Tin nông nghiệp Đào ao trữ nước tưới, giải pháp hiệu quả ở Tây Nguyên

Đào ao trữ nước tưới, giải pháp hiệu quả ở Tây Nguyên

Tác giả Mai Phương - Minh Hậu, ngày đăng 31/07/2021

Đào ao trữ nước tưới, giải pháp hiệu quả ở Tây Nguyên

Với ao nước rộng 600m2, gia đình ông Lạ Cảnh Cường đã chủ động hoàn toàn được nước tưới cho vườn sầu riêng 22 ha, giúp cây sinh trưởng mạnh trong mùa khô kéo dài.

Ao chứa nước của gia đình ông Lạ Cảnh Cường rộng 600 m2 đảm bảo nước tưới cho 22 ha sầu riêng trong mùa khô. Ảnh: M.P.

Ao chứa nước đơn giản

Tại xã Hòa Thắng (TP Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk), ông Lạ Cảnh Cường đang thực hiện mô hình trồng sầu riêng xen chuối theo hình thức nông nghiệp hữu cơ. Trên diện tích 22 ha, những hàng sầu riêng 3 năm tuổi xen với những hàng chuối cứ vươn mình xanh mướt đến ngút mắt.

Ông Cường cho biết, sầu riêng đang ở độ phát triển nên việc đảm bảo nguồn nước tưới rất quan trọng. Ở vùng Đăk Lăk nói riêng và Tây Nguyên nói chung, mùa khô thường kéo dài 6 – 7 tháng nên nếu không có cách để duy trì độ ẩm nền vườn, sẽ làm sầu riêng bị khô rễ, rụng lá thậm chí chết khô.

Ông Cường cho biết: “Trên diện tích 22 ha, tôi trồng khoảng 5.000 gốc sầu riêng và hàng chục ngàn gốc chuối (chuối được trồng xen để lấy ngắn nuôi dài). Để duy trì nước tưới cho diện tích lớn như thế, tôi phải đào ao trữ nước ngay trong khuôn viên vườn cây”.

Ao nước mà ông Cường đề cập đến là công trình rộng khoảng 600 m2, với độ sâu 4m và dung tích chứa khoảng 1.600 m3. Để tạo nguồn nước cho hồ chứa này, chủ vườn tổ chức thực hiện 4 giếng khoan và lắp đặt máy bơm để đẩy nước về lưu trữ.

Nguồn nước khi vào hồ được lưu, lắng và được kiểm tra thường xuyên để đảm bảo độ trong sạch. Từ ao nước này, chủ vườn đặt hệ thống máy bơm công suất lớn để đẩy nước lên các đường ống hiện đại, chuyển đến từng gốc cây theo phương pháp tưới tiết kiệm.

Theo ông Lạ Cảnh Cường, trong điều kiện mùa khô kéo dài, khan hiếm nước như hiện nay, việc tưới phun, tưới dí vào từng gốc cây theo hình thức truyền thống sẽ tốn rất nhiều nước lẫn công sức, thời gian và chi phí mà hiệu quả lại thấp. Do vậy, để sử dụng hiệu quả nguồn nước từ ao chứa nhỏ trong vườn, gia đình ông lắp đặt hệ thống bét tưới cục bộ tiết kiệm.

Hình thức tưới này giúp tiết kiệm nguồn nước, đảm bảo được độ ẩm liên tục cho nền vườn và giảm được nhân công lao động. “Phải sử dụng như thế mới đảm bảo được nước cho cây trong mùa khô. Còn làm theo cách truyền thống thì biết bao nhiêu nước cho đủ”, ông Lạ Cảnh Cường chia sẻ.

Cách thực hiện công trình chứa nước của ông Cường cũng khác hẳn với cách làm của nhiều hộ dân lân cận. Thay vì khơi đất, tráng đáy bằng xi măng, bê tông thì ông Cường chỉ xây dựng theo hình thức khơi đất và lót bạt nhựa HDPE. Bạt này có độ dày khoảng 1mm và chi phí đầu tư ở vào khoảng 70.000 đồng/m2.

Ông cho hay, bạt nhựa này có độ bền cao, độ co giãn tốt và có tuổi thọ lên đến hơn 10 năm. Cũng chính vì bạt nhựa có độ co giãn nên khi lót đáy ao không sợ bị rạn nứt, thấm nước như công trình bê tông. Trong trường hợp nhựa bị thủng chỉ cần dùng keo bơm vào để vá hoặc dùng nhiệt hàn lại là an toàn.   

Giảm chi phí vận hành

Theo tính toán của ông Cường, việc đào ao chứa để trữ nước mang lại hiệu quả cao. Đối với diện tích 22 ha sầu riêng xen chuối của gia đình, ông chỉ cần khoan 4 giếng và ban đêm bơm nước vào ao để tích lại, duy trì nguồn, còn ban ngày sẽ tưới cho cây. Về hệ thống ống dẫn, ống chôn ngầm thì chi phí đầu tư khoảng 25 triệu đồng/1ha. Chi phí cho 4 động cơ máy bơm lắp đặt ở 4 giếng khoan và một máy bơm công suất lớn lắp đặt tại hồ khoảng trên 100 triệu đồng.

 “22 ha vườn nhưng chỉ cần một hoặc hai người vận hành là việc tưới tắm được đảm bảo. Đơn giản chỉ là người đóng nguồn điện khởi động máy bơm và một ít người đi kiểm tra bét phun là xong”, ông Lạ Cảnh Cường chia sẻ.

Cũng theo ông Cường, hiện tại, lứa sầu riêng trong vườn đang độ phát triển mạnh nên mỗi ngày cần khoảng 3-5 lít nước/gốc, chuối cũng có nhu cầu 10-15 lít nước/ngày. Để đảm bảo vừa tiết kiệm nguồn nước nhưng vẫn đủ lượng cho cây trồng, gia đình ông áp dụng hệ thống tưới thông minh, có lập trình.

Về lâu dài, chủ vườn phân tích, khi sầu riêng vào độ kinh doanh, cây đã đạt độ to lớn nhất định, có rễ cọc cắm sâu vào đất nên lượng nước cho sầu riêng cũng không cần nhiều như thời gian mới trồng. Hơn nữa, thời điểm sầu riêng kinh doanh, chủ vườn cũng sẽ hạn chế lượng chuối do vậy nguồn nước từ hồ 600 m2 có thể dư nước tưới cho cả vườn 22 ha.

Hiện nay, ngoài việc áp dụng mô hình đào ao chứa nước phát triển 22 ha sầu riêng xen chuối ở xã Hòa Thắng, gia đình ông Lạ Cảnh Cường cũng thực hiện mô hình sầu riêng 30 ha ở huyện Krông Buck (Đăk Lăk). Đối với 30 ha ở huyện này, ông lắp đặt hệ thống ống dẫn nước từ hồ lớn về ao ở khuôn viên vườn và cũng lắp đặt hệ thống tưới tương tự.

Ông cho hay, việc chăm sóc vườn cây được ông thực hiện từ xa thông qua các thiết bị hiện đại. Về phần tưới tiêu, ông chỉ để 2 nhân viên túc trực để 1 người vận hành máy bơm, 1 người đi kiểm tra các bét phun. “Nếu làm theo kiểu truyền thống thì riêng việc tưới tiêu cho sầu riêng ở 30 ha này cũng phải mấy chục người”, ông Cường chia sẻ.

Vận hành hệ thống tưới cho cả khu vườn 22 ha nhưng mỗi tháng gia đình ông Cường chỉ mất vẻn vẹn chưa đến 10 triệu đồng tiền điện. Mô hình đào ao trữ nước và dùng vật nhiệu bạt nhựa láng đáy đã mang lại hiệu quả rõ rệt so với cách làm truyền thống.

Do vậy, thời gian gần đây, nhiều nông dân trong vùng đã đến vườn của ông để tham quan, học hỏi sau đó áp dụng vào sản xuất. Mô hình hồ trữ nước này vừa tiết kiệm nước, công sức, chi phí đầu tư và hiệu quả cao.


Nuôi lươn thương phẩm sử dụng thức ăn công nghiệp tại Hậu Giang Nuôi lươn thương phẩm sử dụng thức ăn… Lợi ích không tưởng của hệ thống chăn nuôi Silvopasture Lợi ích không tưởng của hệ thống chăn…