Mô hình kinh tế Đau đáu tìm đầu ra cho nông sản

Đau đáu tìm đầu ra cho nông sản

Ngày đăng 07/09/2015

Đau đáu tìm đầu ra cho nông sản

Những ngày gần đây, trái thanh long Bình Thuận lại rớt giá thê thảm, đổ đống trên lề đường ở Hà Nội, TP HCM, bán rẻ như cho; nông dân Bình Thuận đem đổ thanh long cho bò ăn vì giá bán tại vườn chỉ 500-3.000 đồng/kg, loại bán xuất khẩu chỉ 4.000-7.000 đồng/kg. Thông tin này một lần nữa làm “đắng lòng” những người tâm huyết với nông nghiệp Việt Nam.

Nông dân… côi cút

Kể câu chuyện cười ra nước mắt về hạt gạo Việt bị Trung Quốc chê, GS- TS, nhà nông học Võ Tòng Xuân cho rằng nếu nông dân cứ sản xuất, tiêu thụ theo kiểu manh mún, tự phát thì muôn đời sẽ luẩn quẩn trong câu chuyện được mùa, mất giá. “Ai cũng biết Trung Quốc là thị trường xuất khẩu béo bở của gạo Việt Nam.

Phía Bắc Trung Quốc rất thích ăn gạo dẻo, hạt tròn của Nhật nên Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam đã nghiên cứu và tìm được giống lúa ĐS1 hạt tròn giống lúa Nhật nhưng dễ trồng hơn.

Thương lái “xúi” nông dân trồng mấy ngàn hecta lúa ĐS1 để xuất qua Trung Quốc, ban đầu suôn sẻ nhưng về sau họ không mua nữa vì ăn không giống gạo Nhật. Hay như nông dân tỉnh Sóc Trăng thấy Indonesia nhập hành tím nhiều, thương lái mua giá cao nên đua nhau trồng; đến khi Trung Quốc bán hành giá rẻ hơn, Indonesia giảm nhập thì mình chới với, ùn ứ” - GS-TS Võ Tòng Xuân nói.

Việc sản xuất tự phát, thiếu tính ổn định không chỉ ảnh hưởng đến đầu ra xuất khẩu mà còn làm khổ nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất kinh doanh nông sản. 8-10 năm trước, Công ty CP Vinamit ký hơn 1.000 hợp đồng trồng mít bao tiêu cho nông dân nhưng tới nay chỉ được vài hợp đồng có mít trả về. Có doanh thu từ mặt hàng nông sản gần 1.000 tỉ đồng/năm,

Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) cho biết đặc thù loại hàng này không bảo quản lâu nên tính kế hoạch rất lớn. Siêu thị đưa ra đơn hàng mỗi ngày cần bao nhiêu trái cây, rau củ và đặt hàng cho cả năm nhưng nông dân thì không ít lần “bẻ hợp đồng” bán cho đơn vị thu mua khác với giá cao hơn.

Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Vinamit, cho rằng lâu nay, nông dân sản xuất không theo kế hoạch, không “gút” được giá cố định là trở ngại rất lớn trong việc tính toán chi phí sản xuất cho DN.

Nếu nông dân như một nhà sản xuất có đơn hàng được chuẩn bị trước 1 năm với giá nhất định thì chắc chắn không xảy ra chuyện thặng dư hàng hóa hay được mùa mất giá. “Tuy nhiên, không thể đòi hỏi nông dân tính kế hoạch. Muốn vậy phải có nhà nước đứng ra điều phối: Thị trường nào? Ở đâu cần gì? Vùng đất nào trồng cây gì tốt?… rồi tổ chức cho nông dân sản xuất. Đồng thời, đứng ra tổ chức cho DN sản xuất và tiêu thụ liên kết lo đầu ra cho nông sản” - ông Viên đặt vấn đề.

“Nhạc trưởng” chưa tròn vai

Theo các chuyên gia về nông nghiệp, ở các nước tiên tiến, nông dân tham gia vào các tổ chức HTX, hiệp hội, tập đoàn nông nghiệp chứ làm ăn tự phát thì ngàn đời không thể giàu được.

“Nông dân chúng ta trồng lúa theo kiểu truyền thống, mất 3.500-4.000 đồng chi phí mới ra được 1 kg lúa, khi vào HTX trồng theo VietGap với sự chăm sóc của cán bộ, DN chỉ tốn 1.800-2.000 đồng/kg mà chất lượng lúa rất cao.

Nông dân Úc, Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, châu Âu… sản xuất theo đúng kỹ thuật do nhà nước chuyển giao để cho sản phẩm tốt và giá rẻ hơn nhưng nông dân Việt Nam rất “sáng tạo”, họ tiếp nhận kỹ thuật thường có “chế biến” thêm, kết quả là bón nhiều phân, phun xịt thuốc nhiều hơn… Vừa tốn công nhiều hơn vừa ảnh hưởng chất lượng, hạn chế đầu ra” - GS-TS Võ Tòng Xuân dẫn chứng.

Các DN cho rằng mấu chốt vấn đề là cần có vai trò của nhà nước chỉ đạo, điều phối, tạo điều kiện cho nông dân tham gia vào các HTX, tổ chức nông nghiệp. Hiện nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ nông nghiệp như chính sách về tam nông, nông thôn mới nhưng lại giao cho các cơ quan hành chính thi hành nên chưa đạt hiệu quả, chưa đi đúng vào đối tượng cần hỗ trợ.

GS-TS Võ Tòng Xuân mong muốn nhà nước đóng vai trò chính, thay đổi cách làm để vốn hỗ trợ đến đúng người cần. Bên cạnh đó, ngân hàng cần có trách nhiệm hơn trong việc cho vay đúng đối tượng. Nông dân phải đặt mình trong một tập thể cùng chịu trách nhiệm để người đặt hàng tin tưởng.

Các HTX phải cam kết giữ đúng chất lượng, giá cả và có trách nhiệm xã hội. Việc hợp tác, liên kết giữa nhà nông - nhà sản xuất, chế biến và nhà tiêu thụ rất quan trọng. Trên nữa là chính sách của nhà nước làm thế nào để DN chế biến tiếp cận được vốn ưu đãi, cải tiến máy móc thiết bị; nhà phân phối được giúp vốn để thu mua sản phẩm về tiêu thụ…

Nếu liên kết các nhà với nhau trong một chuỗi như thế sẽ không lo nông sản thừa đọng mà còn có thể giúp nông nghiệp Việt Nam cất cánh.

GS-TS Võ Tòng Xuân:


Campuchia đã làm được…

Gạo Campuchia đang được ưa chuộng hơn gạo Thái Lan vì họ làm rất bài bản. Dưới sự tài trợ của tổ chức IFC (tổ chức tài chính của Ngân hàng Thế giới), Campuchia chọn giống lúa ngon, chọn lựa các DN có tâm để đào tạo, cho vay tiền mua máy móc thiết bị hiện đại để sản xuất, dẫn DN đi chào hàng gạo ngon này tại các hội chợ quốc tế để giới thiệu, chào hàng... Nhờ vậy, gạo Campuchia mới được ưa chuộng. Còn tại Việt Nam, các DN tiêu thụ nông sản không có thị trường, chưa được tổ chức để xúc tiến thương mại bài bản không chỉ trong nước mà cả ở nước ngoài. Nhà nước để DN tự bơi, nông dân cũng tự bơi thì làm sao nông nghiệp phát triển được.

Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty CP Vinamit:



Phải có cái nhìn thị trường

Nông dân Việt Nam lâu nay chỉ tiếp cận thị trường thông qua thương lái giao dịch tại vườn, chưa có thói quen tiếp cận kênh tiêu thụ hiện đại chủ yếu bán ra chợ đầu mối. Vinamit mua sản phẩm của nông dân, thấy họ phân loại nông sản và giá bán rất chênh lệch.

Ví dụ, xoài loại 1 bán ra chợ có thể lên đến 50.000 đồng/kg nhưng xoài loại 2 có thể chỉ còn 5.000-6.000 đồng/kg. Chính vì mức chênh lệch này nên nông dân cứ nghĩ cách làm sao cho da trái xoài đẹp mà không nghĩ tới chất lượng.

Tuy nhiên, nếu đổ hết lỗi cho nông dân thì thật không công bằng vì bao đời nay họ vẫn tiếp cận thị trường như vậy. Chúng ta phải thay đổi ở góc độ vĩ mô, làm sao để có chính sách tập hợp tất cả nông dân lại, dung hòa lợi ích cho họ, trái tốt thì bán ăn tươi, da sần sùi thì bán cho chế biến, trái chín quá thì đưa vào ép nước…

Để làm được như vậy, toàn xã hội, bao gồm cả Chính phủ, phải có cái nhìn thị trường. DN và nhà nước cần có một sự hội tụ để tìm ra các ngách tiêu thụ khác biệt nhằm giải quyết được bài toán đầu ra cho nông dân.

Ông Nguyễn Vũ Toàn, Giám đốc phòng kinh doanh Liên hiệp HTX Thương mại



TP HCM - Saigon Co.op:

Tự hào về nông sản Việt

Saigon Co.op hiện có 80 siêu thị Co.opmart, gần 90 cửa hàng Co.op Food và đại siêu thị Co.op Xtra, cung cấp hàng cho người tiêu dùng cả nước.

Chúng tôi là những người tiên phong trong vấn đề tiêu thụ nông sản, trong đó có rau VietGap, GlobalGap. Tháng 9 này, Saigon Co.op tổ chức chương trình khuyến mãi đặc biệt mang tên “Tự hào hàng Việt” với mong muốn trong vai trò nhà bán lẻ, chúng tôi đưa sản phẩm Việt với niềm tự hào đến người tiêu dùng cả nước. Chương trình năm nay đi sâu hơn vào lĩnh vực nông sản bằng Tuần lễ nông sản Việt kéo dài từ ngày 4 đến 13-9.

Mỗi ngày chúng tôi chọn ra sản phẩm từ nông sản dùng hằng ngày trong bữa ăn gia đình để giảm giá mạnh nhằm kích cầu tiêu dùng, tăng sản lượng tiêu thụ, chứng minh cho người tiêu dùng Việt thấy chúng ta hoàn toàn có thể tự hào về chất lượng, thương hiệu nông sản Việt.




Giá trị xuất khẩu tiêu giảm nhẹ dù giá vẫn tăng Giá trị xuất khẩu tiêu giảm nhẹ dù… Sản xuất thực phẩm hữu cơ đang là xu hướng thời thượng Sản xuất thực phẩm hữu cơ đang là…