Để nông dân Việt trở thành nông dân toàn cầu
Trang Trại Việt đã ghi lại ý kiến của TS Đặng Kim Sơn về vấn đề này.
Hiểu thêm về thị trường thế giới
Hiện nay, quá trình hội nhập của Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới theo chiều sâu.
Trước đây, chúng ta tiến hành tự do hoá thương mại ở Đông Nam Á, sau đó rộng hơn nữa chúng ta có làm một loạt các hợp tác song phương như Việt Nam – EU, Việt Nam- Hoa Kỳ…và sâu hơn là khu vực mậu dịch tự do của thế giới WTO và hàng loạt các FTA như ASEA – Hà Quốc, ASEAN - Nhật Bản…
TS Đặng Kim Sơn.
Những lần hội nhập đó, hàng hoá Việt nam đi ra thế giới chiếm lĩnh thị trường giá rẻ, tương đối dễ tính, và tiêu chuẩn chất lượng cũng đòi hỏi không cao.
Do đó, chúng ta hoặc là bán nông sản thô hoặc là chỉ qua sơ chế để nước ngoài chế biến lại, đóng nhãn mác, bao bì.
Mặc dù, chúng ta đã nâng mức xuất khẩu nông lâm thủy sản lên rất cao, với kim ngạch xuất khẩu năm 2014 đạt hơn 30 tỷ USD, Việt Nam cũng đứng thứ hạng cao về số lượng của nhiều mặt hàng xuất khẩu trên thế giới như lúa gạo, cà phê, cao su...
Tuy nhiên, phần thu lại cho người sản xuất và kinh doanh của Việt Nam vẫn còn rất ít.
So với sản xuất và tiềm năng thị hiện xuất khẩu còn quá hạn hẹp.
Trong khi đó, Việt Nam cũng phải nhập phân bón, cây, con giống… các nông sản không có thế mạnh như sữa, nguyên liệu bia, vải, bông, nguyên liệu da, gỗ… cho ngành chế biến trong nước.
Với việc hội nhập ngày càng sâu, sức mạnh của Việt Nam được nâng lên rất nhiều, chúng ta từng bước hiểu thêm về thị trường thế giới, hiểu luật chơi, chính sách, thể chế của các quốc gia khác.
Đến nay, người nông dân cũng biết kiến thức căn bản về an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn kỹ thuật, cũng biết một cách căn bản mặt hàng nào thế giới tiếp nhận hàng hoá của Việt Nam.
Các kiến thức ấy là kiến thức cần thiết cho giai đoạn hội nhập vừa qua.
Nhiều lúc mình còn chê nông dân của mình còn kém nhưng nhìn ra thế giới không phải nông dân các nước khác đều có thể nắm được nhiều thông tin tốt như nông dân của Việt Nam.
Chưa nói tới kiến thức bên trong về sản xuất, về kỹ thuật, về quản lý tài nguyên, áp dụng khai thác hệ thống chính sách, quản lý tổ chức sản xuất nhỏ… nông dân Việt Nam khá giỏi.
Tuy nhiên, chỉ dừng lại ở mức này là chưa đủ sức cạnh tranh trong tương lai.
Sản xuất hiện tại cái gì cũng thừa, cứ được mùa là mất giá, nên cần phải mở rộng thị trường hiện nay, hoặc là tiến sang thị trường khác.
Chúng ta cũng cần xác định, những thị trường sắp mở ra là thị trường khó tính, đòi hỏi yêu cầu về an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn về xã hội như về đời sống công nhân, về an toàn thực phẩm, về bảo vệ cảnh quan…, rừng có quản lý bền vững hay không; các tiêu chuẩn về nhân đạo, không chỉ với con người mà còn với súc vật và thân thiện với môi trường nông dân cần phải biết và học hỏi.
Phải có nông dân chuyên nghiệp
Về mặt chính sách, thủ tục, nếu tới đây chúng ta tiến hành thực hiện truy xuất nguồn gốc, dán mã vạch, thậm chí kiểm tra trực tiếp nơi sản xuất...
thì người nông dân phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm với người tiêu dùng ở cả những thị trường xa xôi.
Như vậy, họ phải biết cả chính sách về quản lý, về pháp luật của các nước khác để tham gia liên kết, đồng thời đối chọi lại với đối thủ cạnh tranh ở các nước khác; vượt qua các hàng rào kỹ thuật, bảo vệ mình khỏi những sai sót không đáng có khi xâm nhập vào thị trường mới.
Kiến thức về thị trường, về sản xuất, về pháp lý, chính sách, trong điều kiện biến đổi khí hậu, cần có thêm cả kiến thức tưới tiết kiệm nước, chuyển đổi cơ cấu cây trồng… trong quá trình này, khoa học công nghệ sẽ áp dụng rất mạnh, kiến thức về sử dụng máy móc, sử dụng giống mới, quy trình công nghệ mới, tiêu chuẩn kỹ thuật mới… cần được đào tạo tốt.
Bao trùm lên là kiến thức quản lý nông trại, hợp tác xã, quản lý ngành hàng, biết cách điều chỉnh quy mô sản xuất, thay đổi ngành hàng theo tín hiệu của thị trường.
Người nông dân trong tương lai là người nông dân chuyên nghiệp, có kiến thức, có năng lực sáng tạo, không còn là “cha chuyền con nối” như trước nữa, không áp dụng kỹ thuật kiểu “con trâu đi trước cái cày theo sau nữa”.
Đã là nông dân chuyên nghiệp thì phải trẻ, khoẻ, có kiến thức...
Tất nhiên phải có khả năng tích luỹ vốn, quản lý vốn, sử dụng máy móc, có khả năng liên kết với nhau.
Xem ra, nông dân thời hội nhập còn hơn cả doanh nhân thời khép cửa.
Tới đây, là thế giới cạnh tranh, bước vào thị trường toàn cầu.
Trong các thỏa thuận hội nhập sâu thì phần lớn dòng thuế về không, các nước khác thì có trợ cấp ở đằng sau, hàng rào kỹ thuật ở đằng trước, có cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ, dịch vụ và chính sách rất tốt.
Còn người nông dân của Việt Nam hầu như không có các điều kiện đó.
Đối thủ cạnh tranh của nông dân Việt Nam là những chủ nông trại quản lý vài ha ở châu Á, vài chục ha ở châu Âu, vài trăm ha ở châu Mỹ, vài nghìn ha ở châu Úc…họ sử dụng máy tính, vệ tinh hướng dẫn, có viện nghiên cứu, trường đại học đứng bên cạnh.
Mô hình của họ mạnh như vậy, đòi hỏi chúng ta cũng phải có được đội ngũ nông dân đủ mạnh để cạnh tranh.
Không chỉ đào tạo, hay từ khuyến nông có được đội ngũ này mà sau khi nhận diện được “hình hài” của nông dân thế hệ hội nhập chúng ta phải chọn lựa.
Muốn chọn lựa, phải rút một lực lượng lao động không say mê, không đủ năng lực ra khỏi nông nghiệp, để dành lại tài nguyên, đất, nước… cho những người có năng lực và đam mê.
Việc này, không còn là việc của nông dân hay riêng ngành nông nghiệp mà cả nhà nước và xã hội cần vào cuộc để tạo ra làn sóng đưa lao động ra khỏi nông nghiệp.
Tất nhiên, là ra đi phải vững bền, không làm đổ vỡ mối quan hệ giữa nông thôn và thành thị.
Người ở lại phải được chọn lọc, đào tạo và cấp bằng, trên cơ sở đó mới được tích tụ đất đai, được vay vốn, giúp họ tổ chức lại thành hiệp hội, nghiệp đoàn, hợp tác xã… để có được người nông dân chuyên nghiệp.
Khi đó, nông dân mới trở thành nông dân hiện đại, được hoạt động trong môi trường tốt, khung pháp lý rõ ràng, được hỗ trợ về kiến thức, vốn, về năng lực quản lý… thì những người nông dân mới trở thành nông dân chuyên nghiệp, có đủ sức chèo lái được con tàu nông nghiệp Việt Nam đi ra biển lớn.
Đấy là mơ ước mà cũng có thể là hiện thực.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ