Đâu là nguyên nhân làm giảm sản lượng chè búp tươi
Chăm sóc kém cùng với thời tiết khô hạn, đã ảnh hưởng lớn tới năng suất, sản lượng chè.
Bước vào niên vụ SXKD chè 2015, người nông dân, doanh nghiệp kỳ vọng nhiều vào một vụ chè bội thu từ năng suất tới giá cả.
Không kỳ vọng sao được khi nền kinh tế thế giới đang có dấu hiệu phục hồi, thị trường chè truyền thống có nhiều khả quan, tỉnh, các cấp, các ngành có nhiều cơ chế, chính sách cho ngành chè...
Thế nhưng, khi vào chính vụ lại không như mong muốn, SXKD chè liên tục gặp khó khăn.
Ông Phan Văn An - Giám đốc Công ty cổ phần Chè Liên Sơn ngao ngán: “Vẫn biết sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp, nhất là chè luôn gặp khó khăn, nào là thị trường khó tiêu thụ, giá thấp, giá vật tư phân bón tăng cao, cạnh tranh không lành mạnh giữa các công ty, doanh nghiệp...
Nhưng những cái khó khăn ấy dần dần khắc phục và có những giải pháp cụ thể rồi cũng trôi qua.
Ngoài những yếu tố đó, năm nay, người làm chè gặp phải khó khăn về thời tiết.
Đầu vụ rét đậm rét hại.
Chính vụ hạn hán kéo dài, hai ba tháng trời.
Địa bàn huyện Văn Chấn gần như không có mưa, nắng gay gắt.
Hàng trăm héc-ta chè bị cháy nắng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới năng suất và sản lượng.
Nhiều diện tích chè bị chết và nhiều diện tích không thể cho thu hoạch”.
Huyện Văn Chấn là huyện có diện tích chè nhiều nhất với gần 5 ngàn héc-ta chè kinh doanh và cũng là địa phương chịu ảnh hưởng nhiều nhất.
Từ cuối tháng 6 đến hết tháng 7/2015, gần 500 ha bị ảnh hưởng, trong đó có trên 100 ha bị cháy nắng nặng, hàng chục héc-ta cây bị khô héo và chết.
Diện tích còn lại ảnh hưởng nghiêm trọng tới cấp cành ba, cành bốn là những cấp cành chủ lực trong năm, ảnh hưởng tới 50% sản lượng và tới tận cuối vụ.
Gia đình bà Nguyễn Thị Tuyết ở thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ (huyện Văn Chấn) có gần 2 ha chè nhưng có tới 1,2 ha bị cháy nắng.
Đang thu hái nốt đợt chè cuối vụ, bà Tuyết buồn bã nói: “Gia đình tôi làm chè đã gần 30 năm rồi nhưng chưa bao giờ làm chè lại khó khăn như năm nay.
Giá cả vật tư, phân bón tăng hơn 10% so với cùng kỳ, trong khi đó giá chè nguyên liệu không những không tăng mà có những thời điểm còn thấp hơn năm 2014.
Không chỉ có vậy, đợt nắng nóng kéo dài trong cuối tháng 6 và cả tháng 7 làm cho diện tích chè bị cháy hơn 1 ha.
Với diện tích 2 ha này, bình quân hàng năm gia đình thu hái trên 14 tấn chè búp nhưng năm nay tính cả đợt vét cuối vụ này giỏi lắm cũng chỉ đạt 9 tấn.
Với sản lượng này, sau trừ chi phí công đốn, làm cỏ chăm sóc và phân bón, gia đình lỗ gần 4 triệu đồng.
Cứ đà này có khi chúng tôi cũng phải chuyển đổi sang trồng cây khác”.
Thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài đã làm giảm năng suất, chất lượng và sản lượng chè là một thực tế.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, còn có những nguyên nhân dẫn đến sản lượng chè giảm so với cùng kỳ như là: giá nguyên liệu không tăng người làm chè không mấy mặn mà với chè, thị trường rộng lớn nhưng đòi hỏi chất lượng cao hơn, nhiều doanh nghiệp không theo kịp, rồi đến khó khăn về tài chính phải ngừng sản xuất.
Yên Bình cũng là một trong những địa phương có phong trào SXKD chè với diện tích và sản lượng lớn nhưng bước vào niên vụ sản xuất chè 2015 cũng có tới vài ba doanh nghiệp ngừng sản xuất.
Nhiều diện tích chè ở vùng chè Văn Hưng, vùng chè Bảo Ái, vùng chè Thịnh Hưng, bà con nông dân bỏ hoang cho cỏ dại mọc.
Nhiều diện tích bà con phá bỏ hoặc trồng xen cây lâm nghiệp.
Cũng tương tự, ở Văn Chấn, khá nhiều diện tích chè ở 8 xã vùng ngoài, bà con nông dân phá bỏ và trồng xen cây ăn quả như cam, quýt và cây lâm nghiệp.
Đến nay, ngành nông nghiệp, các huyện, thị cũng chưa có một số liệu chính xác diện tích này chiếm bao nhiêu nhưng con số này chắc chắn cũng phải gần trăm héc-ta.
Ông Lương Ngọc Chiểu - Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Chế biến chè Hương Lý chua xót nói: “Người dân cũng chẳng thiết tha làm chè nữa bởi thu nhập thấp quá.
Họ bỏ chè để trồng cây nguyên liệu giấy hết rồi.
Ngay thị trấn Yên Bình này, trước đây, có 68 ha chè, nay diện tích này giảm xuống còn hơn chục héc-ta.
HTX cũng đã ký hợp đồng thu mua nguyên liệu với người dân tại thị trấn Yên Bình, xã Đại Đồng, xã Phú Thịnh...
nhưng người dân có tuân thủ theo hợp đồng đồng đâu.
Doanh nghiệp, HTX cũng đành phải cười trừ chứ biết làm sao.
Sản lượng sản xuất năm nay chưa bằng 2/3 năm 2014”.
Rõ ràng cái vòng luẩn quẩn “trồng chặt, chặt trồng” và đầu ra cho sản phẩm nông sản nói chung và SXKD chè vẫn chưa tìm được lối ra hiệu quả.
Vì cuộc sống nên người nông dân vẫn “mò mẫm” tìm cho mình lối đi riêng.
Doanh nghiệp nhiều nhưng vẫn chưa tích cực đầu tư công nghệ.
Sản xuất, chế biến sản phẩm vẫn là chè thô, hiệu quả kinh tế không cao, không xây dựng được thương hiệu, không đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Sợi dây liên kết, rằng buộc giữa doanh nghiệp và nông dân nhỏ lẻ, sản xuất manh mún, tự do.
Những tồn tại đó không được giải quyết một cách căn cơ thì SXKD chè sẽ vẫn còn gặp khó khăn.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ