Tin nông nghiệp Đào thất thốn tiến vua vì sao quý hiếm

Đào thất thốn tiến vua vì sao quý hiếm

Tác giả Hải Đăng, ngày đăng 17/02/2016

Đào thất thốn tiến vua vì sao quý hiếm

Anh Hàm cho biết, đào thất thốn rất khó nhân giống và kén khách chơi nên giống đào này ngày càng hiếm dần, vườn của anh là một trong số những vườn hiếm hoi còn sót lại ở Việt Nam.

Cũng theo anh Hàm, đến nay cái tên “thất thốn” của giống đào quý này chưa được thống nhất, lý giải cho ngọn ngành.

“Thốn” là đơn vị đo chiều dài của y học phương Đông cổ xưa, tương đương 1 đốt ngón tay.

Có người bảo gọi “thất thốn” bởi lá đào dài đúng 7 thốn, người lại nói cứ 7 thốn cây sẽ chia cành một lần, 1 thốn có 7 bông hoa, người khác lại bảo, gọi như vậy vì cứ 7 thốn sẽ có một bông mọc thẳng từ thân, 7 năm mới ra hoa kép 7 tầng, mỗi tầng hoa có 7 cánh…

Cận cảnh một cây đào thất thôn quý hiếm nở rực rỡ tại vườn của anh Hàm.

Anh Hàm cho biết, đào thất thốn dáng bé nhỏ, chỉ cao chừng 1m, gốc cây xù xì, mốc meo, thân cây rắn rỏi, vào mùa đông nhìn như gốc củi mục.

Có cây không lá, không chồi, không hoa, nụ thì đen xì.

Nhưng giữa những “cành củi” mốc meo ấy là những nụ hoa đào ẩn mình chờ đâm chồi, nảy lộc.

Đặc biệt hơn, hoa đào thất thốn còn có thể mọc ở giữa gốc, giữa thân.

Có cây, hoa còn mọc ở sát mặt đất, có cây ủ nụ vài năm mới nở hoa.

Ra hoa trên thân cây là nét đặc biệt chỉ có ở đào thất thốn mà hiếm giống đào khác có được.

Hoa của đào thất thốn cũng cực kỳ đặc biệt, có hai màu nhung đỏ và hồng phai, nhung đỏ hoa kép, hồng phai hoa đơn, nhụy vàng tươi, có mùi thơm thoang thoảng.

Những bông hoa kép có thể có từ 30 – 50 cánh/bông, khi tàn không rụng cánh lả tả như các giống đào khác mà vẫn ở nguyên trên đài hoa.

Cái lạ nữa là hoa mọc thành “chùm” vài bông một, nhưng nếu không nở cùng lúc mà có bông nở trước, nó sẽ nở trùm lên những nụ khác, không cho những bông kia đẹp cùng.

Anh Đàm đang tưới, chăm sóc đào tại nhà ươm của gia đình.

Không như giống đào khác, đào thất thốn chẳng những cực kỳ khó chăm, khó ép ra hoa mà phải bỏ ra rất nhiều thời gian.

Để một gốc đào thất thốn trưởng thành có thể cho thu hoạch, anh Hàm ước tính phải mất 10 - 12 năm.

Ngoài ra, giống đào này gần như không sống cùng với các giống khác, nên nếu muốn ghép với đào rừng hay đào ta cũng khó.

Anh Hàm phải ươm cây từ hạt của chính giống thất thốn để tạo ra cây thuần chủng, mà chúng chậm lớn vô cùng.

Cây 1 năm tuổi chỉ cao chừng gang tay, mỗi năm sau, chúng nhích thêm được vài cm nữa.

 Những nụ, bông hoa đào thất thốn đẫm sương đẹp lung linh.

Bởi cái khó, cái đỏng đảnh, kiêu kỳ và cả sự đặc biệt của đào thất thốn, chẳng những chúng kén người làm cây mà kén cả người thưởng lãm.

“ Người chơi được đào thất thốn phải là người cầu kỳ, hiểu biết và thực sự gửi gắm linh hồn, tình cảm vào cây, không phải cứ có tiền là chơi được.

Tôi chỉ bán hoặc cho thuê với những ai sành chơi, tinh tế và am hiểu về đào, vì việc chăm sóc đào thất thốn đòi hỏi người chơi phải có kiến thức, tâm hồn cũng như sự kiên nhẫn” – anh Hàm tiết lộ.


Hái lộc đầu năm cùng diêm dân Ninh Thuận Hái lộc đầu năm cùng diêm dân Ninh… Nông dân Ninh Thuận nhộn nhịp ra đồng vào dịp Tết Nông dân Ninh Thuận nhộn nhịp ra đồng…