Mô hình kinh tế Đầu tư nhỏ, hiệu quả lớn

Đầu tư nhỏ, hiệu quả lớn

Ngày đăng 21/07/2015

Đầu tư nhỏ, hiệu quả lớn

Ở tuổi 86, ít người có được sức khỏe như ông Nguyễn Đức Lạc, ở tổ 5, phường Tích Lương (T.P Thái Nguyên). Ông Lạc nguyên là thiếu tá trong quân đội, từng tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp. Hằng ngày, ông vẫn tự mình chăm sóc đàn ong của gia đình, từ việc tạo chúa, chia đàn, quay mật đến diệt trừ các loại sâu bọ hại ong… Bắt đầu nuôi ong từ năm 2000, đến nay ông Lạc đã phát triển quy mô lên gần 70 thùng ong, được đặt ngăn nắp trong vườn nhà (mỗi thùng cách nhau khoảng 2m). Ông Lạc chia sẻ: Nghề nuôi ong đòi hỏi phải luôn vận động, lại được sống gần với thiên nhiên nên khiến tôi khỏe khoắn. Kỹ thuật nuôi ong không khó nhưng yêu cầu sự cần cù, thường xuyên trao đổi, học hỏi kinh nghiệm của những người cùng nuôi. Để ong cho sản lượng mật cao phải biết rõ tập tập tính của chúng, tận dụng các mùa hoa nở để phát triển đàn, đồng thời cung cấp đầy đủ thức ăn, chống rét cho ong vào mùa lạnh và ít hoa. Những năm gần đây, trung bình mỗi năm ông Lạc thu được từ 500 - 600 lít mật ong, với giá bán từ 180 đến 200 nghìn đồng/lít. Ngoài ra, ông còn có thêm nguồn thu từ việc bán thùng và cầu ong.

Cùng với ông Lạc, trên địa bàn phường Tích Lương hiện có hơn 30 hộ nuôi ong mật. Hộ ít có một vài đàn, nhiều khoảng 30 - 40 đàn, tất cả cùng có chung nhận định nuôi ong là nghề có hiệu quả kinh tế cao nhất trong lĩnh vực nông nghiệp ở địa phương. Ông Dương Văn Hào, ở tổ 3, phường Tích Lương nguyên là Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, rồi Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh khi về nghỉ hưu cũng nuôi thử nghiệm một vài đàn ong. Nhận thấy hiệu quả, ông Hào đã xây dựng Dự án “Nuôi ong lấy mật góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn phường Tích Lương” từ cuối năm 2013 và vận động các hội viên CLB hưu trí Thái Nguyên phường Tích Lương cùng thực hiện. Ông Hào nhận định: Nhiều người cho rằng ở giữa thành phố đông đúc thì nuôi ong không hiệu quả là chưa chính xác. Bởi ong là loài có phạm vi hoạt động rộng, đi kiếm ăn rất xa. Mặt khác, mỗi gia đình dù ít cũng trồng một vài cây hoa hoặc cây ăn quả nên vẫn có nguồn thức ăn cho ong. Điều quan trọng là phải nắm vững kỹ thuật và xác định được quy mô nuôi phù hợp.

Ngay sau khi Dự án được UBND T.P Thái Nguyên chấp thuận, hỗ trợ 30 triệu đồng và Ban Chủ nhiệm CLB hưu trí Thái Nguyên cũng cho vay 20 triệu đồng không lấy lãi trong thời gian 1 năm, tổ hội viên hưu trí phường đã tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của lãnh đạo phường và phối hợp chặt chẽ với các phòng, ban chuyên môn tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi ong mật cho những người có nhu cầu. Trong tổ chức thực hiện, các tổ viên CLB hưu trí Thái Nguyên phường Tích Lương. Bản thân gia đình ông Hào hiện đã phát triển quy mô nuôi ong lên 40 thùng. Ông Hào phân tích: Mỗi năm một thùng ong cho từ 6 đến 8 lít mật, trừ chi phí còn lãi khoảng 900 nghìn đồng, hiệu quả kinh tế hơn so với cấy một sào lúa. Ngoài ra, nuôi ong không phải đầu tư nhiều (khoảng 800 nghìn đồng/thùng) và công chăm sóc, không đòi hỏi diện tích đất rộng mà mức độ rủi ro cũng thấp hơn so với các ngành nghề trồng trọt, chăn nuôi khác. Đối với các hộ ở ven thành phố, nhất là công chức nghỉ hưu có thể đầu tư quy mô nuôi từ 5 - 10 thùng ong là phù hợp, vừa lấy mật phục vụ gia đình lại vừa có thêm thu nhập.

Sau gần 1 năm thực hiện Dự án, quy mô nuôi ong mật trên địa bàn phường Tích Lương đã đạt khoảng hơn 200 thùng, tăng 150 thùng so với khi bắt đầu triển khai. Không chỉ hội viên trong CLB hưu trí Thái Nguyên phường Tích Lương, nhiều hộ dân sau khi được tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật cũng tích cực nuôi ong mật. Các thành viên trong CLB nhận định rằng: Bên cạnh hiệu quả về kinh tế, nuôi ong mật còn mang lại những lợi ích khác không dễ để đong đếm. Việc thường xuyên lao động nhẹ nhàng, tham gia trao đổi kinh nghiệm chăm sóc, phát triển đàn ong giúp các thành viên trong CLB có sức khỏe, tăng cường sự gắn bó, đoàn kết trong khu dân cư. Quan trọng hơn là đã xây dựng được hình ảnh đẹp về người cán bộ hưu trí tuy đã được nghỉ chế độ nhưng vẫn tích cực lao động sản xuất, đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương. Từ Dự án này, chúng tôi mong muốn được chia sẻ kinh nghiệm, tiếp tục mở rộng mô hình nuôi ong lấy mật ở những địa phương khác trên toàn tỉnh.


Đồng Nai triển khai mô hình nuôi dê sinh sản Đồng Nai triển khai mô hình nuôi dê… Cải tạo đất ở Điện Tiến (Điện Bàn) hướng đến cánh đồng mẫu lớn Cải tạo đất ở Điện Tiến (Điện Bàn)…