Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về thủy sản
Một trong những công trình NCKH nổi bật trong thời gian qua là Dự án sản xuất thử nghiệm “Hoàn thiện công nghệ sản xuất thức ăn công nghiệp nuôi tôm hùm bông (Panulirus ornatus) và tôm hùm xanh (Panulirus homarus)” do Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lại Văn Hùng làm chủ nhiệm.
Dự án thuộc Chương trình khoa học và công nghệ (KH-CN) trọng điểm cấp Nhà nước của Bộ KH-CN giai đoạn 2011 - 2015. Sản phẩm của đề tài đã được các hộ nuôi tôm hùm ở Khánh Hòa cũng như một số tỉnh Nam Trung Bộ sử dụng và đánh giá cao. Việc sản xuất thành công thức ăn công nghiệp cho tôm hùm của dự án mở ra triển vọng sử dụng thức ăn công nghiệp thay thế nguồn thức ăn cá tạp, qua đó giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường và dịch bệnh cho tôm hùm, góp phần phát triển nghề nuôi tôm hùm bền vững tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, có thể kể đển Dự án “Hoàn thiện công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá chim vây vàng” của Thạc sĩ Ngô Văn Mạnh. Thành công của quy trình sản xuất giống nhân tạo cá chim vây vàng ở quy mô đại trà và việc chủ động sản xuất con giống chất lượng tốt, đủ số lượng tại địa phương, thúc đẩy sự phát triển của các trại sản xuất giống hải sản, cũng như các trang trại nuôi cá biển.
Từ đó, góp phần phát triển nghề nuôi lồng trên biển, tăng thêm sản lượng cá biển nuôi, tạo việc làm, tăng thu nhập cho cộng đồng cư dân ven biển. Việc hoàn thiện mô hình nuôi thương phẩm bằng thức ăn công nghiệp, cũng như việc chủ động về nguồn giống là điều kiện thuận lợi cho nghề nuôi cá chim vây vàng phát triển bền vững, hạn chế rủi ro. Quy trình công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá chim vây vàng sẽ được chuyển giao cho trung tâm giống và chi cục nuôi trồng thủy sản các tỉnh.
Riêng trên địa bàn tỉnh, trường đã thực hiện nhiều đề tài/dự án cấp tỉnh như: thử nghiệm sản xuất giống cá chim vây vàng tại Khánh Hòa; lưu giữ đàn cá tra dầu tại Khánh Hòa; hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo cá chim vây vàng và tổ chức chuyển giao cho người dân tại Khánh Hòa; chuyển giao công nghệ sản xuất giống nhân tạo cá hồng Mỹ tại Khánh Hòa; đánh giá tác động của nghề khai thác tôm hùm giống đến cảnh quan môi trường và nguồn lợi thủy sản vịnh Nha Trang...
Theo lãnh đạo Trường Đại học Nha Trang, những năm qua, hoạt động KH-CN của trường đã bám sát chiến lược KH-CN của quốc gia, ngành thủy sản và gắn liền với công tác đào tạo cán bộ có trình độ sau đại học. Nhiều kết quả nghiên cứu có ý nghĩa lớn về mặt lý thuyết và thực tiễn nghề cá, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Trường đã tích cực hợp tác với Sở KH-CN, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa và các tỉnh lân cận triển khai nhiều chương trình nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó chủ yếu là nghề cá và mang lại kết quả tốt. Một số công trình nghiên cứu đã có kết quả tốt và được áp dụng vào thực tiễn, góp phần tạo nhiều việc làm cho nhân dân các địa phương, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững ngành thủy sản.
Ông Khổng Trung Thắng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nha Trang cho biết, cùng với công tác đào tạo, hoạt động NCKH là một trong hai nhiệm vụ trọng tâm của trường, vì vậy Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường luôn tạo điều kiện cho hoạt động này.
Trước hết là đầu tư cho con người bằng cách cử nhiều cán bộ đào tạo sau đại học trong và ngoài nước, tiếp cận với phương pháp nghiên cứu, thiết bị nghiên cứu hiện đại trên thế giới. Bên cạnh đó, đầu tư xây dựng các phòng thí nghiệm chuyên sâu, hiện đại; các trạm, trại thực hành. Đồng thời, hoàn thiện các cơ chế quản lý để khuyến khích giảng viên, sinh viên tham gia NCKH; tích cực tìm kiếm các nguồn tài chính từ trung ương, địa phương và quốc tế cho các đề tài/dự án nghiên cứu. Nhờ thế, hoạt động NCKH của trường ngày càng đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả cao.
Nhiệm kỳ 2010 - 2015, trường có 48 đề tài/dự án NCKH trong lĩnh vực thủy sản; trong đó, có 5 đề tài/dự án cấp quốc tế, 6 đề tài/dự án cấp Nhà nước, 16 đề tài, dự án cấp bộ, 15 đề tài, dự án cấp tỉnh và 6 đề tài/dự án cấp cơ sở của cán bộ, giảng viên và sinh viên.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ