Đầu tư nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trồng bắp vì 2 mục tiêu chiến lược
Gia tăng giá trị
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, trong đề án chuyển đổi 700.000 - 800.000ha diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm hoặc kết hợp trồng lúa và nuôi thủy sản (Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt) sẽ chủ yếu chuyển đổi sang trồng bắp tại khu vực ĐBSCL với quy hoạch khoảng 200.000ha. Sở dĩ đưa ra chủ trương này vì theo người đứng đầu Bộ NN-PTNT, tồn tại lớn nhất trong TACN của nước ta là đang phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu, trong khi thành phần thiếu đạm, mà trong TACN phải có một tỷ lệ đạm nhất định mới giúp chăn nuôi tăng trưởng, năng suất cao, giúp người chăn nuôi giảm được chi phí, tăng lợi nhuận. Các loại đạm chủ yếu có ở hai sản phẩm là bắp và đỗ tương.
Nhưng hiện nay, các loại sản phẩm có đạm như bắp, đỗ tương chúng ta lại có rất ít. Mỗi năm Việt Nam chỉ sản xuất được 160.000 tấn đỗ tương nên năm 2014 chúng ta phải nhập tới 150.000 tấn đỗ tương và gần 4 triệu tấn khô dầu, chưa kể hàng trăm ngàn tấn bột cá, bột xương giàu đạm để pha vào TACN. Cùng với đỗ tương là nhập khẩu bắp, một trong hai sản phẩm chính để làm TACN hiện nay. Việt Nam là nước nông nghiệp nhưng năm 2014 chúng ta phải nhập 4,7 triệu tấn bắp. Trung bình một năm, Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 10 - 11 triệu tấn nguyên liệu hoặc TACN.
Gần đây, để hướng tới giải quyết bài toán ngăn chặn phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu, gây ảnh hưởng tới chiến lược tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng đẩy mạnh chăn nuôi, xuất khẩu để tăng giá trị lợi nhuận, thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp và nền kinh tế, đã từng có những quan điểm cho rằng, Việt Nam cần đầu tư mạnh và khuyến khích trồng đỗ tương. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT khẳng định, đỗ tương không phải là lợi thế của Việt Nam, 20 năm nữa chúng ta vẫn chưa thể trồng được vì giá đỗ tương của Việt Nam không thể cạnh tranh được với giá nhập khẩu. Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội TACN Việt Nam cũng chung quan điểm như vậy và nhiều lần khẳng định rằng, nếu trồng đỗ tương thì chúng ta sẽ thất bại. Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, chúng ta hoàn toàn có thể đẩy mạnh trồng bắp để tăng sản lượng TACN trong nước, giảm dần phụ thuộc nhập khẩu và “đây mới là hiệu quả thực sự, cái gì có lợi cho quốc gia thì chúng ta làm” - ông Cao Đức Phát nói.
Từ những phân tích tính toán, Bộ NN-PTNT hiện đang nỗ lực cùng với các địa phương đẩy mạnh sản xuất bắp trong nước. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, điều chúng ta trăn trở hiện nay là làm cách nào tiếp tục giảm giá thành sản xuất bắp trong nước xuống và để làm được điều này chỉ có giải pháp tăng năng suất bắp bằng việc áp dụng các giống mới, kỹ thuật cao. Đặc biệt giống bắp lai và bắp biến đổi gen. Hiện năng suất bắp của Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 4,4 tấn/ha - thấp hơn cả lúa. Trong khi theo tính toán năng suất bắp tối thiểu phải đạt 6 tấn/ha trở lên và với giá bán 5.000 đồng/kg thì người dân mới có lãi. Nếu áp dụng các giống bắp biến đổi gen sẽ có thể đạt năng suất từ 8 - 12 tấn/ha và bù đắp được nguồn nguyên liệu TACN thiếu hụt.
“Đối với bắp biến đổi gen, chúng tôi đã tiến hành khảo nghiệm theo những chuẩn mực quốc tế suốt gần 5 năm qua với nhiều thí nghiệm để cuối cùng đi đến kết luận, những cây trồng này an toàn về mặt sinh học, sinh thái, an toàn đối với gia súc và con người khi áp dụng toàn bộ quy trình sản xuất, bao gồm giống, phân bón, thuốc trừ cỏ. Chúng tôi đã chứng minh và có những cơ sở khoa học để khẳng định điều đó” - Đây là trả lời của ông Cao Đức Phát đối với báo giới trước câu hỏi tại sao Việt Nam lại chấp thuận cho cây biến đổi gen vào đồng ruộng trong cuộc họp báo tổng kết ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2015. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cũng khẳng định, nhìn rộng ra khắp thế giới, hiện nay đã có hơn 25 nước trồng cây biến đổi gen và họ làm ra khoảng 80% bông, 50% đỗ tương và trên 30% sản lượng bắp của toàn thế giới. Những khảo nghiệm ở trong và ngoài nước cho thấy cây trồng biến đổi gen sẽ đem lại cho người trồng trọt thu nhập cao hơn.
Hiện tại, Bộ NN-PTNT đã chính thức cho phép 3 giống bắp biến đổi gen được trồng đại trà trên đồng ruộng của Việt Nam từ tháng 4-2015 và trong tháng 8-2015 sẽ có “mẻ” bắp biến đổi gen “made in Vietnam” đầu tiên được thu hoạch. Sắp tới, sẽ tiếp tục đánh giá kết quả khảo nghiệm và cho phép thêm nhiều giống bắp biến đổi gen khác được áp dụng vào thực tế.
Sống chung biến đổi khí hậu
Thiếu trầm trọng về bắp, đỗ tương để làm nguyên liệu chế biến TACN nhưng có nghịch lý là diện tích gieo trồng hai thứ cây này lại đang giảm mạnh. Ngay như trong vụ đông xuân 2015, diện tích bắp đã giảm tới 29.600ha, chỉ còn 580.000ha với sản lượng chỉ đạt 2,5 triệu tấn. Đỗ tương cũng giảm còn 69.000ha với sản lượng vỏn vẹn trên 77.000 tấn.
Theo ông Lê Bá Lịch, sở dĩ diện tích bắp và các loại cây hàng năm ở nước ta giảm vì nhiều năm qua, chúng ta chỉ tập trung nhắc tới việc quy hoạch bảo vệ đất lúa, không được chuyển đổi đất lúa sang các loại cây trồng khác. Do chính sách đã quy định nên chính quyền các địa phương không thể tự tiện chuyển đổi. Trong khi theo Bộ NN-PTNT, đầu tư đẩy mạnh trồng bắp ở khu vực ĐBSCL và trên phạm vi cả nước không chỉ để giảm dần nhập khẩu mà còn hướng tới mục tiêu lâu dài là thích ứng với biến đổi khí hậu trong điều kiện khô hạn nặng, thiếu nước tưới ngày càng khốc liệt. Theo thống kê, trong đợt nắng nóng và khô hạn kéo dài vừa qua, riêng các tỉnh như: Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Quảng Trị… đã có khoảng 50.000ha không thể gieo trồng lúa nước.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát khẳng định, để ứng phó với vấn đề này, cần quy hoạch lại cơ cấu cây trồng để phù hợp với xu thế mới và điều kiện sản xuất đã thay đổi, nhằm mang lại những lợi ích thiết thực nhất cho nông dân.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ