Để cỏ mọc dưới gốc tiêu, hiệu quả đem lại diệu kỳ
Vườn hồ tiêu 5ha của anh Lê Hùng Huấn được chăm sóc theo hướng hữu cơ ngay từ đầu nên luôn xanh tốt, cho năng suất ổn định nhất vùng.
5 ha hồ tiều của gia đình anh Lê Hùng Huấn được canh tác theo hướng hữu cơ. Ảnh: Đăng Lâm.
Anh Lê Hùng Huấn (thôn 7, xã Ia Blang, huyện Chư Sê, Gia Lai) bắt đầu trồng ha hồ tiêu từ năm 2012- 2015. Điều lạ là trong khi cả “Vương quốc hồ tiêu” Chư Sê, Chư Pưh một thời mắc bệnh, chết khô, vườn của anh vẫn xanh tốt và cho năng suất ổn định.
Chia sẻ về việc này, anh Huấn cho biết, đó là nhờ ngay từ đầu, anh đã áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, đặc biệt là chăm sóc vườn tiêu theo hướng hữu cơ bền vững.
Một trong những biện pháp được anh áp dụng, đó là việc để cỏ có kiểm soát dưới gốc hồ tiêu. Trong khi hầu hết những vườn tiêu khác đều được làm sạch cỏ dưới gốc vườn tiêu của anh lại để cho cỏ xanh tốt khắp vườn.
Lý giải về việc làm ngược đời này, anh Huấn cho biết: Để cỏ dưới gốc cây có cái lợi là mùa khô, thảm cỏ có chức năng giữ ẩm cho đất, làm mát cho gốc tiêu, về mùa mưa thảm cỏ sẽ hút bớt nước, tránh tình trạng hồ tiêu bị úng gây thối rễ. Theo đó, bất cứ mùa mưa hay mùa khô, vườn cây của anh đều giữ được độ ẩm cần thiết, không quá khô hay bị úng nước.
Cũng theo anh Huấn, để cỏ dưới gốc sẽ giảm được công chăm sóc rất nhiều: Khi thấy cỏ mọc cao, chỉ cần lấy máy ra cắt phần trên, để lại khoảng 10cm dưới gốc, mỗi năm chỉ cần làm vài lần như vậy. “Với 1ha tiêu, nếu cầm cuốc làm cỏ hết 10 công (10 ngày- P.V), trong khi dùng máy cắt cỏ phần trên chỉ hết 1 công, giảm được rất nhiều về thời gian và chi phí”, anh Hùng cho biết.
Lý giải về thắc mắc để cỏ dưới gốc tiêu, cỏ sẽ ăn một phần phân bón của cây tiêu, anh Huấn cho biết: “Cũng có, nhưng không nhiều, tự nó nuôi nó thôi. Bởi khi cắt bỏ phần cỏ ở trên được bỏ lại ngay dưới gốc cây. Phần cỏ bị cắt này sẽ là nguồn thức ăn cho mỗi gốc tiêu, và cho chính gốc cỏ còn lại”.
Nhìn vườn hồ tiêu 5ha của anh Huấn cứ xanh mướt từ thảm cỏ dưới gốc đến thân tiêu ở trên, mới biết việc để cỏ dưới gốc hồ tiêu là cách đi đúng hướng. Vừa tiết kiệm được chi phí và công chăm sóc, mà vườn tiêu luôn được ổn định, tranh được bệnh và cho năng suất cao.
Bên cạnh việc để cỏ dưới gốc, anh Huấn còn rất coi trọng việc hạn chế tối đa sử dụng phân bón và thuốc hóa học, tăng cường sử dụng phân hữu cơ và thuốc BVTV sinh học. Cũng theo anh Huấn, việc làm phân bón hữu cơ truyền thống rất đơn giản. Chỉ cần đi mua gom phân bò về, trộn với trấu (vỏ cà phê), ủ với men. Một thời gian ngắn là có thể dùng bón vào gốc tiêu.
Ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho biết: Sử dụng phân bón hữu cơ có rất nhiều cái lợi cho vườn cây bởi đây là lối canh tác bền vững. Tránh tình trạng bóc lột đất, bóc lột cây tiêu, tăng độ phì và không gây nguy hại cho đất; đảm bảo được môi trường trong lành; vườn cây phát triển bền vững và cho năng suất cao, chất lượng hạt tiêu được đảm bảo theo các tiêu chí của người sử dụng…
Ngoài ra, vườn hồ tiêu của anh Huấn còn được lắp đặt hệ thống tưới nước phun mưa trên ngọn bên cạnh hệ thống tưới tiết kiệm kết hợp bón phân ở dưới gốc. Hiệu quả của việc tưới phun mưa trên ngọn làm mát thân trụ, dây và lá tiêu trong mùa nắng nóng, kích thích tiêu ra hoa, đậu quả, tránh việc khô dây, vàng lá…
Thời cao điểm của hồ tiêu (2015- 2016), vườn tiêu của anh Huấn thu hoạch được 30 tấn. Niên vụ 2019- 2020, trong điều kiện chung của cả vùng là tiêu mất mùa, anh vẫn thu được trên 17 tấn tiêu hạt. Vụ mới đây nhất, anh thu được trên 10 tấn, năng suất cao nhất vùng. Đó là nhờ vào việc anh áp dụng chăm sóc vườn cây theo hướng hữu cơ bền vững.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ