Tin nông nghiệp Đánh giá về tăng trưởng nông nghiệp Việt Nam bị thấp hơn thực tế?

Đánh giá về tăng trưởng nông nghiệp Việt Nam bị thấp hơn thực tế?

Tác giả Thiên Hương, ngày đăng 30/05/2017

Đánh giá về tăng trưởng nông nghiệp Việt Nam bị thấp hơn thực tế?

Với hàng loạt phân tích, báo cáo mới nhất về sự tăng trưởng của các ngành hàng chính của nông nghiệp Việt Nam như thuỷ sản, rau quả, cà phê, cao su, đồ gỗ..., TS. Nguyễn Trung Kiên - Trưởng Bộ môn Nghiên cứu thị trường và ngành hàng (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn - Ipsard) nhận định, các số liệu đã từng công bố có thể chưa phản ánh hết tăng trưởng của ngành nông nghiệp Việt Nam.

Xuất khẩu tôm đang được đánh giá là điểm sáng trong triển vọng ngành nông nghiệp Việt Nam trong năm 2017. Ảnh: Internet

Tại Hội thảo Triển vọng thị trường ngành nông nghiệp Việt Nam do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard) và Vụ Kinh tế, Văn phòng Quốc hội phối hợp tổ chức, TS. Nguyễn Trung Kiên đã trình bày báo cáo Thị trường nông nghiệp Việt Nam năm 2016 và triển vọng năm 2017. Báo cáo chỉ ra trong giai đoạn từ 2014 - 2016, đỉnh tăng trưởng của ngành nông nghiệp năm sau đều thấp hơn năm trước, ngành nông nghiệp chỉ đóng góp khoảng 0,36% GDP cả nước, kéo theo đó là tỷ trọng đầu tư phát triển toàn xã hội và đầu tư công cho ngành nông - lâm thuỷ sản thấp và giảm liên tục trong khoảng 1 thập kỷ qua. 

Cụ thể, từ mức đầu tư chiếm hơn 7% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2005, đến năm 2015 mức đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp đã giảm chỉ còn chưa đến 6%. Sự kém hấp dẫn của lĩnh vực nông nghiệp còn thể hiện ở chỗ, năm 2016, tỷ trọng FDI dành cho nông lâm thuỷ sản vẫn rất nhỏ bé, chỉ chiếm 0,41% trong cơ cấu các ngành kinh tế. 

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Trung Kiên, trong bức tranh tăng trưởng của ngành nông nghiệp và thương mại nông nghiệp nước ta lại có những trái chiều đáng chú ý. Đó là tăng trưởng xuất khẩu nông lâm sản thuỷ sản biến động mạnh, nhưng thường cao hơn nhiều so với tăng trưởng giá trị sản xuất; đồng thời ngành nông nghiệp vẫn tiếp tục có đóng góp lớn vào cán cân thương mại Việt Nam.

Phân tích rõ hơn về sự trái chiều này, ông Kiên cho rằng có 3 vấn đề cần quan tâm. Một là động lực tăng trưởng của nông nghiệp Việt Nam suy yếu, kéo theo suy giảm tăng trưởng sản xuất. Hai là tăng trưởng sản xuất nông nghiệp Việt Nam đang bị đánh giá thấp hơn thực tế, bởi dư địa phát triển cho ngành thuỷ sản, rau quả và đồ gỗ vẫn rất dồi dào, với nhiều tín hiệu tốt từ các thị trường xuất khẩu. Cụ thể, theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), năng suất lao động nông nghiệp của Việt Nam ước tính cao hơn từ 1,5 - 1,6 lần so với số liệu thống kê, thậm chí giá trị gia tăng mỗi lao động ngành nuôi tôm, hoặc cá tra có thể còn cao hơn cả ngành công nghiệp chế tạo hoặc dịch vụ. 

Ba là Việt Nam đang tăng phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu thô nhập khẩu cho chế biến - xuất khẩu nông lâm thuỷ sản. Cụ thể, năm 2016 tỷ trọng giá trị nhập khẩu so với giá trị xuất khẩu của hạt điều là 58%; cao su là 41%; thuỷ sản là 16%; gỗ và sản phẩm từ gỗ khoảng 26%.

Ông Kiên cũng đặt câu hỏi: "Dường như Việt Nam đang trở thành công xưởng, hay trung tâm luân chuyển tôm của toàn cầu? Bởi năm 2016, Việt Nam vẫn là thị trường xuất khẩu tôm số 1 của Ecuador, số 2 của Ấn Độ và Thái Lan". 

Dự báo về triển vọng thị trường ngành nông nghiệp Việt Nam 2017, TS.Nguyễn Trung Kiên cho rằng năm nay chúng ta tiếp tục có các triển vọng tích cực. Thực tế cho thấy, trong quý I.2017, xuất khẩu cà phê đã tăng tới 27% về giá trị; thuỷ sản cũng tăng 3%; cao su tăng 6% về lượng và tăng tới 90% về giá trị; rau quả cũng tăng tới 23%. Nếu có lo ngại về thị trường xuất khẩu nông sản thì chủ yếu nằm ở lĩnh vực lúa gạo.

"Hiện nay tồn kho gạo thế giới nói chung và các nước xuất nhập khẩu gạo lớn còn cao, điều này duy trì giá gạo đi ngang chứ rất khó tăng đột biến. Trong khi đó, gạo Việt Nam cũng đang phải cạnh tranh khốc liệt với gạo Ấn Độ, Thái Lan và chiến lược đa dạng hoá nguồn cung của Trung Quốc, Philippines. Khuynh hướng suy giảm tiếp diễn cả về lượng lẫn giá trị xuất khẩu gạo trong quý I.2017 đang báo hiệu 1 năm không dễ dàng gì đối với xuất khẩu gạo" - báo cáo của Ipsard nhận định.

Tuy nhiên, ông Lưu Ngọc Lương - đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng mặc dù các chuyên gia đều cho rằng điểm sáng nhất của nông nghiệp Việt Nam trong năm nay là xuất khẩu, song chúng ta cũng không nên quá tự hào về điều này. Bởi trong quý I, xuất khẩu nông sản đạt 7,6 tỷ USD, song nhập khẩu các mặt hàng phục vụ chế biến nông, lâm, thuỷ sản cũng đã chiếm tới hơn 6 tỷ USD và nhập siêu đang có xu hướng tăng.

Cụ thể, theo báo cáo trước đó của Bộ NNPTNT, giá trị nhập khẩu nông, lâm, thủy sản trong tháng 3 năm 2017 ước đạt 1,96 tỷ USD, đưa giá trị nhập khẩu nông, lâm, thủy sản trong 3 tháng đầu năm 2017 đạt khoảng 6,01 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, chúng ta phải chi tới 4,51 tỷ USD để nhập các mặt hàng nông sản chính, tăng khoảng 20,1% so với cùng kỳ năm 2016...

"Tôi cho rằng chúng ta không nên quá tự hào về thành tích xuất khẩu, bởi bản chất của xuất khẩu nhiều ngành hàng trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay là xuất khẩu tài nguyên. Ví dụ như xuất khẩu gạo, cà phê, chúng ta xuất thô là chính, trong khi để làm ra hạt lúa, hạt cà phê chúng ta sử dụng tài nguyên đất, tài nguyên nước quá nhiều. Do đó chúng ta cần có góc nhìn khác đối với ngành lúa gạo nói chung và xuất khẩu nông sản nói riêng" - ông Lưu Ngọc Lương nói. 


Trung Quốc là thị trường nhập khẩu rau quả chính của Việt Nam Trung Quốc là thị trường nhập khẩu rau… Kiếm tiền tỷ nhờ chinh phục xoài cát Hòa Lộc Kiếm tiền tỷ nhờ chinh phục xoài cát…