanh thu của các tàu hành nghề rập ghẹ, ốc hương đạt bình quân 70 - 80 triệu đồng.

Theo các ngư dân, làm nghề rập, vỏ tàu và máy móc, chi phí dầu và nhân công đỡ hao tổn hơn. Ngoài việc chạy tàu ra đến điểm đánh bắt khoảng 90 hải lý, các ngày còn lại rất khỏe. Buổi sáng, tàu chạy thả rập, buổi chiều tắt máy, neo tàu nghỉ, sáng tiếp tục cho đợt thả rập mới, vì vậy, số dầu chạy máy tàu trong một ngày chỉ khoảng 100 lít dầu DO. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực sử dụng trên tàu cũng ít, chỉ cần 5 đến 6 người.

“Nếu đi giã cào, mỗi chuyến biển cần từ 50 - 60 ngàn lít dầu thì nghề rập chỉ khoảng 3.000 lít dầu cho chuyến biến kéo dài cả tháng, máy móc được nghỉ ngơi nên ít xảy ra hỏng hóc. Chi phí ít, giá trị hải sản bán giá cao, không bị ép giá do không phụ thuộc thị trường xuất khẩu, nên nếu đánh đạt có thể kiếm lãi từ 400 - 500 triệu đồng cho mỗi chuyến biển” - anh Trọng nói.


Nguồn Cung Thực Phẩm Từ Gia Súc, Gia Cầm Dồi Dào Nguồn Cung Thực Phẩm Từ Gia Súc, Gia… Mức Thu Nhập Tại Các Xã Nông Thôn Mới Tăng Mạnh Mức Thu Nhập Tại Các Xã Nông Thôn…