Tôm thẻ chân trắng Đầu vụ nuôi cá cần lưu ý những vấn đề kỹ thuật gì

Đầu vụ nuôi cá cần lưu ý những vấn đề kỹ thuật gì

Ngày đăng 19/06/2015

Đầu vụ nuôi cá cần lưu ý những vấn đề kỹ thuật gì

Qua thực tiễn thời gian gần đây cho thấy, chất lượng cá giống ngày càng giảm, thời tiết, môi trường diễn biến ngày càng phức tạp, nguồn nước ô nhiễm tiềm ẩn nhiều mầm bệnh... Để nghề nuôi thủy sản đảm bảo phát triển ổn định, hiệu quả và bền vững thì người nuôi phải xác định phòng bệnh hơn chữa bệnh. Vậy để đảm bảo vụ nuôi thủy sản được hiệu quả người nuôi cần phải lưu ý những vấn đề kỹ thuật gì?

* Điều kiện ao nuôi cá phải đạt các tiêu chuẩn:

- Diện tích ao tuỳ thuộc vào điều kiện của từng gia đình, ao nuôi cá tốt nhất có diện tích 200-2.000m2, nếu ao nhỏ nên nuôi các loài cá có cơ quan thở phụ sẽ hiệu quả hơn.

- Ao nên gần nguồn nước sạch để dễ dàng thay đổi nước khi cần.

- Mặt ao phải thoáng không có tàn cây che để ao tiếp nhận nhiều ánh nắng mặt trời giúp cho các sinh vật là thức ăn tự nhiên của cá phát triển tốt.

- Bờ ao phải chắc chắn giữ được nước. Bờ phải cao hơn mực nước cao nhất trong ao 0,3 – 0,5m để tránh nước tràn bờ, cá thoát ra ngoài nhất là mùa mưa lũ.

- Trên bờ ao không trồng cây lá có chứa tinh dầu như cam, bưởi, bạch đàn… vì khi lá cây rụng xuống đáy ao nhiều làm nước trong vắt và các động vật đáy không phát triển được. Có thể trồng rau màu nhưng nếu có sử dụng thuốc sâu bệnh cho rau màu nên chọn loại thuốc ít độc cho cá và không để thuốc trôi xuống ao cá.

- Độ sâu mực nước tốt nhất trong ao ương cá giống là 0,8 – 1,2m, ao nuôi cá thịt từ 1,2-2m. Ở mực nước này các sinh vật đáy là thức ăn tự nhiên dễ dàng phát triển, nhiệt độ nước trong ao ít có sự chênh lệch ở tầng đáy và tầng mặt đảm bảo cho sự hoạt động và sinh trưởng của cá nuôi.

- Đáy ao: Nên bằng phẳng và dốc về phía cống để dễ tháo nước và thu hoạch cá. Phải được nạo vét lớp bùn hàng năm. Nên có 2 cống: cống cấp và thoát nước.

* Chuẩn bị ao thả cá:

- Việc chuẩn bị ao tốt là bước quan trọng đầu tiên trong công tác phòng bệnh.

+ Đối với ao cũ: Trước khi thả cá 7-10 ngày, ao phải được tháo cạn nước, dọn sạch rong, cỏ, cây cối xung quanh ao…Sên vét lớp bùn đáy không nên để lớp bùn đáy quá dày nhằm loại bỏ mầm bệnh. Sửa dọn bờ bọng cho chắc chắn, lấp các lỗ mọi, hang hốc quanh ao.

+ Đối với ao mới: Nên lấy nước vào ngâm xả phèn nhiều lần trước khi làm các bước tiếp theo.

- Bón vôi liều lượng 7-10kg/100m2 ao, vùng phèn có thể từ 10-20kg/100m2 ao. Tác dụng của vôi: diệt khuẩn, diệt cá tạp và ổn định pH. Phơi đáy ao 2- 3 ngày (vùng phèn không phơi ao). Nên bón vôi cải tạo ao vào buổi trưa nắng để tăng hiệu quả của vôi. Vào mùa mưa nên bón vôi cả trên bờ để tránh phèn rửa trôi xuống ao khi trời mưa.

Đối với các ao không có điều kiện tháo cạn nước hoặc muốn diệt hết các cá tạp, cá dữ còn trong lớp bùn đáy, dùng rễ dây thuốc cá ngâm một đêm và đập kỹ vắt lấy nước pha loãng tạt đều khắp ao (1kg rễ cho 100m3 nước). Nên thuốc cá vào buổi trưa nắng nước nóng cá dễ bị nhiễm độc hơn. Có thể dùng chế phẩm dạng bột có chứa Rotenon được đóng gói sẵn để diệt cá tạp.

- Bón phân: Bón phân cho ao nhằm cung cấp dinh dưỡng tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho cá, giảm độ phèn, ổn định pH. Có 3 loại phân có thể sử dụng: Phân hữu cơ ủ hoai với 3 – 4% vôi: 20 - 30kg/100m2; Phân vô cơ (DAP, NPK): 0,3 - 0,5kg/100m2, hòa tan vào nước tạt đều khắp ao; Phân xanh (lá so đũa, lá cây họ đậu) thay thế hoặc kết hợp phân chuồng ủ hoai 30 - 50kg/100m2.

Lưu ý: phân vô cơ giúp cho màu nước xanh nhanh nhưng màu xanh không duy trì được lâu như phân hữu cơ, cho nên chỉ sử dụng phân vô cơ khi thật cần thiết (khi lấy nước vào ao, sau cơn mưa lớn nước đục hoặc nước ao quá trong cần làm xanh màu nước nhanh). Khi bón phân phải tuỳ theo màu nước ao mà bón liều lượng phù hơp.

- Lấy nước vào ao: phải có lưới lọc ngăn không cho cá tạp, cá dữ, trứng địch hại, trứng cá theo vào ao hại cá nuôi hoặc cạnh tranh thức ăn của cá nuôi. Để khoảng 5-7 ngày nước có màu xanh lá chuối non hoặc xanh vỏ đậu đo kiểm tra các yếu tố môi trường như pH nước = 6.5-8.5, oxy = 3-8mg/l, nhiệt độ = 25-300C là có thể thả giống cá nuôi. Nếu có ao lắng lấy nước vào ao đó xử lý bằng vôi và lọc bằng lục bình, bèo trước khi lấy nước qua ao nuôi thì rất tốt.

* Thả cá:

- Chọn loài cá nuôi: để chọn loài cá nuôi thích hợp cần xem xét: Khả năng cung cấp thức ăn, thị hiếu của người mua từng vùng, đặc điểm sinh học của các loài cá chọn nuôi phù hợp điều kiện môi trường (vùng phèn có thể nuôi rô đồng, sặc rằn, trê…; mô hình VAC có thể nuôi cá trê, tra, rô phi, sặc rằn…).

- Nuôi ghép: Có thể thả ghép để tận dụng thức ăn và không gian sống (tai tượng 80% + sặc rằn 20%; tra 80% + rô phi 20%...). Khi thả ghép lưu ý: thả dưới 4 loài cá trong một ao; thả cùng lúc và cùng cỡ giống; chọn loài cá không cùng tính ăn, không gian sống, có thời gian nuôi và giá trị thương phẩm gần bằng nhau để dễ bán.

- Mật độ thả: nhóm cá không có cơ quan thở phụ (rô phi, điêu hồng, mè, chép…) thả mật độ dưới 5con/m2, nhóm cá có cơ quan thở phụ (tai tượng, tra, sặc rằn, mùi…) thả 5-15con/m2. Riêng cá trê, rô đồng khi nuôi đơn có thể thả nuôi 15-30con/m2 nếu cung cấp đủ thức ăn. Lưu ý: Nếu thả dày người nuôi sẽ tốn tiền con giống, thức ăn, cá dễ bị nhiễm bệnh, hao hụt nhiều, thời gian nuôi kéo dài, cỡ cá thương phẩm nhỏ, cuối cùng hiệu quả kinh tế thấp.

- Kết quả nuôi cá phụ thuộc rất lớn vào chất lượng con giống. Khi chọn cá giống chú ý các tiêu chuẩn giống tốt như: Cá đồng cỡ, màu sắc sáng đẹp. Bơi lội nhanh nhẹn, tập trung đầu hướng gió, phản ứng nhanh. Không bị dị hình, trầy da, lở mình. Nên có giấy kiểm dịch chất lượng cá giống của cơ quan chức năng nhất là mô hình nuôi công nghiệp.

- Mùa vụ thả giống: thường tập trung vào đầu mùa mưa vì lúc này trùng với mùa vụ sinh sản của cá ngoài tự nhiên nên chất lượng cá giống sẽ tốt hơn. Riêng vùng ảnh hưởng phèn nên thả cá vào cuối mùa mưa.

- Cách thả cá: Cá đưa về ao không nên thả ra ao ngay để tránh cho cá không bị sốc nhiệt. Nên ngâm bao cá xuống ao khoảng 10-15 phút cho cân bằng nhiệt độ rồi mới mở bọc cho cá từ từ lội ra ngoài.

* Cho ăn

- chăm sóc:

- Cho cá ăn hàng ngày và đầy đủ sẽ tạo điều kiện cho cá mau lớn, tăng cường sức đề kháng với bệnh. Tùy theo điều kiện từng gia đình mà có thể chọn loại thức ăn nào cho phù hợp, có thể trong suốt quá trình nuôi sử dụng toàn bộ thức ăn công nghiệp hoặc để giảm giá thành sản phẩm có thể sử dụng thức ăn viên các tháng đầu và cuối, còn những tháng giữa vụ cho ăn thức ăn tự chế từ nguồn phụ phẩm tại chỗ và rau. Cá nhỏ cho ăn thức ăn có hàm lượng đạm cao và giảm dần khi cá lớn. Lượng thức ăn hàng ngày đối với cá nhỏ là 5-7% tổng trọng lượng cá, cá lớn 2-3%. Nếu thức ăn là tấm cám nấu thì vò viên để vô sàng cho cá ăn để dễ kiểm tra thức ăn.

- quản lý: Định kỳ thay nước để giữ nước ao sạch, nhất là các tháng cuối vụ nuôi. Trước khi thay nước xong dùng vôi và muối hòa loãng từng loại vào nước tạt đều khắp ao để phòng bệnh cho cá. Đối với những ao không thay nước được có thể dùng Zeolite hoặc chế phẩm sinh học xử lý môi trường nước và đáy ao.

* Thu hoạch: đối với các loài cá nuôi phổ biến hiện nay có thời gian nuôi khoảng dưới 12 tháng; khi cá đạt cỡ thương phẩm thì xuất bán, nên bỏ đói cá 1-2 ngày trước bán và nên bán hết cá trong ao một lần.

Nếu người nuôi cá áp dụng tốt quy trình kỹ thuật nuôi thì tin tưởng rằng sẽ mang lại một vụ nuôi thắng lợi.

Tags: nuoi ca dau vu, nuoi ca, nuoi thuy san


Có thể bạn quan tâm

Những điều lưu ý khi nuôi cá tai tượng an toàn sinh học Những điều lưu ý khi nuôi cá tai… Cho tôm ăn đúng cách để mang lại hiệu quả cao nhất Cho tôm ăn đúng cách để mang lại…