Tin nông nghiệp ĐBSCL: Năng suất lúa Đông Xuân giảm nhẹ

ĐBSCL: Năng suất lúa Đông Xuân giảm nhẹ

Tác giả Khánh An, ngày đăng 15/05/2017

ĐBSCL: Năng suất lúa Đông Xuân giảm nhẹ

Theo báo cáo sơ bộ, năng suất lúa toàn vùng năm nay đạt 62,7 tạ/ha, giảm 1,5 tạ/ha (tương đương 2,4%) so với vụ Đông Xuân trước và giảm ở hầu hết các tỉnh trong vùng do ảnh hưởng của thời tiết.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính đến hết tháng 4/2017, toàn bộ diện tích lúa Đông Xuân vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được thu hoạch xong.

Cụ thể, một số tỉnh có năng suất giảm nhiều nhất như Đồng Tháp giảm 11,2 tạ/ha (16,5%); Cần Thơ giảm 5,9 tạ/ha (8,3%); Tiền Giang giảm 5 tạ/ha (7,1%); Vĩnh Long giảm 4,8 tạ/ha (7,6%) so với vụ Đông Xuân năm 2016.

Trên những chân ruộng lúa Đông Xuân đã thu hoạch, nông dân các tỉnh phía Nam đã tranh thủ cày xới đất để xuống giống vụ Hè Thu sớm. Tính đến trung tuần tháng 4/2017, toàn miền đã gieo trồng được khoảng 676,5 nghìn ha, đạt 95% cùng kỳ năm trước; trong đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long gieo cấy đạt 660,7 nghìn ha, bằng 97% so cùng kỳ.

Theo đánh giá, tiến độ gieo trồng lúa Hè Thu năm nay thấp hơn cùng kỳ do ảnh hưởng của tiến độ gieo trồng vụ Đông Xuân (Lúa Đông Xuân một số vùng xuống giống chậm gần một tháng). Hiện lúa Hè Thu đang ở giai đoạn mạ đến làm đòng, cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt.

Vụ Hè Thu 2017 được dự báo sẽ gặp khó khăn do tình hình nắng nóng kéo dài và diễn biến thời tiết khá phức tạp nên ngành nông nghiệp các địa phương cần quản lý lịch thời vụ xuống giống chặt chẽ và có thể kéo dài hơn so với năm trước.

Trong khi đó, các tỉnh miền Bắc đã cơ bản hoàn thành công tác gieo trồng lúa vụ Đông Xuân, diện tích gieo cấy đạt trên 1,14 triệu ha, bằng 99,8% so với cùng kỳ; trong đó, các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng gieo cấy gần 540,8 nghìn ha, đạt 99% cùng kỳ năm trước.

Diện lúa vụ Đông Xuân năm nay giảm nhẹ so với cùng kỳ chủ yếu là do các địa phương thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất, như Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Thanh Hóa… Bên cạnh đó, nhiều ha đất ruộng tại Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định bị bỏ hoang do nhiều lao động nông thôn chuyển sang các ngành sản xuất phi nông nghiệp cho thu nhập cao hơn.

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nhìn chung thời tiết tương đối thuận lợi, đảm bảo đủ nước tưới, tạo điều kiện cho lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Hiện nay, những trà lúa sớm và trà trung đang ở giai đoạn làm đòng, trà muộn đang đẻ nhánh rộ.


Nông dân cần có đại diện tham gia điều hành xuất khẩu gạo Nông dân cần có đại diện tham gia… Đường tồn kho cao nhất lịch sử ngành mía đường Đường tồn kho cao nhất lịch sử ngành…