Đạt danh hiệu cánh rồng vàng từ sản xuất sầu riêng giỏi
Gia đình anh Lê Văn Hải có mặt tại xã Đạ Ploa khá sớm từ năm 1988, nhưng bỏ về quê cũ vì không chịu nổi bệnh sốt rét hành hạ. Nhưng rồi ở quê củ miền Tây Nam Bộ “đất không nuôi nổi người” nên năm 1994, anh Hải quay trở lại Đạ Ploa, mua đất trồng cà phê, sầu riêng hạt, song phải bán toàn bộ 2 ha vườn để trả nợ, do cà phê rớt giá. Năm 2002, anh Hải lại tiếp tục mua 3 ha đất ven đồi và tiến hành khai hoang, phục hóa, trồng 100 cây sầu riêng giống Mong Thor - Thái Lan.
Với giống sầu riêng này, từ khi trồng mới đến khi cho thu hoạch phải mất 4 năm nên trong thời gian chờ đợi vợ chồng anh Hải phải đi khắp thôn, xóm, xã, huyện làm thuê bất cứ công việc nặng nhọc nào, kể cả việc nuôi bò thuê. Tiền công từ việc làm thuê, phần lo cho các con ăn học, trang trải cuộc sống, phần đầu tư chăm sóc 100 cây sầu riêng và mấy sào điều cao sản.
Cho đến năm 2006, 100 cây sầu riêng của anh cho thu hoạch lứa đầu tiên, năng suất tăng cao dần vào các năm tiếp theo. Đến năm 2009, từ nguồn vốn tích lũy mà vườn sầu riêng mang lại, anh tiếp tục đầu tư trồng mới 150 cây sầu riêng cũng loại giống Mong Thor - Thái Lan.
Đến nay, 250 cây sầu riêng của gia đình anh đạt năng suất “lý tưởng” trên 45 tấn. Với sản lượng này, lúc vào vụ thu hoạch, sầu riêng Mong Thor - Thái Lan có giá 50.000 đồng/kg, gia đình anh đạt thu nhập trên 2 tỷ đồng và khi vào chính vụ nếu giá hạ xuống 30.000 đồng/kg vẫn cho gia đình thu về trên 1,3 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí các khoản, lợi nhuận còn lại cũng đạt bình quân trên 1 tỷ đồng/năm.
Điều đáng nói là: Do sớm trồng sầu riêng giống Thái Lan, nên gia đình anh Hải là một trong các hộ dân ở xã Đạ Ploa nói riêng, huyện Đạ Huoai nói chung có được thu nhập cao. Và cũng nhờ có nguồn thu nhập cao, ổn định đó, vợ chồng anh chị không những đã thoát nghèo mà còn trở thành hộ gia đình khá giả ở địa phương.
Điều quan trọng nữa là: Trong quá trình thâm canh sầu riêng Thái Lan, anh Hải vừa chịu khó học hỏi kiến thức khoa học trồng trọt, chăm sóc sầu riêng từ trong sách báo, mạng internet; vừa học kinh nghiệm của các nhà nông trong vùng và mày mò nghiên cứu đặc tính của cây sầu riêng nhập ngoại… nên anh nắm bắt rất chắc kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho vườn sầu riêng của gia đình.
Theo anh, sầu riêng không khó chăm sóc so với cà phê và một số loại cây ăn trái khác, bởi nó không mang tính thời vụ, mà dàn trải trong cả năm và chỉ cần nắm rõ kỹ thuật phòng trừ bệnh xì mủ thân cây và nấm trái là xem như đã thành công.
Công thu hoạch cũng không cao, bởi thương lái thường chốt giá mua khi chưa vào thời vụ thu hoạch, sau đó họ thu hoạch theo từng đợt, chủ nhà chỉ việc giám sát việc thu hái, cân đếm trọng lượng, tính toán tiền nong. Khi thu hoạch xong, tiến hành tạo bồn, vào phân cho gốc, tưới tiêu, làm vệ sinh vườn cây và đợi đến ngày thu hoạch.
Những kinh nghiệm thâm canh sầu riêng Mong Thor - Thái Lan đã được anh Lê Văn Hải chia sẻ cùng nhiều hộ dân khác ở thôn 2, xã Đạ Ploa. Nhờ vậy, hiện nay, thôn 2, xã Đạ Ploa không chỉ là thôn dẫn đầu của xã Đạ Ploa, mà còn của huyện Đạ Huoai trong việc xây dựng thương hiệu sầu riêng trên vùng đất Nam Lâm Đồng.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ