Tin thủy sản Để nuôi tôm thâm canh bền vững

Để nuôi tôm thâm canh bền vững

Tác giả Trần Hiếu, ngày đăng 13/05/2017

Để nuôi tôm thâm canh bền vững

Ngày 5/5, tại Bạc Liêu, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp Sở NN-PTNT Bạc Liêu tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Phát triển nuôi tôm thâm canh đạt hiệu quả cao và bền vững”.

Nuôi tôm vẫn chưa xứng với lợi thế

Theo đánh giá của Tổng cục Thủy sản, con tôm Việt Nam có tiềm năng rất lớn, sản phẩm tôm rất được thế giới ưa chuộng. Hiện chưa có ngưỡng giới hạn đối với sản phẩm tôm, giá tôm hầu như chưa bị rớt giá hoặc bị khủng hoảng. Xâm nhập mặn và kịch bản nước biển dâng sẽ dẫn đến nhiều vùng đất bị nhiễm mặn. Đây là thách thức nhưng chúng ta có thể chuyển đổi diện tích đất sản xuất sang phát triển nuôi tôm để thích ứng. Tạo điều kiện để con tôm tạo đột phá, diện tích nuôi tôm nước lợ có khả năng mở rộng lên 1 triệu ha, tập trung chủ yếu ở ĐBSCL.

Hiện chúng ta có hệ thống 350 nhà máy chế biến, với công suất đạt 1,4 triệu tấn đạt trình độ tiến tiến của khu vực, thế giới. Đặc biệt, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu năng động, sáng tạo, có nhiều kinh nghiệm có thể đáp ứng được yêu cầu của thị trường nhập khẩu là những điều kiện rất thuận lợi để con tôm tiến bước.

Tuy nhiên, từ năm 2017, tình hình thế giới đang có những diễn biến mới theo hướng bảo hộ mậu dịch, từ đó dự đoán sẽ có những tác động bất lợi đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tôm. Sự tăng giá của đồng USD so với một loạt ngoại tệ khác như đồng Euro, đồng Yên làm giá vật tư và tôm nguyên liệu nhập khẩu tăng. Giá thức ăn, thuốc, hóa chất, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường, nhiên liệu, máy móc phục vụ nuôi tôm tăng sả làm ảnh hưởng lớn hoạt động nuôi tôm của cả nước.

Bên cạnh đó, sản lượng tôm của các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan sau thời kỳ sụt giảm sản lượng do dịch bệnh, đã có dấu hiệu phục hồi tăng trưởng. Đây sẽ là yếu tố cạnh tranh quan trọng mà các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý. Một số thị trường quan trọng như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản dự báo sẽ gặp khó khăn do áp lực cạnh trạnh, thuế chống bán phá giá, rào cản kỹ thuật khiến cho xuất khẩu khó duy trì được tăng trưởng mạnh.

Thêm vào đó, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhất là tình hình hạn mặn năm 2016 đã gây nhiều khó khăn cho việc phát triển nuôi tôm. Chỉ riêng 3 tỉnh trọng điểm Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang bị thiệt hại lên tới trên 188.000ha. Những tháng đầu năm 2017 (hết tháng 4), các tỉnh nuôi tôm trọng điểm vùng ĐBSCL diện tích thả nuôi mới đạt 556.000ha, bằng gần 102% cùng kỳ. Sản lượng thu hoạch đạt hơn 88.000 tấn, cũng chỉ bằng hơn 102% cùng kỳ. Tổng cục Thủy sản cho biết, mặc dù điều kiện phát triển nuôi tôm năm nay được đánh giá là thuận lợi hơn cùng kỳ rất nhiều nhưng tình hình triển biến vẫn chậm, chưa đúng tiềm năng lợi thế.

Trong diễn đàn, nhiều nông dân đã tham gia đóng góp ý kiến. Đa phần bà con đều cho biết hiện nay không còn nguồn vốn để tiếp tục đầu tư. Tình hình dịch bệnh vẫn rất phức tạp. Bên cạnh đó, chất lượng con giống, thuốc thú y thủy sản không đạt... là những lý do tình hình nuôi tôm đầu năm nay chậm tiến độ.

Ông Kim Văn Tiêu, PGĐ Trung tâm KNQG đề nghị phía Tổng cục Thủy sản tiếp tục tập trung chỉ đạo quản lý chất lượng tôm giống, chế phẩm sinh học, thuốc kháng sinh và các chế phẩm xử lý cải tạo môi tường khác, đảm bảo quyền lợi cho nông dân. Các viện, trường, doanh nghiệp cần tiếp tục nghiên cứu sản xuất con giống có chất lượng, sạch bệnh, tiến tới sản xuất giống kháng bệnh để ngỡ khó cho ngành tôm.

Ông Tiêu lưu ý Trung tâm Khuyến nông các tỉnh cần tập trung phát triển các mô hình nuôi tôm đạt hiệu quả cao. Đẩy mạnh đào tạo kỹ thuật mới giúp người dân nâng cao tay nghề. Từ đó nhân rộng những mô hình khả dụng, tăng hiệu quả nuôi tôm. Bà con cũng cần mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tích cực học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau...

+ Ông Huỳnh Quốc Khởi, GĐ Trung tâm Khuyến nông Bạc Liêu:

"Liên kiết chuỗi sản xuất hiện nay rất khó khăn. Mỗi nông hộ phải là một hạt chuỗi để liên kết. Nhưng hạt chuỗi không có lỗ để xâu, bởi nhiều nông dân không muốn liên kết. Bên cạnh đó, cũng không có dây để liên kết chuỗi lại. Sợi đây để liên kết được coi là doanh nghiệp, nhưng ít doanh nghiệp mặn mà. Còn rất nhiều vấn đề chúng ta phải bàn lại rồi mới có thể thực hiện liên kết chuỗi...".

+ Ông Lê Anh Xuân, Giám đốc Cty Trúc Anh:

"Nuôi tôm theo mô hình hai giai đoạn chúng tôi đang triển khai có nhiều ưu điểm. Chỉ cần 1 ao ương, phục vụ cho 2 - 3 ao nuôi. Giảm chi phí thức ăn ở giai đoạn đầu 5 - 6 lần. Bên cạnh đó, còn rút ngắn được thời gian nuôi, nuôi được nhiều vụ trong năm. Quá trình nuôi không sử dụng kháng sinh, hóa chất cho nguồn tôm sạch vượt qua các rào cản thị trường. Đặc biệt, nuôi quản lý hai giai đoạn khắc phục hội chứng tôm chết sớm (EMS)".

+ Ông Phan Thanh Vân, nông dân xã Viên An Đông (huyện Ngọc Hiển, Cà Mau):

"Gia đình tôi thực hiện mô hình nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng, quy định thực hiện thì rất nghiêm ngặt. Khi thu hoạch bán tôm thương phẩm như giá tôm bình thường. Vậy liên kết làm tôm sinh thái làm gì, khi nông dân không có lợi. Vấn đề cho vay vốn cũng đang vướng mắc. Từ năm 2008, HTX của ông thành lập đến nay chưa ai vay được đồng vốn ưu đãi nào".

+ Ông Trương Thế Hùng, nông dân tỉnh Sóc Trăng:

"Cơ quan quản lý lúc nào cũng nói đến vấn đề kiểm soát tôm giống. Nhưng tôi thấy tôm giống chưa có chuyển biến về chất lượng. Thậm chí hiện cơ sở SX giống còn nhiều hơn, phức tạp hơn. Tôm giống tốt bán 1 đồng, tôm giống tào lao bán 3 - 4 đồng. Nông dân không biết đường nào mà lần. Vấn đề khuyến cáo nuôi cũng bất cập. Tới mùa vụ hô hào nông dân đồng loạt thả, đồng loạt thu hoạch, dẫn đến đồng loạt giảm giá. Đường nào nông dân... cũng chết".


Cá tra chưa thể thoát khó Cá tra chưa thể thoát khó Mỹ sẽ hỗ trợ Việt Nam trong thời gian chuyển tiếp về xuất khẩu cá tra Mỹ sẽ hỗ trợ Việt Nam trong thời…