Đẩy mạnh nuôi bò theo hướng thâm canh
Cam Lộ là một huyện trung du, có điều kiện thuận lợi về đất đai, khí hậu, thủy văn và các vùng sinh thái khác nhau thích ứng cho quá trình đa dạng hóa nông nghiệp, trong đó lợi thế nhất là đồng cỏ để phát triển chăn nuôi đại gia súc. Thực tế trong những năm qua, với sự tác động tích cực của các chính sách hỗ trợ của huyện, tỉnh, nông dân trong huyện đã khai thác được thế mạnh về đất đai và lao động đưa lại hiệu quả khá cao trong sản xuất nông nghiệp nói chung, cũng như việc chăn nuôi bò theo hướng thâm canh.
Từ năm 2006, huyện Cam Lộ đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về tập trung đẩy mạnh phát triển chăn nuôi bò theo hướng thâm canh, nhằm nâng cao chất lượng đàn gia súc phát triển theo hướng bền vững. Sau nhiều năm thực hiện chương trình cải tạo đàn bò, được sự ưu tiên ngân sách đầu tư thực hiện, đến nay huyện Cam Lộ đã chuyển đổi phương thức chăn nuôi theo hướng thâm canh, triển khai đồng bộ các ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đến nay chất lượng đàn bò đã được nâng lên rõ rệt. Theo đó, tỷ lệ bò lai trong tổng đàn tăng nhanh theo từng năm, nếu như năm 2006 mới chỉ đạt từ 3,9% thì đến năm 2010 tăng lên gần 30% và đến cuối năm 2014 tăng lên 55%, đạt 137% kế hoạch.
Đặc biệt, tại một số vùng bãi bồi ven sông Hiếu, vùng đồng bằng có tỷ lệ bò lai lên đến 65-75%, cá biệt có nơi lên đến 100%. Tốc độ gia tăng giá trị sản xuất bình quân là 18,1%/năm, đạt 113% kế hoạch, nâng tỷ trọng ngành chăn nuôi lên 38% trong cơ cấu nông nghiệp. Tỷ lệ bò được thụ tinh đạt hiệu quả ngày càng tăng, từ 50% năm 2010 đến nay đã tăng lên 79%, nhờ đó nâng bình quân số bê lai ra đời từ 215 con/năm (giai đoạn 2006-2010) lên trên 400 con/năm (giai đoạn 2011-2014).
Nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân đã thay đổi căn bản về tư duy, từng bước phát triển theo hướng chăn nuôi hàng hóa; thực hiện mô hình trồng cỏ tập trung thâm canh để chủ động nguồn thức ăn. Đến nay đã có 5 xã quy hoạch đồng cỏ, từng bước hình thành được vùng chuyên canh sản xuất và bảo tồn các giống cỏ tốt. Nhiều hộ chăn nuôi bò lai theo hướng thâm canh vui mừng cho biết hiệu quả kinh tế đã được nâng lên rất nhiều so với kiểu nuôi bò cóc theo hướng thả rông truyền thống như trước đây.
Ông Phan Văn Viên, ở khu phố Nghĩa Hy, thị trấn Cam Lộ cho biết gia đình ông nhận thấy nuôi bò lai theo hướng thâm canh mang lại hiệu quả kinh tế cao nên đã tập trung đầu tư chăn nuôi theo hướng này từ mấy năm trước
“Hiện gia đình tôi có 8 con bò, trong đó có 6 con bò lai. So với bò cóc thì bò lai có nhiều ưu thế như thể trọng, tầm vóc lớn hơn, chất lượng và giá bán đều cao hơn hẳn. Gia đình tôi đang dần loại bỏ bò vàng cóc để chuyển sang nuôi bò lai vì mang lại nhiều lợi nhuận trong khi việc chăm sóc đàn bò cơ bản giống nhau”, ông Viên cho biết.
Nhiều hộ nuôi bò khác như ông Trần Quốc, Thái Tăng Thương, Nguyễn Đức Thanh (ở thị trấn Cam Lộ)... cũng chung suy nghĩ cải tạo đàn bò theo hướng lai tạo sang bò lai và nuôi theo hướng thâm canh, chủ động nguồn thức ăn. Một số hộ nuôi cho biết, giá bán hiện nay bình quân mỗi con bò lai khoảng 2 năm tuổi từ 40-50 triệu đồng (bò cóc chỉ khoảng 15-20 triệu đồng); bê lai giống cũng có giá từ 15-17 triệu đồng (trong khi bê cóc chỉ khoảng từ 7-9 triệu đồng).
Hiệu quả của việc cải tạo đàn bò trên địa bàn huyện Cam Lộ đã từng bước được khẳng định. Nhận thức, tư duy chăn nuôi bò lai theo hướng thâm canh của cán bộ, người dân trên địa bàn huyện cũng đã chuyển biến tích cực. Đến nay toàn huyện đã có 3.121 con bò lai trong tổng đàn là 6.049 con, trong đó số bê lai ra đời từ thụ tinh nhân tạo chiếm tỷ lệ cao. Việc phát triển đàn bò lai của huyện đang được tiếp tục đẩy mạnh thực hiện, nhằm tận dụng hết tiềm năng lợi thế của địa phương, từng bước đưa bò lai trở thành con nuôi chủ lực để mở hướng làm giàu mới cho người dân.
Ông Nguyễn Thành Công, Phó Trưởng Phòng NN- PTNT huyện Cam Lộ cho biết, địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chương trình cải tạo đàn bò lai theo hướng tăng số lượng cũng như chất lượng. Đồng thời huyện cũng sẽ tập trung quy hoạch vùng trồng cỏ nguyên liệu nuôi bò, bên cạnh đó sẽ ứng dụng máy móc, chế phẩm sinh học vào việc chế biến nguồn thức ăn giàu chất dinh dưỡng từ phụ phẩm nông nghiệp như thân ngô, lạc, rau đậu các loại… để chủ động đầy đủ nguồn thức ăn cho bò nuôi theo hướng thâm canh.
Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ tăng cường phối hợp với các ngành chức năng tiến hành chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật về chăn nuôi bò lai thâm canh như tập huấn thụ tinh nhân tạo, kỹ thuật chăm sóc điều trị bệnh, trồng cỏ, chế biến thức ăn... cho cán bộ nông nghiệp, cán bộ thú y và người dân. Ngoài việc cải tạo đàn nái nền bằng việc lai tạo từ giống bò lai Sind như hiện nay thì thời gian tới, huyện Cam Lộ sẽ tiếp tục tổ chức các chuyến khảo sát ở các địa phương khác nhằm lựa chọn các giống bò mới có chất lượng, hiệu quả kinh tế cao và phù hợp đưa vào nuôi thí điểm để nâng cao hơn nữa hiệu quả chương trình phát triển chăn nuôi bò thâm canh trên địa bàn.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ