Đánh thức vị ngọt của nho - Bài 1: Mùa nho đắng
Cùng với Ninh Thuận, Bình Thuận là địa phương duy nhất của cả nước có điều kiện, thổ nhưỡng phù hợp phát triển cây nho. Nho Bình Thuận mọng nước, có vị ngọt nhẹ và từ lâu đã trở thành đặc sản miền nắng gió Tuy Phong, nhưng việc giữ ổn định diện tích cây nho luôn là câu chuyện nhiều trắc trở.
Ông Ròm bên vườn nho bị hư hại.
Giá nho vụ nghịch đang ở mức cao nhưng vẫn khan hiếm hàng. Các vườn nho ở Tuy Phong đều bị mất mùa do mưa kéo dài hồi đầu vụ.
Mất trắng mùa nho tết
Dự báo thời tiết bão số 14 sẽ vào Bình Thuận, ông Nguyễn Văn Ròm ở thôn 1, xã Phước Thể (Tuy Phong) thấy lòng như có lửa đốt. Một đêm trước ngày hay tin bão, nền trời ráng đỏ ửng, bụng ông bảo dạ: Thôi rồi, tết đến nơi mà vườn nho lại thêm một lần nữa tan hoang... Sáng hôm sau mưa dầm dề nặng hạt. Bản tin thời sự phát sóng trên ti vi văng vẳng: Bão tan thành áp thấp nhiệt đới. Lúc ấy tâm trí ông mới vơi đi nỗi lo trong lòng.
Mặc dù Bình Thuận chỉ bị ảnh hưởng cơn bão Damrey vào đầu tháng 11, nhưng có mặt tại xã Phước Thể, địa phương có diện tích nho nhiều nhất huyện Tuy Phong có đến hàng chục ha nho bị hư hại. Nhiều vườn nho đang thời điểm ra hoa, kết trái bị ngập nước dài ngày làm mất trắng sản lượng. Ông Ròm nhớ lại, để cứu vườn nho sau đợt mưa nhiều ngày, ông phải thuê máy bơm nửa ngày thì vườn nho hơn 4 sào mới ráo nước ngập. “May sao, đợt áp thấp này chỉ mưa lớn một ngày rồi nắng lên. Tranh thủ vớt vát được đồng nào hay đồng đó cô à, mong vụ nho chính vụ tháng 2 âm lịch sẽ thuận lợi”, nói rồi ông Ròm cặm cụi cắt những chùm nho chín chưa đều màu còn sót lại trên giàn. Gió thi thoảng thổi làm hất tung mái tóc muối tiêu lộ rõ làn da rám nắng hằn sâu nếp nhăn tuổi tác, sự vất vả. Dưới cái nắng mới lên, lão nông vẫn cần mẫn từng động tác khéo léo mót những chùm trái còn nguyên vẹn. Bao năm gắn bó với cây nho, chứng kiến bao thăng trầm với loại quả này ông đã thêm dạn dày kinh nghiệm. “Cây nho chịu hạn gặp mưa là mất trắng, chưa kể là sâu bệnh... Đám nho này giờ chỉ làm rượu thôi. Chủ vựa chọn kỹ lắm, nếu quả chín chưa tới, không đủ độ đường thì phải cắt bỏ. 4,5 sào chỉ ngót nghét 1 tấn, nho xấu chỉ bán với giá 5.000 đồng/kg”, ông Ròm buồn rầu nói.
Ông Võ Lẽ - Tổ trưởng tổ nho (Tổ hợp tác nông nghiệp xã Phước Thể) cho biết thêm: “Cuối năm 2016 đến nay lượng mưa nhiều hơn mọi năm nên cây nho bị thiệt hại. Riêng tổ nho có 24 ha thì chỉ vài hộ thiệt hại mức độ 50%, bán giá 15.000 đồng/kg để mong huề vốn, còn lại đa số mất trắng”. Không chỉ ở Phước Thể, người trồng nho Phú Lạc, Phong Phú mùa nho tết này cũng kém vui.
Gắn bó cây lợi thế
Những năm gần đây giá nho ổn định ở mức cao, nếu làm bài toán so sánh thì trồng nho vẫn lợi nhuận gấp 2 – 3 lần làm lúa, điều này lý giải khi ông Ròm mạnh dạn chuyển đổi 4,5 sào lúa sang trồng nho. Ngoài trồng nho bán trái tươi như ông Ròm, nông dân nơi đây còn chế biến các sản phẩm từ nho như rượu nho, mật nho và mở vườn để phục vụ du khách tham quan, du lịch tìm hiểu về mô hình trồng nho. Xã Phước Thể có điều kiện đất đai và khí hậu với đặc trưng khô và nóng ẩm rất thích hợp cho loại trái cây đặc trưng này phát triển và cho năng suất cao, nên cây nho được xác định là cây trồng chủ lực của xã. Dù vậy, việc sản xuất cây nho tại xã Phước Thể nói riêng cũng như một số xã trên địa bàn huyện còn gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật canh tác chưa hợp lý, bón phân chưa cân đối, thu hoạch không đúng thời gian nên chất lượng nho ngày càng giảm.
Tôi gặp anh Huỳnh Tấn Dũng – Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Thể khi anh đang rà soát thống kê các hộ trồng nho bị thiệt hại để báo cáo Phòng Nông nghiệp huyện, làm cơ sở giúp bà con tiếp cận vốn tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội để tái đầu tư trồng nho sau lần hư hại này. Anh Dũng nói: “Toàn xã có 36 ha trồng nho thì toàn bộ hư hại đến 90% sản lượng. Vì vậy việc trợ lực nguồn vốn vay, kỹ thuật chăm sóc cây cho nông dân lúc này cần thiết hơn bao giờ hết”.
Thời gian qua, nông dân xã Phước Thể được tạo điều kiện vay vốn đầu tư làm dự án “trồng nho” trong thời gian 2 năm (2015 – 2017). Dự án đã giải ngân cho 12 hộ hội viên vay với số tiền 400 triệu đồng phân bổ qua Ngân hàng CSXH quản lý. Qua 2 năm thực hiện, dự án thu hút 70 lao động có việc làm và thu nhập ổn định. Đã có 10 hộ thoát nghèo, 35 hộ có thu nhập ổn định, 5 hộ vươn lên khá giàu. Điển hình phải kể đến các hộ Đào Ngọc Phong, Đặng Ngọc Sắt, Hồ Văn Hùng… Dự án đặt ra yêu cầu xây dựng một chuỗi giá trị từ người nông dân cho đến thương lái, nhà bán sỉ, lẻ, siêu thị, nhà chế biến… Tuy nhiên, việc tìm ra phương hướng phát triển cho loại sản phẩm tiềm năng này từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ vẫn còn loay hoay.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ