Mô hình kinh tế Đất Nóng Lên Xanh…

Đất Nóng Lên Xanh…

Ngày đăng 21/06/2013

Đất Nóng Lên Xanh…

Vẫn biết là cuộc sống không hiếm những lối rẽ bất ngờ, những sự đổi thay vượt quá những điều ta vẫn nghĩ, tôi không thể kìm được tiếng thốt ngạc nhiên khi đứng trước vườn cao su trồng mới năm 2008 của Nông trường An Phú thuộc Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông…

Hàng hàng những sóng cây tăm tắp in ngần cái màu xanh bất tận vào bóng núi. Sự biệt nhãn khiến tôi cứ đứng ngắm rất lâu lứa cao su tiên phong trên vùng đất dữ. Không kém vẻ nhẫy nhượt cái sắc xanh trên đất bazan, lại thêm màu nắng gió khắc nghiệt nấn sâu vào từng thân lá khiến tôi chợt liên tưởng đến vẻ đẹp mặn mòi đầy sức sống của một sơn nữ đương thì… Khẽ ấn móng tay vào làn da mỏng, nhìn dòng nhựa li ti ứa ra, lòng chợt bâng khuâng nghe tiếng gió ngập ngừng chuyền trong phiến lá buổi chiều tà…

Một biệt đãi của đất dữ chăng khi không ít người đã tỏ ra hoài nghi với sự sinh tồn của cây cao su trên dải đất này? Thì chính tôi, từng chứng kiến sức sống của thứ cây này trên bao vùng đất cằn trơ đến tột cùng cũng đã hoài nghi: Những mầm sống khẳng khiu chập chờn trên đất, lưỡi cuốc xiết xuống cứ vang lên một thứ âm thanh khô khốc đến lạnh lẽo kia liệu có qua nổi một mùa gió, một mùa nắng lửa?

Cuối mùa khô năm 2010 khi nghe Tổng Giám đốc Phan Sĩ Bình thông báo “Cao su chỗ các ông vào giờ đã cao ngang đầu người, tỷ lệ chết chỉ có 3,6%” thực tình là tôi vẫn cứ hơi… hoài nghi. Không hoài nghi sao được cái vùng đất mà mùa nắng cứ cảm giác sự sống chỉ là cái vỏ xanh mỏng manh ôm trong ruột hòn than lửa luôn âm ỉ một sức nóng trường cửu. Và gió. Những cơn gió sẽ lồng lên man dại như là sự đay nghiến của đất trời. Hạt lúa gầy. Ngọn cỏ cũng gầy cả trong mùa xanh sự sống…

Tình cờ lại gặp những con người đã bổ nhát cuốc tiên phong cho lứa cao su năm ấy… Cô gái có vóc dáng mảnh mai, được coi là “hoa hậu” kia là Ksor Voi ở làng Klah. Nhà 8 người, làm rẫy mỗi năm được hơn tấn lúa, ăn được sáu, bảy tháng là hết. Voi học đến lớp 4 thì phải bỏ để tiếp thêm sức mà nhà đói vẫn hoàn đói… Siu Nhunh-người được coi là “bô lão” của đội, đã gần 50 mùa rẫy trên đầu mà đếm chưa hết bàn tay chưa năm nào làm được đủ lúa ăn… Siu Hai, chỉ vợ chồng với mỗi đứa con mà cùng cực đến độ nhiều tháng phải nấu lá mì ăn thay cơm…

Đến như Đội phó Kriu, quanh năm “con người trong nhà, chân tay để ngoài rẫy thì “năm may” cũng thiếu ăn vài tháng… Một vệt “đói” hằn lên mọi bản lý lịch trích ngang bây giờ đã  mất vết như có phép màu. Một khoảng sáng đã bừng lên trong mỗi gương mặt mà đói nghèo ngỡ như là định mệnh chung thân…

“Vạn sự khởi đầu nan”. Mà mùa cao su tiên phong năm ấy còn phải vượt qua cả núi thủ tục. Gọn ghẽ, không một điều tiếng từ đền bù đất cho dân, tuyển dụng lao động đến các yêu cầu phát triển dân sinh… Tôi đã có dịp chứng kiến hàng tuần liền Tổng Giám đốc Phan Sĩ Bình ở luôn tại hiện trường để chỉ đạo công việc, quyết tại chỗ những yêu cầu, vướng mắc. Có lẽ chưa ở đâu sự quyết liệt đến khắc khổ lại trở thành tự giác từ lãnh đạo đến công nhân  trong mùa trồng mới như ở Công ty này… Nhân ấy và bây giờ là quả ấy cũng là cái lẽ tự nhiên, chẳng vin vào sự biệt đãi nào…

Mùa trồng mới năm 2011 ngỡ sẽ thuận lợi sau những “khởi đầu nan” ấy thì lại nổi lên khó khăn mới… Khu vực biên giới Chư Prông có đến 9 công ty được giao đất trồng cao su với diện tích lên đến hàng chục ngàn ha. Lực lượng lao động cần đến hàng ngàn người. Riêng Công ty, với 1.000 ha trồng mới niên vụ này, lực lượng lao động cần tuyển là 300.

Một cuộc cạnh tranh để thu hút lao động đang diễn ra ngấm ngầm và phần thắng sẽ đến với ai có chính sách ưu việt nhất. 152 lao động tuyển được đợt này cũng đủ nói lên sự thiện cảm của họ đối với Công ty. Cứ kể một thí dụ như Ia Mơr. Xã chỉ có hơn 1.000 nhân khẩu thì đã có gần 200 lao động xin vào Công ty…

Từ làng Gà (xã Ia Boòng) đến địa điểm sản xuất của Nông trường mới An Biên phải trên 15 km. Thế nhưng làng đã có đến 50 người được tuyển vào công nhân. Rơ Mah Boi đảm nhận 3 ha cao su. Việc chỉ làm khoảng 20 ngày là xong nhưng lương mỗi tháng gần 3 triệu đồng.

Chồng ở nhà đảm đương 1 ha mì. Giá như trước đây thì chồng Boi khó mà chịu để vợ chồng mỗi người mỗi việc, lại phải đi xa như thế… Xa nơi làm việc hơn Boi cả chục cây số nữa, anh em Rơ Mah Thanh ở làng Klũ cũng đăng ký vào công nhân. Mà anh em Thanh là cháu ông Rơ Mah Duông-nguyên là Chủ tịch UBND huyện, là Phó Giám đốc Công ty…

Nhà đông anh em, cha già yếu, học được đến lớp 10 thì phải nghỉ. Nhưng là một thanh niên giàu ý chí, Thanh đã năng nổ hoạt động trong phong trào Đoàn và đã được kết nạp vào Đảng. Được hỏi sao lại xin vào công nhân, Thanh trả lời với vẻ tự tin: “Đi công nhân, cuộc sống khá hơn, điều kiện để mình phấn đấu rộng mở hơn”. 

Hỏi chuyện ông Phạm Ngọc Kiểm- Trưởng phòng Hành chính-Tổ chức mới hay: Chẳng phải ngẫu nhiên để có được sự thiện cảm ấy. Lao động nào được tuyển, tức khắc sẽ được hưởng ngay chế độ bảo hộ lao động gồm chăn màn, quần áo, trang bị cá nhân. Cứ bình quân mỗi lao động được trang bị bảo hộ giá trị gần 1 triệu đồng. Ngoài ra họ còn được một bữa ăn trưa tại hiện trường. Ai có nhu cầu xây dựng nhà cửa, Công ty sẽ hỗ trợ…

Thực ra sự thuyết phục về lợi ích vật chất cũng chỉ mới một phần. Đến với Công ty là sự cảm nhận hai chữ “Niềm tin” đã được chứng minh từ cách nay hơn 30 năm. Họ đã quá hiểu những lời hứa hẹn, những “làng công nhân” văn vẻ của các ông chủ-để rồi sau đó là nợ lương, là đủ các chiêu để lẩn tránh bảo hiểm…

Đây mới thực sự là động lực, là sức hút đối với họ. Từ sức mạnh của niềm tin, động lực cải biến cuộc sống đói nghèo, lạc hậu tất cả sẽ bắt đầu từ đây… Mới 5 mùa cao su bén rễ, Công ty đã hóa giải vùng đất nắng gió, nghèo kiệt cùng nên địa lợi, cố kết nhân hòa…

Trước khi được phép thực hiện chuyển đổi đất rừng nghèo sang trồng cao su, đề án đầu tư của Công ty với cái tên “Trồng cao su trên đất rừng được phép chuyển đổi tại các xã Ia Boòng, Ia Puch, Ia Mơr” mọi luận cứ, giải pháp từ đất đai đến môi trường, dân sinh đã được trình bày chi tiết, khoa học… Dù thực tế diện tích đất được giao trồng được cao su chỉ 2.400 ha thì với Công ty đây cũng là vốn quý.

Còn nhớ năm năm 1986 khi được bàn giao về Tổng cục, vốn liếng vườn cây của Công ty cũng chỉ có 2.234 ha mà gần một nửa trong số này phải thanh lý. Điều quan trọng là hiệu quả kinh tế như thế nào trên cùng một đơn vị diện tích. Với 85% diện tích vườn cây tăng trưởng vượt quy trình Tập đoàn giao, Tổng Giám đốc Phan Sĩ Bình nhận xét rằng với sức phát triển đáng lạc quan của các vườn cao su hiện tại, năng suất mủ  được thiết kế 1,6 tấn/ha hoàn toàn trong tầm tay.

Như vậy có nghĩa là với diện tích cao su định hình này, mỗi năm Công ty sẽ thu về trên 3.800 tấn mủ quy khô. Một chân trời cao su mới, một quần tụ dân sinh mới lại ra đời. Chưa đến ngày định hình nhưng nét phác cơ bản đã lên khung: Hai nông trường mới đã được thành lập với hơn 650 lao động-trong đó 65% là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.

Cơ sở hạ tầng đã được Công ty đầu tư xây dựng gồm đường lô và liên lô; đường giao thông, hệ thống điện sinh hoạt, khu nhà tập thể cho công nhân tổng trị giá 28,5 tỷ đồng. Ngoài ra thực hiện nghĩa vụ của một đơn vị kinh tế đứng chân trên địa bàn, từ năm 2008 đến nay, Công ty đã hỗ trợ công tác an sinh xã hội cho địa phương 3,1 tỷ đồng…

Đã qua những mùa trồng mới. Chiều biên giới lắng lại một cái gì  thật tĩnh lặng. Rời vùng đất dữ đang hóa lành trong mỗi khoảng xanh cứ từng ngày nhẫn nại lan trên từng khoảnh đất lòng chợt thấy bâng khuâng… An Biên, An Phú-một mùa gió mới đã phơn lại gần thêm khát vọng trong những cái tên nghe như chất chứa  bao đời từ mạch đất…


Tập Trung Trồng Mới Cao Su Tập Trung Trồng Mới Cao Su Dập Tắt Mầm Bệnh Trên Đàn Gia Súc Dập Tắt Mầm Bệnh Trên Đàn Gia Súc